Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Tôn vinh 54 tác phẩm xuất sắc nhất Giải Báo chí phòng chống tham nhũng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí Toàn quốc Phòng, Chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư đã tiến hành xét chọn kỹ lưỡng, thống nhất tuyển chọn được 54 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải vào tối 5/11.
Lễ trao Giải Báo chí Toàn quốc Phòng, Chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba, năm 2020-2021. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Lễ trao Giải Báo chí Toàn quốc Phòng, Chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba, năm 2020-2021. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Tối 5/11, Lễ trao Giải Báo chí Toàn quốc Phòng, Chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức sẽ chính thức diễn ra tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội).

Trước thềm Lễ trao giải, ông Vũ Văn Tiến, Trưởng Ban Tuyên giáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tổ chức Giải Báo chí Toàn quốc Phòng, Chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư đã trao đổi với báo chí về những điểm mới và chất lượng của mùa giải năm nay.

- Qua 4 lần tổ chức, Giải Báo chí Toàn quốc Phòng, Chống tham nhũng, tiêu cực đã khẳng định được vị thế đặc biệt trong hệ thống các giải báo chí của cả nước. Ông có thể chia sẻ về những dấu ấn quan trọng mà Giải đã đạt được?

Ông Vũ Văn Tiến: Qua các lần tổ chức, Giải Báo chí Toàn quốc Phòng, Chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng thu hút được sự quan tâm của xã hội và sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí, các nhà báo.

Dấu ấn đậm nét nhất là số lượng các tác phẩm báo chí gửi tham dự ngày càng tăng dần theo theo các mùa Giải.

Nếu như trong Giải lần thứ nhất có 1.005 tác phẩm gửi tham dự của gần 100 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, đến Giải lần thứ tư, Ban Tổ chức đã nhận 1.078 tác phẩm hợp lệ đối với 4 thể loại: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình của 121 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương.

Điều quan trọng hơn là chất lượng Giải ngày càng được nâng lên. Mùa Giải đầu tiên có 31 tác phẩm báo chí được trao thưởng với 2 giải A, 7 giải B, 10 giải C, 12 giải Khuyến khích.

Ở Giải lần thứ hai, Ban Tổ chức đã trao 4 giải A, 9 giải B, 10 giải C và 12 giải Khuyến khích cho các tác giả, nhóm tác giả của 35 tác phẩm báo chí xuất sắc.

Mùa Giải lần thứ ba đã có Giải đặc biệt do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trao tặng cùng 45 tác phẩm xuất sắc được lựa chọn để trao 4 giải A; 10 giải B; 12 giải C và 18 giải Khuyến khích.

Trưởng Ban Tuyên giáo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Vũ Văn Tiến. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Trưởng Ban Tuyên giáo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Vũ Văn Tiến. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Trong lần thứ tư tổ chức, 1.078 tác phẩm hợp lệ đối với 4 thể loại: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình của 121 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương gửi về dự Giải.

Với tinh thần dân chủ, khách quan, công tâm, trách nhiệm cao, các thành viên Hội đồng Chung khảo đã tiến hành xét chọn kỹ lưỡng, thống nhất tuyển chọn được 54 tác phẩm xuất sắc để trao 4 Giải A; 10 giải B; 12 giải C; 28 giải Khuyến khích.

- Trực tiếp tham gia vào công tác tổ chức và chấm giải, ông đánh giá như thế nào về chất lượng các tác phẩm tham dự Giải năm nay?

Ông Vũ Văn Tiến: Nhìn chung các tác phẩm tham dự Giải năm nay đã bám sát với chủ đề và tiêu chí thể lệ Giải. Nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, tính phát hiện cao, thể hiện sự dấn thân, đeo bám tới cùng vụ việc tham nhũng, tiêu cực của các nhà báo, tạo hiệu ứng tác động xã hội rất lớn, đem lại hiệu quả tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua những đề tài khá phong phú, sinh động theo phong cách làm báo hiện đại, phản ánh toàn diện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ Trung ương đến các địa phương.

Về hình thức, các tác phẩm tham dự giải năm nay được các tác giả, nhóm tác giả đầu tư công phu, đề tài khá phong phú, sinh động theo phong cách làm báo hiện đại, phản ánh toàn diện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí từ Trung ương đến các địa phương.

Điểm mới của Giải lần này là đã có thêm nhiều hơn các tác phẩm viết về đề tài phòng, chống tiêu cực được Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải đánh giá cao; đồng thời cũng có nhiều hơn các tác phẩm về đề tài biểu dương, cổ vũ các gương dũng cảm trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, có tác động tích cực trong xã hội.

