Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Tỉnh Kiên Giang thí điểm xuất khẩu mặt hàng cá nóc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Sau thời gian khảo sát, tìm hiểu thị trường xuất khẩu mặt hàng cá nóc, đầu tháng 8, tỉnh Kiên Giang chính thức triển khai thí điểm mở rộng và nâng cao việc khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá nóc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cho phép hai tỉnh Khánh Hòa và Kiên Giang thực hiện chủ trương trên.

Đối tác duy nhất được cho phép nhập cá nóc xuất khẩu là Công ty Poseidon của Hàn Quốc. Công ty Poseidon có trách nhiệm tập huấn kỹ thuật phân biệt cá nóc được phép xuất khẩu cho ngư dân, doanh nghiệp thu mua, bảo quản và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.

Bà Nguyễn Ngọc Phượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang cho biết, chất độc trong cá nóc xuất khẩu sẽ được trích xuất để phục vụ cho việc sản xuất thuốc cai nghiện ma túy.

Các phế phẩm khác từ cá nóc do địa phương liên hệ trực tiếp với Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an tận dụng nghiên cứu khoa học. Để được đánh bắt, thu mua, bảo quản, chế biến và xuất khẩu cá nóc, các tàu đánh cá, doanh nghiệp phải đăng kí tham gia đề án thí điểm và được cơ quan chức năng cho phép.

Bà Phượng cũng lưu ý chủ trương này chỉ cho phép “thí điểm xuất khẩu cá nóc, đồng thời vẫn nghiêm cấm mọi hình thức thu mua, chế biến và tiêu thụ nội địa," nếu vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành quyết định thành lập Tổ kiểm tra, chứng nhận cá nóc tại Cảng cá Tắc Cậu (huyện Châu Thành) và quy trình kiểm tra chứng nhận cá nóc.

Phía Công ty Poseidon cho biết chỉ chấp nhận tiêu thụ hai loại cá nóc xanh và cá nóc bạc. Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang cũng đã ban hành quyết định cho phép hai công ty Mai Sao và Huy Nam được phép chế biến, xuất khẩu cá nóc. Đây là hai doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc trong nhiều năm nay.

Được biết, sản lượng cá nóc khai thác tại ngư trường Kiên Giang mỗi năm đạt trên dưới 10.000 tấn. Toàn bộ cá nóc khai thác được ngư dân loại bỏ ngay trên biển, mang về làm thức ăn chăn nuôi hoặc tiêu thụ với giá thấp.

Hiện nguồn cá nóc vẫn chưa được sử dụng một cách hợp lý và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; trong khi sử dụng cá nóc làm thực phẩm là tập quán lâu đời của người dân một số nước châu Á và trên thế giới. Các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đang có nhu cầu nhập khẩu cá nóc với số lượng lớn.

Xuất phát từ thực tế nêu trên, với kết quả về điều tra nguồn lợi và đặc tính riêng biệt của cá nóc cho thấy nguồn tài nguyên này cần được khai thác, sử dụng hợp lý và có hiệu quả.

Việc thực hiện đề án thí điểm khai thác, thu mua, bảo quản, chế biến cá nóc xuất khẩu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại địa bàn Kiên Giang là hướng đi thích hợp.
Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm