Phán quyết này của tòa một lần nữa khẳng định tác giả, chủ sở hữu bài thơ Gánh mẹ, đồng thời là tác giả lời bài hát Gánh mẹ mà nhạc sĩ Quách Beem đã đăng ký quyền tác giả trước đây, là ông Trương Minh Nhật. Hành trình đưa bài thơ về với chính chủ là một chặng đường dài và nhiều gian truân, song đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh trước thói quen “cầm nhầm”, “vay mượn” trong sáng tạo nghệ thuật, làm xói mòn đạo đức của nghệ sĩ.
Câu chuyện xâm phạm bản quyền không còn là vấn đề riêng của tác giả, mà đã trở thành vấn nạn trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực cho sự phát triển của xã hội, làm triệt tiêu sự sáng tạo của các tác giả, nhà sản xuất. Đặc biệt, trong bối cảnh mới, kỷ nguyên số và internet tạo ra nhiều cơ hội tiếp cận đến tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng vào bất kỳ thời gian, địa điểm nào… song cũng chính môi trường số đang đặt ra nhiều thách thức trong bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. Trong hội thảo về nhận diện hành vi in lậu, xuất bản lậu vừa được Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT-TT) tổ chức, có đơn vị đã vô cùng bức xúc, chia sẻ rằng có những cuốn sách được đầu tư nhiều công sức, vừa phát hành buổi sáng thì đến chiều đã thấy bản lậu được chào bán trên mạng. Thậm chí có nhà sách đau đớn cho biết, tất cả đầu sách bán chạy của họ đều bị làm lậu… Hay như thống kê của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, từ năm 2010 đến 2023, đã phát hiện trên 3,3 triệu bản sách, hơn 100.000 đĩa CD và gần 41 tấn bán thành phẩm sách giáo dục bị in lậu, tàng trữ để tiêu thụ lậu tại nhiều tỉnh thành... Những người làm xuất bản từng có thời hy vọng tem chống giả là biện pháp hữu hiệu thì nay cũng đành bất lực bởi ngay cả tem chống giả cũng bị làm giả.
Tương tự, những người làm điện ảnh Việt cũng đang bị đe dọa bởi vấn nạn review, quay lén, phát tán trên mạng xã hội. Những ngày đầu năm 2023, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đã phải vò đầu bứt tai bởi phim vừa mới công chiếu ngoài rạp được vài ngày đã xuất hiện clip quay lén trên mạng xã hội. Gần đây nhất, phim Con Nhót mót chồng của Thu Trang và Lật mặt 6 của Lý Hải cũng bị quay lén khi vừa mới ra rạp. Không chỉ điện ảnh mà phim truyền hình cũng là một trong những “nạn nhân” của vấn nạn vi phạm bản quyền. Những phim “ăn khách” như Sinh tử, Hương vị tình thân và gần đây là Cuộc đời vẫn đẹp sao… ngay khi phát sóng đã xuất hiện cả ngàn video đăng tải, khai thác trái phép trên các nền tảng xã hội. Trong bối cảnh công nghệ số phát triển thì vấn nạn vi phạm bản quyền ở nhiều lĩnh vực văn học, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh… cũng xuất hiện thêm nhiều biến tướng, làm đau đầu các tác giả, nhà sản xuất… và gây khó khăn không ít cho cơ quan quản lý. Lãnh đạo Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT-DL) cũng đánh giá thủ đoạn của các đối tượng xấu ngày càng tinh vi khi sẵn sàng đổi tên miền, thậm chí tự “đánh sập” trang web của mình khi bị phát hiện để xóa dấu vết, khiến công tác truy tìm gặp nhiều khó khăn.
Nếu không bảo vệ bản quyền thì chúng ta sẽ không khuyến khích được sáng tạo, không tạo được một môi trường trong lành, minh bạch và khó tiếp nhận được các tinh hoa văn hóa trên thế giới vào Việt Nam. Để giải bài toán đau đầu này, để vấn nạn vi phạm bản quyền không là rào cản của phát triển, đã có nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm… được tổ chức. Nhiều giải pháp cũng được đưa ra như cần giáo dục về bản quyền, quyền liên quan tới sở hữu trí tuệ vào trường học để ngấm sâu vào nhận thức từ nhỏ; nâng cao ý thức trách nhiệm và lòng tự trọng của người làm nghề; có những chế tài xử phạt nghiêm khắc để đảm bảo tính răn đe…
Vẫn biết đây là vấn đề khó, không chỉ ở Việt Nam mà còn là vấn nạn chung của nhiều nước, song không phải vì khó mà “buông”, hay chờ đợi vào ý thức của người dân được nâng lên. Hơn lúc nào hết, để giảm thiểu những hệ lụy khó lường của nạn xâm hại bản quyền cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của các đơn vị quản lý, sự chung tay của toàn xã hội. Có như vậy mới có thể thúc đẩy được sức sáng tạo, tạo sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư vào văn hóa, để văn hóa thực