Ban Tổ chức trân trọng những bài báo điều tra công phu, tâm huyết đó, nhiều tuyến bài được thực hiện trong nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí cả năm trời để đi đến tận cùng của sự thật. Để từ đó, có hàng nghìn tác phẩm báo chí chống tham nhũng, tiêu cực với nhiều cách tiếp cận và phản ánh đa dạng, chính xác, góp phần phát hiện, đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, tạo hiệu ứng dư luận xã hội tích cực, lan tỏa tới các tầng lớp nhân dân.

- Để thực hiện các đề tài điều tra trong phòng, chống tham nhũng tiêu cực, các phóng viên đã phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu. Theo ông, trong thời gian tới cần có những giải pháp gì để tiếp tục phát huy vai trò của báo chí trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực?

Ông Vũ Văn Tiến: Trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng. Không chỉ góp phần phát hiện, đấu tranh với những vụ việc, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực mà báo chí còn tuyên truyền cổ vũ, động viên sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh của toàn dân tham gia đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Để giữ vững vị trí, vai trò là lực lượng xung kích, tiên phong, báo chí và đội ngũ những người làm báo cũng cần tự đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, hình thức, phương thức truyền tải thông tin về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa đa dạng, vừa hấp dẫn; thực sự trở thành diễn đàn của đông đảo quần chúng nhân dân, là nơi trao đổi ý kiến, luận bàn các vấn đề quan trọng của cuộc sống, để vừa giám sát, vừa phản biện hoạt động của các cơ quan công quyền và của toàn xã hội theo hướng xây dựng, tích cực, thiết thực và hiệu quả.

Mặt khác, tham nhũng, tiêu cực là biểu hiện của cái sai, cái xấu trong xã hội, do vậy, mỗi người làm báo cần chủ động, tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, coi đây là nhiệm vụ, trách nhiệm chính trị, bổn phận, sứ mệnh của người chiến sỹ cầm bút chân chính.

Người làm báo phải trau dồi bản lĩnh vững vàng, hiểu biết nghiệp vụ, tác nghiệp thận trọng, tuân thủ pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, thông tin khách quan, trung thực, góp phần bảo vệ lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đại diện nhóm tác giả nhận giải C Giải Báo chí Toàn quốc Phòng, Chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba. Ảnh: PV/Vietnam+

Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đại diện nhóm tác giả nhận giải C Giải Báo chí Toàn quốc Phòng, Chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba. Ảnh: PV/Vietnam+

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội; các cơ quan thông tấn, báo chí trong thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội; chú trọng sự phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan báo chí, truyền thông trên các phương diện để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thực sự trở thành phong trào, công việc chung của toàn xã hội.

Tiếp tục đổi mới công tác tổ chức, nâng cao hơn nữa chất lượng của Giải Báo chí Toàn quốc Phòng, Chống tham nhũng, tiêu cực nhằm khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi, “sân chơi” để các nhà báo có điều kiện tham gia Giải tích cực, sáng tạo hơn, góp phần cổ vũ, khích lệ, động viên, tôn vinh các nhà báo, các tác phẩm báo chí chất lượng cao, lan tỏa hiệu ứng xã hội tích cực, củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

- Vào lúc 20 giờ ngày 5/11, Lễ trao Giải Báo chí Toàn quốc Phòng, Chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023 sẽ diễn ra. Đến thời điểm hiện tại, công tác tổ chức cho sự kiện này đã được triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Vũ Văn Tiến: Mùa Giải năm nay được tổ chức đúng thời điểm nhìn lại hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện, triển khai các nhiệm vụ, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Giải lần thứ tư được tổ chức cũng là thời điểm Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, đặc biệt năm 2022 đã thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, Chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố.

Điều đó thể hiện quyết tâm của Đảng trong phòng, chống tham nhũng tận gốc, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng và toàn dân.

Vì thế, chúng tôi xác định nội dung Lễ trao Giải cần phải làm nổi bật những dấu ấn đó và truyền cảm hứng để lan tỏa tinh thần dấn thân, bền bỉ, quyết liệt, đồng lòng, vượt qua mọi thử thách, cám dỗ của mỗi nhà báo, để tận hiến với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lấy dân làm gốc, dựa vào dân và vì nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước để tiếp tục thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, vì mục tiêu đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.

Đến thời điểm hiện tại, công tác tổ chức cho Lễ trao Giải Báo chí Toàn quốc Phòng, Chống tham nhũng, tiêu cực, lần thứ tư, năm 2022-2023 đã được Ban Tổ chức Giải triển khai theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang tích cực phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam hoàn thiện các phóng sự, kịch bản chi tiết Lễ công bố và trao Giải.

Có thể tin tưởng rằng với sự đầu tư công phu, chuẩn bị chu đáo, Lễ trao Giải Báo chí Toàn quốc Phòng, Chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư năm 2022-2023 sẽ thành công tốt đẹp, qua đó tiếp tục lan tỏa mạnh quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

- Trân trọng cảm ơn ông!.

Có thể bạn quan tâm