(GLO)- Tuy là tỉnh miền núi nhưng thủy sản nước ngọt ở Gia Lai lại rất phong phú, trữ lượng lớn. Vì có nhiều sông ngòi, ao hồ diện tích mặt nước lớn nên con cá, con cua, con ốc không chỉ đủ dùng mà còn xuất đi ngoại tỉnh. Ngư nghiệp là một nghề chân chính nuôi sống nhiều người.
Như tép Biển Hồ chẳng hạn. Phía hồ B, dọc chân hồ, chỗ nước nông, ngư dân chuyên và không chuyên thường giăng lưới bát quái, đó tép, gọng vó cỡ nhỏ mắt lưới dày đánh bắt tép. Ngày vài lượt, lúc chiều muộn, đầu đêm, sớm tinh mơ ngư dân lần giở ngư cụ thu hoạch sản phẩm và thay mồi. Hàng đêm, nơi lòng hồ, những chiếc ghe máy, xuồng chèo tay của ngư dân các tỉnh xa đến dùng lưới cào đánh bắt, hoạt động nhộn nhịp, đèn điện sáng trưng nhìn từ xa cứ như biển cả về đêm. Mang thương hiệu tép Biển Hồ, nhưng kỳ thực con tép còn được khai thác từ đầu nguồn sông Sê San và nhiều hồ lớn bé khác trong tỉnh. Cả ở ruộng nước, những ngày sương giáng tép nổi rất nhiều, nông dân làm đồng tranh thủ vớt được cả rổ nên con tép có mặt quanh năm từ chợ đến nhà hàng, giá cả không thay đổi là mấy.
Đánh bắt cá trên hồ Ayun Hạ (huyện Phú Thiện). Ảnh: N.Đ |
Một ví dụ khác là cá cơm Sê San (còn có tên gọi cá trắng). Vào mùa khô, mỗi ngày trên dòng sông này ngư dân đánh bắt được cả tạ cá. Ngoài lượng cá tiêu thụ tươi sống ở chợ, phần lớn cá được phơi trên những tấm ni lông căng cách mặt đất, vừa nhanh khô giòn lại bảo đảm vệ sinh. Sản phẩm cá cơm khô Sê San nổi tiếng chất lượng, giá thành lại phải chăng. Món gỏi cá cơm khô Sê San có xoài xanh băm ria sợi, đậu phụng rang, rau thơm các loại đã lên mâm nhiều nhà hàng quán nhậu! Cá cơm khô rang đảo qua lửa, thêm chút gia vị nhâm nhi rất ngon, người lớn trẻ con đều thích.
Sông Sê San còn nổi tiếng với loài cá lăng, cá chình bông thịt dai, thơm lại không béo, nặng trung bình dăm ba ký/con, đến các nhà hàng quán nhậu còn tươi sống quẫy đành đạch. Thịt các loài cá này được chế biến thành nhiều món theo yêu cầu thực khách cùng tài chế biến của các tay đầu bếp, món nào cũng ngon.
Riêng sông Ba sở hữu loài cá cực ngon: cá đá. Ngày trước sông chưa bị chặn dòng làm thủy điện, mực nước lên xuống tự nhiên, lại ít bị ô nhiễm nên cá đá sông Ba nhiều lắm. Với kích cỡ con trưởng thành chỉ bằng ngón tay giữa người lớn, chuyên ăn rêu tảo các mỏm đá nơi dòng nước chảy nhẹ vừa, chất lượng thịt cá đá có thể sánh với cá anh vũ. Cá đá chế biến thức món gì cũng ngon, nếu kho tộ ăn vào mùa mưa dầm thì đưa cơm thôi rồi!
Những loài cá thông thường như trê, lóc, chép, diếc, trắm giòn, thác lác… rất sẵn. Mang đến chợ gần chợ xa còn tươi roi rói. Nguồn cá thác lác thu hoạch quanh năm từ các con sông, các hồ lớn được chế biến ra món chả cá thác lác có giá bán cao nhất trong tất cả các loại chả. Không hiếm mà lại đắt, thế mới biết loại chả này chất lượng đến mức nào!
Đồng đất trong tỉnh còn nhiều ruộng nước nên con lươn, cua đồng, ốc, ếch... lúc nào cũng có. Các chợ đều bày bán. Mùa mưa càng nhiều, nhất là cua đồng. Người nội trợ, hàng quán thả sức chế biến thức món ngon bổ rẻ từ loài thủy sản bình dị này. Nồi lẩu thập cẩm nước riêu cua đồng tươi có lẽ chỉ có ở Gia Lai, cái tài của người đầu bếp là ở chỗ đó.
Những hồ nhân tạo diện tích lớn như hồ Ayun Hạ (huyện Phú Thiện), Ia Mlah (huyện Krông Pa), Ia Mơr (huyện Chư Prông)… lúc mới xây đắp cá nước ngọt tự nhiên nhiều vô kể, chúng lớn rất nhanh, có con đạt trọng lượng đến mức “kỳ vĩ” là nhờ vào nguồn thức ăn phù du, mùn đạm từ tự nhiên phong phú. Thời gian sau đó, những hợp tác xã đấu thầu thả cá quy mô sản xuất lớn, cắt cử người trông coi suốt ngày đêm, khai thác cá có kế hoạch. Ở những hồ diện tích mặt nước nhỏ hơn, gần khu dân cư, hàng năm nhà nước đầu tư thả hàng ngàn ký cá giống các loại tạo nguồn thực phẩm cho người dân quanh vùng.
Vẫn mong mặt nước không bị ô nhiễm, đánh bắt thủy sản có kế hoạch, không theo kiểu tận diệt để chúng nuôi người.
NGUYỄN ĐÌNH