Bạn đọc

Tòa cấp sơ thẩm vi phạm Luật Tố tụng Dân sự?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vừa qua, Gia Lai online nhận được đơn kiến nghị của ông Thái Công Vanh-trú tại thôn Chư Bồ 1, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ về việc Tòa án Nhân dân huyện có sai phạm trong quá trình xét xử sơ thẩm vụ án dân sự về tranh chấp đất đai giữa gia đình ông và ông Phạm Thanh Đông (trú cùng thôn). Qua tìm hiểu, Gia Lai online phản ánh như sau.

Bỏ qua giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Theo trình bày của ông Vanh, năm 1994, Xí nghiệp Chế biến Mủ cao su thuộc Binh đoàn 15 có giao cho ông (công nhân Quốc phòng) thửa đất, có giới cận hai bên giáp với đất của gia đình ông Đông và đường đi vào xã Ia Pnôn, còn mặt trước giáp với quốc lộ 19B có chiều rộng mặt trước 15 mét, mặt sau rộng 4 mét, chiều dài giáp với đất của Xí nghiệp. Ranh giới đất của ông Vanh và ông Đông là trụ điện hợp kim phía trước quốc lộ 19B.

Mốc ranh giới giữa gia đình ông Vanh và ông Đông. Ảnh: Lê Anh
Mốc ranh giới giữa gia đình ông Vanh và ông Đông. Ảnh: Lê Anh

Đến ngày 24-4-2001, vợ chồng ông Vanh được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) số 64, tờ bản đồ số 4, với diện tích 765 m2 (gia đình không chứng kiến việc đo đạc đất để vẽ trích lục thửa đất). Theo trích lục của bản đồ, đất của ông sát đến móng nhà của ông Đông, phía trước cách ranh giới cũ (cột điện) là 6 mét, phía sau hẹp hơn. Năm 2010, gia đình ông xây nhà trên phần đất được cấp nhưng theo hiện trạng thực tế một phần căn nhà của ông có lấn sang đất của ông Đông với diện tích 0,525 m2, phía giáp quốc lộ 19B, có hình tam giác. Phần đất này, gia đình ông cũng đã thỏa thuận đền bù cho gia đình của ông Đông 20 triệu đồng vào ngày 28-4-2010… Tuy nhiên, thực tế hiện trạng sử dụng đất của gia đình ông vẫn còn thiếu 253,4 m2 so với trích lục. Phần diện tích thiếu này, gia đình ông Đông đang sử dụng.   

Còn phía gia đình ông Đông lại cho rằng, gia đình ông không hề lấn đất của gia đình ông Thái Công Vanh  mà ngược lại gia đình ông Vanh lấn chiếm 171,815 m2 đất của mình (trên thửa đất 117)... Do quá trình hòa giải không thành, nên ông Đông đã khởi kiện ra Tòa án Nhân dân huyện Đức Cơ. Ngày 9-9-2011, Tòa án Nhân dân huyện Đức Cơ đã xét xử sơ thẩm về “Tranh chấp quyền sử dụng đất, yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả tiền” giữa các đương sự.

Tại phiên tòa, bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử công nhận các giấy chứng nhận QSDĐ đối với các thửa đất số 64 và 117 để giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn, vì các giấy chứng nhận QSDĐ đất được cấp hợp pháp. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu hồ sơ và kết quả thẩm định tại chỗ ngày 25-2-2011 của Tòa án Nhân dân huyện, Hội đồng xét xử đưa ra nhận định…

Trước khi trình UBND huyện cấp giấy chứng nhận QSDĐ, Phòng Địa chính (nay là Phòng Tài nguyên và Môi trường) không xác minh thực địa trích lục thửa đất số 64 và 117 có phù hợp với thực tế hay không… Do đó, không thể căn cứ vào trích lục các thửa đất trên để làm căn cứ giải quyết yêu cầu khởi kiện của đương sự mà phải căn cứ vào nguồn gốc đất, diện tích đất theo hiện trạng cũ, do Xí nghiệp Chế biến Mủ cao su giao từ năm 1994 để làm căn cứ giải quyết…

Chính vì vậy, Hội đồng xét xử quyết định buộc vợ chồng ông Thái Công Vanh có nghĩa vụ thanh toán cho vợ chồng ông Phạm Thanh Đông trị giá quyền sử dụng diện tích đất 84,32 m2 phía trước đã xây lấn chiếm là 225 triệu đồng; buộc vợ chồng ông Vanh trả lại 87,5 m2 đất phía sau căn nhà cho ông Đông, có hình tứ giác có cạnh tương ứng: 3,3 mét, 70 mét, 62 mét, 8 mét. Không chấp nhận yêu cầu phản tố về tranh chấp quyền sử dụng đất (đòi vợ chồng ông Đông trả lại đất theo trích lục đất) của ông Vanh.

