GIÃN DÂN LÀ NHU CẦU CẤP THIẾT
Tại hội nghị mới đây, Thành ủy TP.HCM đã thông qua chủ trương Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng và có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển bền vững của TP.HCM. Đến thời điểm này, quy hoạch được triển khai hết sức công phu, nghiêm túc, tuy có chậm so với thời gian chung nhưng do thành phố lớn, rộng, nhiều vấn đề cần sắp xếp và tính toán kỹ lưỡng.
Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM xác định đến năm 2040, dân số là 13 triệu người, tăng lên 14,5 triệu người vào năm 2050 và đạt 16 triệu người vào năm 2060. TP.HCM định hướng phát triển đô thị theo 5 phân vùng: trung tâm, phía đông, phía bắc - tây bắc, phía tây và phía nam. Những phân vùng này được xem như 5 thành phố vệ tinh của TP.HCM.
Metro là phương tiện chính kết nối các thành phố vệ tinh trong tương lai ở TP.HCM |
Cách đây gần 15 năm, mô hình đô thị đa trung tâm từng được nêu trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM năm 2010 với mục tiêu hình thành 4 thành phố vệ tinh ở 4 phía: đông, tây, nam, bắc để giãn dân ra bớt khỏi khu trung tâm. Dù vậy, đến nay chỉ có thành phố phía đông được hình thành, là TP.Thủ Đức hiện hữu. Trong khi đó, hiện trạng từng phân vùng được quy hoạch đều có những bất cập khó hóa giải, nhất là nhà ở chật chội, chen chúc ở khu vực trung tâm cũng như nhà ở ven kênh rạch, thiếu không gian công cộng, ùn tắc giao thông...
Ông Dương Anh Đức, Bí thư Quận ủy Q.1, dẫn chứng người dân ở khu Chợ Gà, Chợ Gạo (P.Cầu Ông Lãnh) sinh hoạt trong không gian chật hẹp, nguy cơ cháy nổ cao, điều kiện sống rất khó khăn. "Có gia đình khi ngủ phải chia ca vì chật chội. Có khu đất chỉ rộng 15 m2 nhưng có tới 4 - 5 hộ dân sinh sống", ông Đức nêu thực trạng. Cách đó không xa, khu Mả Lạng (P.Nguyễn Cư Trinh) cũng chung cảnh ngộ. Dù địa phương kêu gọi đầu tư nhiều lần để chỉnh trang đô thị nhưng vì nằm trong quy hoạch khu 930 ha (khu trung tâm hiện hữu, gồm một phần các quận 1, 3, 4, Bình Thạnh) bị hạn chế về chiều cao, hệ số sử dụng đất nên nhà đầu tư đến tìm hiểu rồi "một đi không trở lại".
TP.HCM định hướng phát triển thành 5 thành phố theo mô hình đa trung tâm |
Cùng chung thực trạng nhà cửa xập xệ, người dân nhiều khu vực ngoại thành TP.HCM lại đối diện tình cảnh éo le khi có đất mà không thể cất nhà vì vướng quy hoạch "treo". Có những dự án kéo dài vài chục năm mà không xây dựng, trong khi gia đình có thêm nhiều thành viên mới.
METRO SẼ LÀ XƯƠNG SỐNG
Ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Chủ tịch UBND Q.7 (từng là Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung thuộc Sở QH-KT), cho biết đồ án cũ muốn phát triển 4 đô thị vệ tinh để giãn dân khỏi khu vực trung tâm thành phố nhưng chưa làm được vì chưa đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Ông Tuấn Anh cho rằng mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng) sẽ là lời giải cho TP.HCM trong tương lai. Cụ thể, dọc tuyến đường sắt đô thị sẽ hình thành các khu dân cư xung quanh nhà ga theo kiểu đô thị nén nhưng không dàn trải.
Trao đổi thêm, Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Thanh Nhã cho biết để phát triển đô thị nén thì trong quy hoạch phải còn chỉ tiêu dân số, đặc biệt là phải đầu tư hạ tầng, mở rộng đường và các công trình phúc lợi. So với khu vực trung tâm hiện hữu, việc phát triển đô thị nén ở khu vực từ vành đai 2 đến vành đai 3 sẽ thuận tiện hơn vì còn nhiều đất trống.
Trong lần điều chỉnh quy hoạch chung lần này, TP.HCM bổ sung kết nối đường bộ để củng cố vị trí trung tâm của TP.HCM như kéo dài trục đường Nguyễn Hữu Thọ, kết nối đường ven biển tại Tiền Giang, kết nối sân bay Long Thành, đặc biệt sẽ xác định các khu vực phát triển đô thị theo mô hình TOD dọc tuyến metro, đường Vành đai 3 đang xây dựng.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT, cho hay trong đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2035 hoàn thành 6 tuyến/đoạn tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 183 km, tổng kinh phí hơn 871.000 tỉ đồng (hơn 36 tỉ USD). Để đạt mục tiêu này, TP.HCM đề xuất 28 cơ chế thuộc 6 nhóm về quy hoạch; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục, thẩm quyền đầu tư xây dựng; quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ, định mức, đơn giá; tổ chức quản lý, khai thác.
Về phương án phát triển TOD, Sở TN-MT xác định có 10 điểm tiềm năng dọc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) với tổng diện tích hơn 290 ha. Đây là những khu đất do nhà nước trực tiếp quản lý. Ngoài ra, ước tính có gần 360 ha đất dọc 3 tuyến metro (số 3, 4, 5) do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng cũng có thể khai thác theo mô hình TOD. Ước tính quỹ đất này tạo nguồn thu cho ngân sách đến năm 2035 khoảng 120.500 tỉ đồng.
