(GLO)- Trong các cuộc chiến tranh vệ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, hàng triệu người con đất Việt đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc, hòa bình thế giới. Chiến tranh đã lùi xa, mặc dù Đảng và Nhà nước đã rất nỗ lực trong việc tìm kiếm, quy tập nhưng vẫn còn hàng chục ngàn hài cốt liệt sĩ đang nằm rải rác đâu đó ở những cánh rừng, dòng sông, con suối. Là chiến trường ác liệt nên trên mảnh đất Gia Lai hiện vẫn còn hàng ngàn hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập và nhiều mộ chí liệt sĩ chưa xác định được danh tính.
Sơ kết công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Ảnh: Anh Huy |
Thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 15-5-2013 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh xác định: Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là nhiệm vụ quan trọng, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế; thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc ta. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hỗ trợ của các tầng lớp nhân dân, những năm qua, tỉnh ta đã triển khai có hiệu quả các đợt tìm kiếm và quy tập hàng trăm hài cốt liệt sĩ tại địa bàn trong nước và 3 tỉnh Đông Bắc Campuchia. Chỉ trong 3 năm (2016-2018), các lực lượng tìm kiếm của tỉnh đã phát hiện, quy tập 99 hài cốt liệt sĩ, trong đó có 80 hài cốt liệt sĩ Quân Tình nguyện Việt Nam hy sinh tại 3 tỉnh Đông Bắc Campuchia và 19 hài cốt liệt sĩ hy sinh trên địa bàn tỉnh.
Bằng tình cảm và trách nhiệm với đồng đội, những năm qua, Hội Cựu chiến binh các cấp trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên trách tổ chức tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính nhiều hài cốt, mộ chí liệt sĩ. Nhiều cựu chiến binh đã không quản khó khăn, gian khổ, cùng lực lượng chức năng băng rừng, lội suối “đi tìm đồng đội”. Điển hình trong số đó là cựu chiến binh Phan Ngọc Huân (xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa). Mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng ông đã có hàng chục năm lội suối, băng rừng cùng các đội quy tập hài cốt liệt sĩ cũng như cung cấp thông tin, vẽ sơ đồ mộ chí giúp cho cơ quan chức năng tìm kiếm, quy tập hàng trăm hài cốt liệt sĩ.
Tại hội nghị sơ kết thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ giai đoạn 2016-2018 và Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin giai đoạn 2017-2018 được tổ chức mới đây, cựu chiến binh Phan Ngọc Huân một lần nữa được nhắc đến với tất cả sự trân quý. Tuy nhiên, theo thông tin từ các đại biểu, sức khỏe của cựu chiến binh đáng kính này không còn như trước. Điều đó cũng có nghĩa là ông không còn giúp gì nhiều cho các đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Cũng như ông Huân, thế hệ tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước hiện đã lớn tuổi, không ít người đã qua đời. Vì vậy, số lượng nhân chứng lịch sử phục vụ cho công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ngày càng ít đi. Trong khi đó, theo thời gian, dấu vết để xác định vị trí hy sinh của liệt sĩ ngày càng bị xóa nhòa. Tất cả những yếu tố đó đặt ra khó khăn, thách thức rất lớn đối với công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt và xác định danh tính liệt sĩ trong thời gian tới.
Có lẽ xuất phát từ thực tế đó nên phát biểu kết luận tại hội nghị nêu trên, đồng chí Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 515 tỉnh-nhấn mạnh: Tìm kiếm, quy tập hài cốt và xác định danh tính liệt sĩ là tình cảm, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh hoạt động của lực lượng chuyên trách thì cần vận động các tầng lớp nhân dân cùng tham gia thực hiện nghĩa cử tốt đẹp này. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng với việc tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án đã xác định trong Quyết định số 515/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương cần phát động phong trào toàn dân tích cực tham gia tìm kiếm, cung cấp thông tin về hài cốt liệt sĩ.
Duy Lê