Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Tôn vinh di sản bằng nghệ thuật của sắc màu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Lần đầu tiên tổ chức nhưng cuộc thi vẽ tranh “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa” đã cho thấy sự quan tâm rất lớn của giới hội họa dành cho các giá trị di sản. Từng đường nét, sắc màu đã tôn vinh và quảng bá di sản một cách đầy nghệ thuật.

1. Cuộc thi vẽ tranh “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa” lần thứ I do Trung ương Hội Di sản văn hóa Việt Nam phát động từ tháng 5-2023, thu hút gần 1.000 tác phẩm của khoảng 500 tác giả trong cả nước gửi tranh về tham dự. Kết quả, có 27 tác phẩm đạt giải, trong đó giải xuất sắc trị giá 100 triệu đồng.

Cuộc thi được tổ chức nhằm khuyến khích các tác giả, đặc biệt là họa sĩ trẻ sáng tác tác phẩm thể hiện giá trị của các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, danh lam thắng cảnh trên mọi vùng miền của Việt Nam với phong cách tự do.

Tại cuộc thi, Gia Lai có 1 tác giả đạt giải khuyến khích, đó là họa sĩ Phạm Thế Bộ-hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam với tác phẩm “Không gian cồng chiêng Tây Nguyên” (kích thước 140 x 120 cm, chất liệu sơn dầu, sáng tác năm 2023).

Ngoài ra, 3 tác giả khác cũng có tranh vào chung khảo được chọn triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam gồm: Lê Hùng, Nguyễn Văn Chung và Nguyễn Nguyên Bút.

Tác phẩm “Không gian cồng chiêng Tây Nguyên” của tác giả Phạm Thế Bộ.

Tác phẩm “Không gian cồng chiêng Tây Nguyên” của tác giả Phạm Thế Bộ.

Trò chuyện với P.V, họa sĩ Phạm Thế Bộ chia sẻ: Được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận của nghệ thuật, không những trong thơ ca, âm nhạc... mà còn trong hội họa.

“Là người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tây Nguyên đại ngàn hùng vĩ, những âm thanh cồng chiêng mùa lễ hội như dần thấm vào máu thịt tôi. Mỗi lần nghe nhịp chiêng rung reo thì cảm xúc trong tôi lại dâng trào, khiến tôi khao khát lưu giữ cái đẹp của không gian ấy. Tôi cũng mong muốn dùng ngôn ngữ của hội họa quảng bá di sản đến với đông đảo công chúng”-họa sĩ Phạm Thế Bộ tâm sự.

Với lối vẽ lập thể bán trừu tượng, mảng miếng đa chiều, thoát ra khỏi những chuẩn mực về không gian, tác phẩm “Không gian cồng chiêng Tây Nguyên” đã làm nổi bật nét đẹp khỏe khoắn gợi vẻ trầm hùng của cồng chiêng.

Họa sĩ Phạm Thế Bộ bày tỏ: “Hội họa có vị trí quan trọng trong đời sống của con người. Nó không chỉ mang đến sự thưởng ngoạn cái đẹp thuần túy mà còn lưu giữ, quảng bá những giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc. Qua cuộc thi vẽ tranh “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa”, tôi càng cảm thấy việc bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa là vô cùng cần thiết”.

Anh cũng cho biết thêm về dự định sắp tới của mình, đó là tiếp tục dùng hội họa để nêu bật sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng đất Tây Nguyên. “Chắc chắn những tác phẩm sau sẽ sâu sắc hơn, yếu tố hiện thực và tính nhân văn trong nghệ thuật ngày được nâng cao hơn”-anh nói.

2. Di sản văn hóa là những sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học (gồm di tích, hiện vật, các loại hình văn học-nghệ thuật, nghi lễ, lễ hội, phong tục, tập quán, tri thức...) còn tồn tại đến ngày nay và đang được thực hành, lưu giữ.

Mang ý nghĩa, giá trị to lớn đối với cộng đồng, di sản văn hóa được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, làm nên bản sắc và sự đa dạng.

Vì vậy, đây được ví như “mã gen” quyết định sự độc đáo, phân biệt dân tộc này với dân tộc khác, quốc gia này với quốc gia khác.

Tác phẩm “Tượng mồ Tây Nguyên”, tác giả Nguyễn Nguyên Bút

Tác phẩm “Tượng mồ Tây Nguyên”, tác giả Nguyễn Nguyên Bút

Trong bối cảnh đó, Tây Nguyên là vùng đất hết sức đặc biệt không chỉ bởi vị trí địa lý mà còn bởi bản sắc văn hóa đậm đặc xuất phát từ đời sống sinh hoạt và hệ thống lễ hội, nghi lễ truyền đời của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở nơi đây. Một phần trách nhiệm lưu giữ, quảng bá những nét văn hóa đặc sắc ấy thuộc về người nghệ sĩ.

Bằng sự nhạy cảm trong cảm thụ, nhanh nhạy trong nắm bắt, phóng khoáng trong nét cọ, các họa sĩ tại Gia Lai đã tỉ mỉ ghi lại toàn cảnh vùng đất, con người Tây Nguyên. Đa số đều chọn chủ đề này để theo đuổi lâu dài trong sự nghiệp của mình. Đó chính là lợi thế trong những cuộc thi khắc họa “chân dung” di sản, từ đó gieo mỹ cảm và ý thức sâu sắc về các giá trị tinh thần, vật chất mà tiền nhân trao truyền.

Được chọn trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam dịp này nhân cuộc thi kể trên, tác phẩm “Hội làng” (tổng hợp đa chất liệu, kích thước 120 x 120 cm) của họa sĩ Nguyễn Văn Chung-hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam-đã cho thấy nội lực của người cầm cọ và trách nhiệm đối với vùng đất mình đang sống.

Trên nền đỏ, đen, nâu chủ đạo, tác phẩm ghi lại khoảnh khắc sống động của không gian lễ hội đặc trưng Tây Nguyên với cây nêu, vòng xoang, rượu cần và âm vang cồng chiêng.

Trong khi đó, với sắc đen-trắng đối lập, tác phẩm “Tượng mồ Tây Nguyên” (khắc gỗ in giấy dó, khổ 68 x 86 cm) của nữ họa sĩ Nguyễn Nguyên Bút-hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã khắc họa tài tình 2 thế giới song hành trong chiều sâu tâm tưởng của đồng bào Tây Nguyên.

Đáng nói, cuộc thi vẽ tranh “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa” không chỉ nhằm lan tỏa tình yêu di sản văn hóa Việt nói chung mà còn hướng đến vận động các họa sĩ trẻ quan tâm đến đề tài sáng tác này.

Điều đó không nằm ngoài mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc bắt đầu từ lớp trẻ-một thế hệ vốn dễ bị cuốn đi bởi những giá trị mới, trào lưu mới và khát khao hội nhập. Truyền thụ tình yêu di sản đến với người trẻ trên tinh thần “ôn cố, tri tân” thiết nghĩ là điều căn cơ và cần được duy trì, khuyến khích.

Có thể bạn quan tâm