(GLO)- Từ lâu, âm hưởng và phong cách Jrai đã thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và sáng tác âm nhạc ở nước ta. Nhiều công trình nghiên cứu và tác phẩm âm nhạc được công chúng cả nước đón nhận, trong đó có “Tình ca Tây Nguyên” của nhạc sĩ Hoàng Vân.
“Tình ca Tây Nguyên” được nhạc sĩ Hoàng Vân viết năm 1982, sau đợt đi thực tế sáng tác tại tỉnh Gia Lai-Kon Tum năm 1979. Lúc đó, nhạc sĩ Hoàng Vân là giảng viên của Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), đồng thời là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Với bút pháp mô phỏng và phát triển, nhạc sĩ Hoàng Vân đã đưa ngôn ngữ âm nhạc dân gian Jrai vào trong tác phẩm của mình một cách uyển chuyển và khéo léo.
“Tình ca Tây Nguyên” có cấu trúc 2 đoạn hay còn gọi là 2 phần: A và B tương phản rõ rệt. Phần A được trình bày trên cơ sở thang âm điệu thức 5 âm có bán âm của người Jrai; nhịp độ, tiết tấu khoan thai, cường độ nhẹ nhàng uyển chuyển; giai điệu bám chặt vào 2 âm điệu đặc trưng của người Jrai và chuyển động theo mô hình làn sóng, với thủ pháp hỏi đáp hoặc chuyển dịch độ cao theo một âm hình tiết tấu nhất định, hoặc câu nhạc được tạo sự liên kết của 2 tiết nhạc giống nhau, vận động trong khuôn khổ của thang 5 âm có bán âm. Thậm chí, trong nhiều ô nhịp, nhạc sĩ đã sử dụng thang 5 âm Jrai một cách tài tình, gây ấn tượng sâu sắc.
Theo đó, tác giả dẫn người nghe trở về với những năm tháng hào hùng của quân và dân Tây Nguyên bằng 2 câu nhạc với thủ pháp nhắc lại nguyên câu, có ca từ vừa mang tính hình tượng và tính khái quát cao: “Yêu em, anh đã từng xông pha trong lửa đạn. Yêu anh, miền đất đỏ cao nguyên che chở anh”. Cùng với âm nhạc, ca từ trong đoạn nhạc này đã thể hiện một quang cảnh thanh bình của đất trời cao nguyên bao la, hùng vĩ. Dưới màu trời xanh có rừng cây xanh và hồ trong nước xanh. Đó là “bài ca Tây Nguyên em yêu trọn đời”.
Nhạc sĩ Hoàng Vân. Ảnh: Internet |
Đoạn B của tác phẩm được nhạc sĩ Hoàng Vân dùng thủ pháp phát triển để tạo sự tương phản với đoạn A, bằng hình thức sử dụng âm hình tiết tấu của tiết nhạc thứ 2 trong câu nhạc thứ 3 có tính chất thúc giục, khẩn trương. Âm hưởng 3 câu đầu của đoạn B được chuyển sang điệu thức A trưởng tạo màu âm mới cho giai điệu của tác phẩm. Tuy nhiên, ở đây âm hưởng và phong cách Jrai vẫn được vang lên một cách rất tự nhiên. Đó cũng là sự phát triển của giai điệu theo hình thức “vòng tuần hoàn quãng 5”-kiểu hòa điệu đang tồn tại trong kho tàng âm nhạc dân gian của người Bahnar và Jrai, đặc biệt là trong âm nhạc cồng chiêng. Từ nhịp thứ 40 đến nhịp 52 kết thúc tác phẩm, giai điệu lại chuyển động trong khuôn khổ của thang âm điệu thức 5 âm có bán âm của âm nhạc dân gian Jrai. Như vậy, âm hưởng của đoạn B vừa mang tính thời đại vừa đậm đà bản sắc dân tộc.
Cũng như đoạn A, lời ca trong đoạn B kết hợp với sự vận động và phát triển của giai điệu một cách logic. Đi giữa màu xanh của đất trời cao nguyên hôm nay, ta không thể nào quên được những năm tháng mòn mỏi chờ trông từng hạt thóc, hạt muối, đặc biệt là trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt: “Hạt muối năm xưa từng trông chờ mỏi mắt/Anh gùi muối về trong cái chết gần kề”. Để rồi: “Dòng nước hôm nay màu xanh hằng ngóng trông/Con đường tấp nập em thấy đông vui quá/Đất chờ nước, nước theo anh về/Đất chờ nước nước theo anh về/Cho Tây Nguyên thêm xanh/Cho tình em thêm xanh...”. Với thủ pháp mô tả và những ca từ mộc mạc nhưng mang tính khái quát cùng với những câu nhạc có tiết tấu rộn ràng, sôi động mang âm hưởng và phong cách Jrai, nhạc sĩ đã dẫn dắt chúng ta đến Tây Nguyên với một sức sống mới, tươi đẹp.
Trong “Tình ca Tây Nguyên”, nhạc sĩ Hoàng Vân đã khai thác chất liệu âm nhạc dân gian Jrai một cách khéo léo và uyển chuyển. Tuy không mô phỏng một điệu dân ca cụ thể nào, nhưng trong mỗi câu nhạc, ta thấy vang lên đầy đủ các yếu tố đặc trưng của âm nhạc Jrai. Đó là thang âm điệu thức 5 âm có bán cung, với 2 âm điệu đặc trưng như vừa nêu trên, nét giai điệu vừa lảnh lót vừa trầm hùng, nhịp điệu khoan thai nhưng không kém phần sôi động, tạo cho ta một cảm giác vừa gần gũi, vừa xa xăm huyền thoại vừa đậm đà bản sắc dân tộc vừa mang tính thời đại.
LÊ XUÂN HOAN