(GLO)- Sáng 25-7, tại Văn phòng Chính phủ đã diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của Ban Chỉ đạo 138/CP về phòng-chống tội phạm và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng chí Trương Hòa Bình-Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị tại đầu cầu tỉnh Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng, lãnh đạo Công an tỉnh, Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường, các thành viên Ban Chỉ đạo 138 và 389 tỉnh.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 138/CP, trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn quốc xảy ra 25.617 vụ phạm pháp hình sự (giảm 0,99% so với cùng kỳ năm 2018); 89 vụ mua bán người bị phát hiện liên quan đến 142 đối tượng, lừa bán 169 nạn nhân (giảm hơn 10% số vụ). Các ngành chức năng đã điều tra, khám phá hơn 21 ngàn vụ phạm pháp hình sự, bắt 45.570 đối tượng (đạt tỷ lệ 82,25%); triệt phát 1.392 băng nhóm tội phạm các loại; phát hiện, đấu tranh 9.948 vụ phạm tội về kinh tế, 168 vụ tham nhũng, 1.139 vụ buôn lậu và gần 14 ngàn vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về môi trường (khởi tố 179 vụ với 324 bị can).
Ngoài ra, có gần 13.200 vụ với hơn 20 ngàn đối tượng phạm tội về ma túy bị phát hiện, bắt giữ; thu giữ 750 kg heroin, gần 5 ngàn kg và hơn 511,3 ngàn viên ma túy tổng hợp, 517 kg cần sa. Lực lượng công an, biên phòng đã điều tra, khám phá 67 vụ, bắt 112 đối tượng mua bán người; tổ chức giải cứu, tiếp nhận 137 nạn nhân bị mua bán trở về…
Quang cảnh hội nghị tại đầu cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Thi |
Cũng trong 6 tháng đầu năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp; đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, có tổ chức và manh động. Hoạt động buôn bán hàng hóa qua mạng internet diễn ra rất phổ biến nhưng chưa được kiểm soát hiệu quả. Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo và triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên toàn quốc. Qua đó, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 85.892 vụ việc vi phạm (giảm 16% so với cùng kỳ năm 2018); thu nộp ngân sách nhà nước hơn 6.165,8 tỷ đồng, khởi tố 1.311 vụ (tăng trên 47%) với 1.546 đối tượng (tăng hơn 56%).
Bên cạnh tập trung chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh, gây bức xúc trong nhân dân, các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương còn ban hành nhiều chủ trương, văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác phòng-chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thường xuyên truyền thông, giáo dục phòng ngừa tội phạm; tập trung tham mưu, xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan…
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các chỉ đạo của Trung ương liên quan đến công tác phòng-chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đồng thời phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên và đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Làm tốt công tác nắm và dự báo tình hình, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; rà soát để chấn chỉnh sơ hở, thiếu sót trong quá trình đấu tranh phòng-chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đẩy mạnh công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ; tăng cường tin báo, tố giác tội phạm; nâng cao chất lượng điều tra, khám phá các vụ án, triệt phá tận gốc và xử lý nghiêm đối tượng cầm đầu. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi để toàn dân cùng tham gia đấu tranh phòng-chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại. Nắm bắt, giải quyết dứt điểm khiếu kiện, khiếu nại của người dân ngày từ cơ sở, không để phát sinh tội phạm. Tăng cường hơn nữa việc hợp tác quốc tế trong công tác phòng-chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…
Hồng Thi