28 năm miệt mài nghiên cứu, Đinh Thị Bích Lân - nhà khoa học vừa được trao giải thưởng Kovalevskaia 2017 - có nhiều sáng chế ứng dụng thành công trong chăn nuôi, giúp ích rất nhiều cho nông dân miền Trung.
Những ngày qua, PGS-TS Đinh Thị Bích Lân, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Công nghệ sinh học thuộc ĐH Huế, nhận được nhiều lời chúc mừng của bạn bè, người thân và đồng nghiệp khi biết tin bà là 1 trong 2 phụ nữ đoạt giải thưởng Kovalevskaia 2017. Giải thưởng sẽ được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức trao vào hôm nay (6-3).
Sáng chế vì nhà nông
Viện Công nghệ sinh học ĐH Huế đóng tại xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Chúng tôi gặp PGS-TS Đinh Thị Bích Lân khi bà đang bận rộn hướng dẫn cho các nghiên cứu sinh về những đề tài mới. "Đó là niềm vinh dự và sự động viên vô cùng lớn lao đối với tôi. Các đề tài của tôi được xã hội đánh giá và ghi nhận" - bà chia sẻ khi biết mình nhận được giải thưởng Kovalevskaia.
PGS-TS Đinh Thị Bích Lân sinh năm 1960. Trong suốt 28 năm miệt mài, bà làm chủ nhiệm và tham gia 22 công trình khoa học. Trong đó có nhiều đề tài cấp nhà nước, cấp bộ, đạt nhiều giải thưởng khoa học công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế.
PGS-TS Đinh Thị Bích Lân hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học |
Nhắc đến PGS-TS Bích Lân, nhiều người thường nhớ các công trình nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao của bà. Điển hình như đề tài nghiên cứu các loại kháng nguyên tái tổ hợp để chế tạo KIT chẩn đoán nhanh các bệnh truyền nhiễm do Toxoplasma gondii, bệnh do Cryptosporidium parvum, bệnh do cầu trùng Eimeria gây ra. Đề tài được giới khoa học đánh giá rất cao bởi hiệu quả với các loại KIT này cho phép chẩn đoán nhanh, chính xác, hiệu quả cao nhưng có giá thành thấp. Với thành công này, có thể chẩn đoán bệnh ngay ở bất kỳ điều kiện nào, không cần trình độ kỹ thuật viên cao, từ đó giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, đặc biệt là đóng góp vào việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Riêng chế phẩm sinh học chứa kháng thể lòng đỏ trứng gà, có thể dùng thay thế kháng sinh trong phòng và điều trị bệnh truyền nhiễm. Chế phẩm này có ưu điểm nổi trội là an toàn, hiệu quả cao, chỉ tác động lên mầm bệnh, không ảnh hưởng đến vi sinh vật có lợi, không gây ra hiện tượng tồn dư kháng sinh trong thực phẩm, không gây kháng thuốc, dễ sử dụng. "Qua điều trị thử nghiệm cho thấy hiệu quả điều trị cao, giảm tỉ lệ chết, thời gian điều trị nhanh, giảm thiệt hại kinh tế" - PGS-TS Lân khẳng định.
Bên cạnh đó là nhiều đề tài như các tổ hợp lợn lai có tỉ lệ nạc cao, hiện được ứng dụng trong chăn nuôi lợn ở nhiều địa phương ở miền Trung, giúp nông dân có thu nhập cao. Hay đề tài vắc-xin tái tổ hợp phòng bệnh do E.coli gây ra ở lợn. Đây là sản phẩm từ công nghệ gien và protein tái tổ hợp, có tính an toàn cao, khả năng bảo hộ an toàn trên 85%...
Hiện nay, các kết quả nghiên cứu của PGS-TS Đinh Thị Bích Lân đã và đang được chuyển giao cho các địa phương, doanh nghiệp sản xuất chế phẩm sinh học thông qua các dự án sản xuất thử nghiệm, chuyển giao công nghệ. Nhiều doanh nghiệp còn làm thủ tục xin cấp giấy phép lưu hành để sản xuất, cung cấp sản phẩm ra thị trường phục vụ sản xuất.
