Pháp luật

Tin tức

Tư vấn pháp luật

Tòa án trả đơn có đúng luật ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo đơn của bà Trần Thị Kim Hạnh (quận Thủ Đức- Thành phố Hồ Chí Minh) thì bà và N. (ngụ ở thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ- Gia Lai) có quen biết nhau. Năm 2005, do mang thai ngoài ý muốn, N. đã đến nhà bà Hạnh để phá thai. Bà Hạnh khuyên N. nên sinh con và hứa nhận đứa trẻ làm con nuôi. Sau khi cháu bé ra đời, bà Hạnh đã nhận chăm sóc, còn N. bỏ đi lấy chồng. Ngày 14-11-2005, bà Hạnh ra UBND xã An Điền, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương làm giấy khai sinh và chị đứng tên làm mẹ đứa trẻ, đặt tên là Trần Thị Kim Ngân (do khi sinh N. không có giấy tờ tùy thân nên hồ sơ nhập viện lấy tên bà Hạnh). Đến tháng 5-2008, bà K. (mẹ của N., bà ngoại của Ngân) đến thăm gia đình bà Hạnh, cho tiền mua sữa. Tháng 2-2009, bà K. ngỏ ý đưa cháu ngoại về Đức Cơ chơi, bà Hạnh chấp nhận. Sau 1 tháng, bà K. gọi bà Hạnh lên Gia Lai vì Ngân bị bệnh. Bà Hạnh lên và muốn đưa con về thành phố Hồ Chí Minh thì bà K. nhất định không cho.
Bà Hạnh viết đơn gửi khắp nơi để được giành lại quyền nuôi con và cuối cùng đến Tòa án Nhân dân huyện Đức Cơ. Nhưng ngày 23-5-2009, Tòa án Nhân dân huyện Đức Cơ thông báo trả lại đơn kiện. Bà Hạnh làm đơn khiếu nại thì ngày 29-5-2009 Tòa án Nhân dân huyện Đức Cơ bác đơn giữ nguyên quan điểm “vụ án không thuộc thẩm quyền của Tòa án”.
Theo quyết định giải quyết khiếu nại của Tòa án Nhân dân huyện Đức Cơ thì căn cứ từ Điều 25 đến Điều 32 của Bộ luật Tố tụng Dân sự thì việc “đòi lại con” không nằm trong các điều này. Nếu bà Hạnh làm đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con  thì Tòa án sẽ thụ lý giải quyết. Như vậy, cách giải quyết  của Tòa án Nhân dân huyện Đức Cơ đã chưa làm rõ nguyên nhân vì sao không thụ lý đơn dẫn đến việc công dân khiếu nại khắp nơi.
Quang Nhân

Có thể bạn quan tâm