Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Tín dụng bất động sản: Kiểm soát hợp lý thay vì dùng thuật ngữ "siết chặt"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Trong bối cảnh GDP quý II tăng 7,72% và 6 tháng đầu năm tăng 6,42% khi nền kinh tế đang hồi phục khả quan sau 2 năm đại dịch COVID-19, có ý kiến cho rằng không nên dùng từ “siết chặt” khi đề cập tới tín dụng bất động sản, chứng khoán hay một số lĩnh vực khác.

 Thị trường bất động sản chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế. Ảnh: Thế Lâm.
Thị trường bất động sản chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế. Ảnh: Thế Lâm.


Thay vào đó, thuật ngữ “kiểm soát hợp lý” nên được sử dụng khi phát ngôn cũng như trong điều hành chính sách.

Bởi nội hàm của “kiểm soát hợp lý” là có thắt có mở: Thắt đối với các dự án rủi ro, sức khỏe kém, có dấu hiệu đầu cơ không lành mạnh; mở đối với các dự án giải quyết nhu cầu nhà ở thiết thực và cần kíp của người dân, giúp phát triển thị trường nhà ở nói riêng và bất động sản nói chung, phát triển sản xuất.

Bất động sản là một lĩnh vực rất quan trọng trong nền kinh tế. Trong sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch, thị trường bất động sản không thể tiếp tục bất động mà cần phải phục hồi mạnh mẽ.

Theo ông Lê Hoàng Châu-Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, giá trị thị trường bất động sản chiếm 15% GDP và nguồn thu từ bất động sản chiếm 11% GDP trong 5 tháng đầu năm 2022. Nguồn vốn FDI vào bất động sản cũng chiếm 15% vốn FDI vào Việt Nam.  

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Thuân-Tổng Giám đốc Fiin Group – cho biết, thời gian qua năng lực tín dụng trên bình diện chung của các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam cơ bản tương đối an toàn. Nhìn chung, tín dụng bất động sản chưa quá lớn xét cả về trái phiếu doanh nghiệp, cho vay mua nhà và cho chủ đầu tư vay. Tuy nhiên ông Thuân cũng lưu ý rằng nên kiểm soát rủi ro chặt hơn đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.

Trên thực tế, cụm từ “siết chặt cho vay bất động sản” được dẫn trên các phương tiện truyền thông thời gian qua chưa thật sự chính xác. Đã có trường hợp, một quan chức của Bộ Tài chính phải “đính chính” rằng không hề dùng từ “siết chặt” khi đề cập tới tín dụng bất động sản. Tuy nhiên trên thực tế như vừa đề cập, từ thuật ngữ “kiểm soát” đã bị diễn dịch thành “siết chặt” trong các thông tin đăng tải, dẫn đến các tranh luận bên lề cũng như tại một số diễn đàn về kinh tế, về thị trường vốn…, rằng nên hay không nên siết chặt tín dụng bất động sản.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – cho rằng: “Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang trên đà phục hồi tốt, mà chúng ta không dám bơm vốn, thì sẽ mất cơ hội”.

Cũng theo tiến sĩ Thiên, dự án tốt thì cứ bơm vốn, còn dự án có vấn đề hay rủi ro thì phải có kiểm soát tốt hơn. Nếu lúc này các doanh nghiệp đang cần tiếp sức, bơm vốn mà chúng ta quá sợ lạm phát không dám bơm vốn, thì các doanh nghiệp đã vốn yếu, lại chịu lạm phát của thế giới cao, sẽ rất nguy cơ.

Thị trường bất động sản - đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán – rất nhạy cảm với các thông tin “siết chặt tín dụng bất động sản”. Phản ứng của thị trường chứng khoán mỗi lần có thông tin như vậy, hàng loạt cổ phiếu nhóm bất động sản giảm giá mạnh.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng, Việt Nam có năng lực kiềm chế lạm phát và năng lực giữ ổn định vĩ mô, với sự bình tĩnh ứng phó Việt Nam có thể thúc đẩy nền kinh tế phục hồi mà không làm mất ổn định vĩ mô.


https://laodong.vn/bat-dong-san/tin-dung-bat-dong-san-kiem-soat-hop-ly-thay-vi-dung-thuat-ngu-siet-chat-1069353.ldo

Theo Thế Lâm (LĐO)

 

Có thể bạn quan tâm