Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Toàn quốc có 3.810 người chết do tai nạn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 22-7, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2019. Các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc-Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Trương Hòa Bình-Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố ở các điểm cầu. Dự hội nghị tại điểm cầu Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng Thanh tra Giao thông đã thực hiện 39.000 cuộc thanh tra, phát hiện 31.000 vụ vi phạm, xử phạt với số tiền hơn 475, 6 tỷ đồng, tạm giữ 116 xe ô tô, đình chỉ 175 bến xe và 215 phương tiện thủy nội địa... Cũng 6 tháng đầu năm 2019, toàn quốc xảy ra 8.385 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 3.810 người, bị thương 6.358 người, trong đó có 19 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. So với cùng kỳ năm 2018, TNGT giảm 641 vụ, giảm 311 người chết, giảm 679 người bị thương.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, tai nạn giao thông toàn quốc giảm ở 3 tiêu chí. Ảnh: Nguyễn Tú
Tại Gia Lai, 6 tháng đầu năm 2019 xảy ra 189 vụ TNGT, làm chết 126 người, bị thương 178 người. So với cùng kỳ năm 2018, TNGT giảm 34 vụ, giảm 19 người chết, giảm 49 người bị thương. Ban ATGT tỉnh đã triển khai nhiều văn bản, kế hoạch đảm bảo ATGT trên địa bàn; phối hợp xử lý các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng; khánh thành mô hình trường học an toàn và phát động chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng giảm tốc độ tại 2 trường học trên địa bàn TP. Pleiku...
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Ủy ban ATGT Quốc gia, các bộ, ngành và địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ giúp kéo giảm TNGT ở 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động nhằm kiềm chế hiệu quả TNGT, đảm bảo ATGT đường bộ, đường thủy, đường sắt và an ninh hàng không. Các cơ quan báo chí cần tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc tự chấp hành pháp luật về ATGT; siết chặt việc học, thi sát hạch lái xe. Các bộ, ngành cần khẩn trương đề xuất việc sửa đổi một số luật và nghị định như: Luật Giao thông Đường bộ, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 46/2016/NĐ-CP; tăng cường tuyên truyền Luật Phòng-chống tác hại của rượu, bia; đưa việc giáo dục, tuyên truyền ATGT vào các đợt sinh hoạt chi bộ và các thôn, làng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để điều hành xử lý vi phạm giao thông, giám sát lực lượng Cảnh sát Giao thông khi thực thi pháp luật; quyết liệt triển khai việc thu phí không dừng tại các trạm BOT... 
NGUYỄN TÚ

Có thể bạn quan tâm