Kinh tế

Tín dụng bất động sản tăng nóng và những rủi ro tiềm ẩn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thị trường bất động sản (BĐS) tại Gia Lai trong thời gian qua vẫn đang trầm lắng. Theo các chuyên gia, kênh đầu tư kinh doanh BĐS sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới. Tuy nhiên tín dụng ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực này trong 8 tháng qua đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đây thật sự là vấn đề đáng quan tâm.
Thị trường BĐS Gia Lai... vẫn đang trầm lắng
Thông thường, cứ từ quý III tới cuối năm là thị trường BĐS sôi động hơn. Tuy nhiên chưa bao giờ thị trường BĐS lại chịu nhiều chính sách tác động đan xen theo chiều hướng xấu như hiện nay.
Lướt qua một số website chuyên đăng tin giao dịch, mua bán BĐS tại Gia Lai như: Nhadatgialai.com.vn, muabannhadat.com.vn, gialai24h.net,... có thể tìm thấy hàng chục ngôi nhà, mảnh đất được rao bán có giá từ vài tỷ đồng đến vài trăm triệu đồng. Có điều số lượt người xem thì nhiều, nhưng số lượng giao dịch thì không đáng kể. Có những căn nhà rao bán từ đầu năm đến nay vẫn nằm yên.
Đảo một vòng quanh TP. Pleiku, một điều dễ thấy là khắp các đường phố, ngõ hẻm đâu đâu cũng thấy biển treo bán nhà, bán đất, tuy nhiên qua nhiều tháng vẫn thấy nằm yên đó… Các dự án khu đô thị cũng chẳng sáng sủa gì hơn. Mới đây Công ty VK-Highland đã có một chiến dịch PR rầm rộ để bán căn hộ thuộc dự án Khu Đô thị Cầu Sắt, nhưng kết quả chưa mấy khả quan.
Một góc TP. Pleiku
Một góc TP. Pleiku
Tín dụng BĐS tăng trưởng nóng
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước- Chi nhánh tỉnh Gia Lai cho biết, đến cuối tháng 8-2010, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực BĐS của các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh là 1.528 tỷ đồng, chiếm 7,5% so với tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn. Tỷ trọng này dù vẫn nằm trong giới hạn cho phép và còn thấp hơn mức 10% so với tỷ trọng tín dụng BĐS của toàn hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là dư nợ cho vay đối với lĩnh vực BĐS trên địa bàn tỉnh đã tăng 90% so với cùng kỳ năm trước và tăng 64,3% so với cuối năm 2009, trong khi tốc độ tăng trưởng tổng dư nợ tương ứng chỉ là 12,6% và 10,2%. Đặc biệt, có chi nhánh ngân hàng thương mại có tỷ trọng tín dụng BĐS chiếm đến 65% tổng dư nợ.
Hiện mức cho vay tối đa đã là 7 tỷ đồng đối với một khách hàng cá nhân và 122 tỷ đồng đối với tổ chức; thời hạn cho vay tối đa đối với khách hàng cá nhân là 5 năm và đối với tổ chức là 15 năm. Dư nợ cho vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà để ở chiếm tỷ trọng cao nhất là 48,4%, tiếp đến là cho vay mua quyền sử dụng đất chiếm 18,2%, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh chiếm 12,5%, xây dựng khu đô thị chiếm 7,9%…
Rủi ro tiềm ẩn
Đành rằng đất không “đẻ” ra được, trong khi nhu cầu về nhà ở của người dân, đặc biệt là ở đô thị vẫn không ngừng tăng. Do vậy, đầu tư vào BĐS vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn được nhiều người quan tâm và có người đã thu lãi lớn nhờ biết đầu tư đúng lúc và “biết chọn” vị trí, dự án tốt. Tuy nhiên, đối với thị trường BĐS khi đã đóng băng thì rất lâu băng mới tan và hệ lụy của nó là giao dịch mua bán rất khó nên tính thanh khoản rất kém.
Cho dù đến nay, tỷ lệ cho vay BĐS của các ngân hàng trên địa bàn vẫn ở giới hạn cho phép, nhưng là tiềm ẩn rủi ro đang ngày càng tăng. Đặc biệt là việc cấp tín dụng đầu tư vào BĐS có tính chất đầu cơ sẽ làm tăng mức độ rủi ro cho ngân hàng. Hơn nữa, hiện lãi suất các khoản cho vay BĐS đều theo cơ chế thỏa thuận với mức 14-16%/năm càng làm tăng nguy cơ rủi ro cho những người đầu cơ và cả ngân hàng cho vay.
Còn nhớ cuối năm 2008, khi các ngân hàng thương mại thắt chặt tín dụng nhằm thực hiện chủ trương chống lạm phát của Chính phủ, trên địa bàn tỉnh ta đã xảy ra hàng loạt vụ vỡ nợ, kéo theo hàng trăm ngôi nhà, lô đất được gán nợ, cấn trừ. Một bài học đáng được lưu tâm.
Nguyễn Kế Hiền

Có thể bạn quan tâm