Kiên trì nghiên cứu khoa học
PGS-TS Đinh Thị Bích Lân sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 1980, bà là một trong những thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi đại học nên được đi du học chuyên ngành thú y ở Viện Thú y Moscow (Nga). Bà chia sẻ ước mơ thời học sinh của mình là được khoác trên mình chiếc áo blouse để cứu chữa cho người. Tuy nhiên, khi sang Nga, bà lại được "biên chế" sang ngành thú y. "Lúc đó, tôi buồn và khóc nhiều bởi ước mơ của mình không thành hiện thực. Nhưng nỗi niềm đó đã được xóa hết ngay buổi đầu khai giảng" - bà bộc bạch.
Tại lễ khai giảng hôm đó, giữa hơn 300 tân sinh viên, các thầy của Viện Thú y Moscow đã nói rằng nghề thú y không những là bác sĩ chỉ cứu chữa cho động vật, cây cối khỏi bệnh mà đây là một nghề cao quý, là những người tạo ra sản phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Bà nói: "Thầy truyền đạt như thế khiến tôi vơi hết nỗi buồn và cảm thấy thích thú với ngành của mình".
Sang Nga du học vào lúc đất nước còn lắm khó khăn, bà luôn ao ước làm được một điều gì đấy để trở về giúp quê hương mình. Từ lúc đó, Đinh Thị Bích Lân đã nhận ra vai trò nghiên cứu khoa học, là động lực then chốt cho phát triển. Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới không thể phát triển nếu không có ứng dụng thành tựu khoa học.
Sau khi tốt nghiệp Học viện Thú y Moscow về nước và được nhận vào giảng dạy tại Trường ĐH Nông Lâm thuộc ĐH Huế, bà vẫn nung nấu ý nguyện cống hiến cho nghiên cứu khoa học. Năm 1994, bà lại được đi nghiên cứu sinh tại Nhật và đến năm 2007 thì được phong học hàm phó giáo sư.
PGS-TS Đinh Thị Bích Lân kể rằng sau khi du học từ Nhật về, việc nghiên cứu khoa học gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất như phòng thí nghiệm, trại thực nghiệm. Để tìm nguồn kinh phí tài trợ, bà phải chăm chỉ viết dự án, thuyết minh. Từ năm 2006 trở lại đây, các đề tài nghiên cứu của bà mới có nguồn kinh phí do nhà nước cấp. Tuy nhiên, kinh phí được cấp cũng có hạn nên bà phải tự xoay xở để hoàn thiện một đề tài ấp ủ.
"Tôi may mắn có chồng công tác cùng cơ quan nên hiểu và chia sẻ cho nhau những lúc khó khăn. Chúng tôi nhiều lần tự đi tìm kinh phí để thực hiện chung một đề tài nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, con tôi hiện cũng là nghiên cứu sinh tại Nhật, rất đam mê khoa học nên tạo động lực cho tôi rất nhiều. Với tôi, đam mê nghiên cứu không bao giờ có điểm dừng" - PGS-TS Đinh Thị Bích Lân chia sẻ.
"Hoa việc thiện" giữa đời thường Ngoài nghiên cứu khoa học, PGS-TS Đinh Thị Bích Lân đã và đang hướng dẫn chính cho 2 nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sĩ; hướng dẫn 21 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ; giúp nhiều nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học, hàng trăm sinh viên của 22 khóa học hoàn thành khóa luận tốt nghiệp. Bông hồng Kovalevskaia còn là một "hoa việc thiện" giữa đời thường. Bà tham gia vận động quyên góp kinh phí để xây dựng được 28 phòng học cho học sinh tiểu học thuộc các xã khó khăn thường xuyên chịu thiệt hại của bão lũ ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. |
Quang Nhật (NLĐO)