Khẳng định từ nay đến năm 2030, TP.HCM vẫn giữ nguyên 16 quận, 5 huyện (Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi) và TP.Thủ Đức, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết giai đoạn này sẽ củng cố, tăng chất lượng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, 5 huyện ngoại thành tập trung xây dựng hạ tầng hướng đến các chỉ tiêu đô thị để chuyển lên thành phố trực thuộc tỉnh (thành phố trong thành phố - PV). Sau năm 2030, TP.HCM tổ chức các vùng đô thị theo mô hình đa trung tâm và đến năm 2040 sẽ hình thành 5 thành phố giống như TP.Thủ Đức hiện tại. Khi đó, metro sẽ là phương thức kết nối chính.
CẦN CƠ CHẾ ĐẶC BIỆT
Đánh giá đồ án điều chỉnh quy hoạch chung lần này kế thừa định hướng đô thị đa trung tâm là đúng hướng, Chủ tịch UBND Q.7 Hoàng Minh Tuấn Anh cho rằng phải định hình được các khu lõi trung tâm của thành phố trong tương lai để đưa vào quy hoạch. "Như thành phố Nam Sài Gòn xác định Q.7 là trung tâm thì đâu là trung tâm của thành phố phía tây, thành phố phía bắc. Phải xác định được trung tâm để tập trung nguồn vốn đầu tư công, xã hội hóa phát triển ra, 10 năm sau cơ sở hạ tầng vững chắc thì các huyện mới tự tin lên thành phố", ông Tuấn Anh đề xuất.
Ngoài việc định hướng đô thị vệ tinh cho tương lai, lãnh đạo các địa phương cho rằng cần giải quyết bài toán trước mắt. Chủ tịch UBND Q.7 dẫn chứng TP.HCM có nhiều dự án di dời nhà ven kênh rạch nhưng tiến độ rất chậm, riêng Q.7 có 2.000 căn. Nếu đi theo lối mòn cũ về phương án giá bồi thường cho người dân thì không giải quyết được, bởi lẽ hầu hết nhà trên và ven kênh rạch đều không có giấy tờ, không giấy chứng nhận. Đối chiếu quy định hiện hành, họ không được bồi thường mà chỉ được hỗ trợ, và với khoản tiền hỗ trợ nhận được chắc chắn không thể mua nhà để ổn định cuộc sống. "Nếu tiếp tục cách làm cũ thì 10 - 20 năm nữa vẫn không giải quyết được", ông Tuấn Anh nói.
Tương tự, Bí thư Quận ủy Q.1 Dương Anh Đức cho rằng cần cơ chế đặc biệt theo hướng cho công trình xây dựng được tăng chiều cao, tăng hệ số sử dụng đất để giải bài toán nhà ở chật chội khu trung tâm hiện hữu.
Ở vai trò kết nối doanh nghiệp, ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại - đầu tư TP.HCM, cho rằng sau khi quy hoạch được phê duyệt cần xác định danh mục dự án kêu gọi đầu tư gắn với các mục tiêu lớn như kinh tế xanh, trung tâm tài chính, logistics. Bởi để thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài thì quy hoạch là yếu tố đầu tiên. Song song đó, ông Lữ cho rằng cần nghiên cứu cơ chế, chính sách riêng cho từng mục tiêu mới đủ hấp dẫn thu hút nhà đầu tư. Đơn cử như hình thành trung tâm tài chính, mô hình các nước chỉ ra để hình thành trung tâm tài chính không chỉ là nêu trong quy hoạch mà còn cơ chế, chính sách thu hút cơ sở vật chất và các định chế tài chính, kết nối trung tâm tài chính với định chế tài chính trong nước.
Ông Lữ cũng nêu thực tế công tác giải ngân vốn đầu tư công cũng như dự án bị vướng hoặc dự án treo thì nguyên nhân lớn nhất do công tác thu hồi đất. "Đối với nhà đầu tư nước ngoài, ngoài tính minh bạch về hồ sơ pháp lý dự án thì họ đặt vấn đề tiến độ thu hồi đất. Nếu có quy hoạch tốt, cơ chế tốt mà việc tạo ra quỹ đất sạch, không có cơ chế thu hồi trước để sẵn sàng cho nhà đầu tư thì sẽ mất cơ hội khi so với các địa phương khác", ông Lữ nói thêm.
Huy động sức dân làm metro
Về đề án phát triển metro với quy mô vốn hơn 36 tỉ USD, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận đây là con số lớn và cần có cơ chế đột phá để huy động nguồn lực. Chủ tịch TP.HCM chia sẻ khi nghiên cứu đô thị của nước ngoài, metro là phương tiện tất yếu để phát triển. Nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ ngân sách, chỉ một số hạng mục có nguồn lực xã hội. Như TP.Busan (Hàn Quốc), nguồn thu từ bán vé, quảng cáo, chi phí cho thuê mặt bằng chỉ chiếm từ 40 - 50%, còn lại phải cấp bù ngân sách và cơ chế khai thác từ quỹ đất dọc tuyến.
Ông Phan Văn Mãi phân tích nếu chia 36 tỉ USD trong 10 năm, mỗi năm gần 4 tỉ USD thì không phải quá nhiều, bao gồm cả huy động nguồn vốn và trả nợ sau này. "TP.HCM không đặt vấn đề vay ODA mà sẽ vay trong dân thông qua trái phiếu metro", ông Mãi nói. Một số ngân hàng lớn trên địa bàn khẳng định nếu lãi suất bằng hoặc cao hơn lãi suất trái phiếu Chính phủ thì có thể huy động được khoản này.
Khi có mạng lưới metro, người đứng đầu UBND TP.HCM nhận định không chỉ giúp giải quyết điểm nghẽn về giao thông mà còn phát triển các mô hình đô thị đa trung tâm, khai thác được không gian ngầm và phát triển không gian trên cao.