Như vậy ông Đông có quyền sử dụng thửa đất 117, tờ bản đồ số 4, có hình thất giác, có giới cận: Phía Đông giáp đất ông Trương Công Tuyển hình gấp khúc, độ dài tương ứng 23,1 mét, 61 mét; Tây giáp đất ông Vanh có độ dài tương ứng 17 mét, 3,3 mét, 71 mét; Nam giáp tường rào Nhà máy Chế biến Mủ Công ty 72, dài 6 mét; Bắc giáp đường 19 B, dài 6,7 mét. Còn đất ông Vanh được quyền sử dụng thửa 64, tờ bản đồ số 4, có giới cận: Đông giáp nhà ông Đông có hình gấp khúc, độ dài tương ứng 17 mét, 3,3 mét, 71 mét; Tây giáp đường liên xã Ia Pnôn dài 91 mét; Nam giáp tường rào Nhà máy Chế biến mủ cao su Công ty 72, dài 2 mét; Bắc giáp quốc lộ 19B, dài 16,55 mét (có cả vi phạm chỉ giới giao thông). Hai ông có nghĩa vụ đăng ký lại QSDĐ theo quy định của pháp luật….

Quyết định này của Tòa án Nhân dân huyện Đức Cơ hoàn toàn không căn cứ vào giấy chứng nhận QSDĐ của các bên được cấp mà chỉ căn cứ theo kết quả thẩm định tại chỗ ngày 25-2-2011, của Tòa án Nhân dân huyện.

Hủy bản án cấp sơ thẩm

Không đồng ý với quyết định của Tòa án Nhân dân huyện Đức Cơ, ông Thái Công Vanh đã kháng cáo. Ngày 24-2-2012, Tòa án Nhân dân tỉnh xét xử công khai vụ án. Sau khi nghiên cứu hồ sơ và lời khai của các bên, Tòa phúc thẩm xét thấy: Theo ông Vanh trình bày, ông không tham gia việc hòa giải tranh chấp đất đai do UBND xã Ia Nan tiến hành, vì ông không được triệu tập.

Trong biên bản hòa giải cũng không có chữ ký của một bên tranh chấp là ông Vanh. Lẽ ra, Tòa án cấp sơ thẩm phải làm sáng tỏ vấn đề này, để từ đó thụ lý vụ án hay trả lại đơn khởi kiện. Mặc dù hồ sơ vụ án không có các tài liệu chứng cứ thể hiện vấn đề nói trên, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm vẫn thụ lý vụ án, vi phạm nghiêm trọng quy định tại khoản 1, điều 171 Bộ luật Tố tụng Dân sự. Bên cạnh đó, Tòa án cấp sơ thẩm còn vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong việc xác định đương sự của vụ án…

Trong vụ này, Tòa án cấp sơ thẩm phải thu thập các chứng cứ liên quan đến trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho các đương sự, của UBND cấp có thẩm quyền để làm căn cứ cho việc giải quyết. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm có Công văn số 39/CV-TA, ngày 26-7-2011, đề nghị UBND huyện Đức Cơ “Cho biết ý kiến về tính hợp pháp của các giấy chứng nhận QSDĐ các thửa 64 và 117…”.

Mặc dù UBND huyện chưa có Công văn trả lời, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm vẫn đưa ra xét xử là thu thập chứng cứ không đầy đủ, vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 85 Bộ luật Tố tụng Dân sự vì “Công văn số 184/UBND-KT, ngày 18-3-2010, của UBND huyện Đức Cơ và Công văn số 09/CV-TNMT, ngày 13-1-2010, của Phòng Tài nguyên và Môi trường không phải là chứng cứ của vụ án này, mà là chứng cứ của vụ án khác, được Tòa án cấp sơ thẩm đưa vào hồ sơ vụ án… Nên nhận định “quy trình đo đạc, vẽ trích lục đất, giao đất của cơ quan có thẩm quyền không đảm bảo trình tự, thủ tục luật định…

Do đó, không thể căn cứ trích lục các thửa đất thể hiện trong giấy chứng nhận QSDĐ làm căn cứ giải quyết yêu cầu khởi kiện của đương sự mà phải căn cứ vào nguồn gốc đất…” để từ đó chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, tuyên buộc ông Vanh phải thanh toán 225 triệu đồng, trả lại cho ông Đông 87,5 m2 đất phía sau căn nhà của bị đơn là đánh giá chứng cứ không khách quan, tùy tiện và hoàn toàn không có căn cứ.

Tòa án cấp phúc thẩm quyết định: Chấp nhận đơn kháng cáo của ông Vanh, hủy bản án cấp sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án Nhân dân huyện Đức Cơ giải quyết lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật…

Lê Anh
 

Có thể bạn quan tâm