"Nếu không có khát vọng, chỉ kiếm tiền thì dại gì lao vào khó khăn", đó là trả lời của Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng với các cổ đông về lý do làm xe điện VinFast hồi tháng 5 vừa rồi. Theo ông Vượng, Vingroup là doanh nghiệp (DN) lớn, DN thành đạt và đã có năng lực nhất định thì phải có đóng góp cho đất nước, đóng góp thương hiệu công nghệ cao, đẳng cấp cao, có sức ảnh hưởng, quan tâm trên trường quốc tế. "VinFast thể hiện trách nhiệm xã hội, lòng yêu nước của chúng tôi đối với đất nước, không có toan tính trong đó", ông Vượng nhấn mạnh. Hai ngày trước đó, ông Vượng đã tặng Công ty năng lượng VinES trị giá 6.500 tỉ đồng của mình cho Công ty VinFast để hãng xe điện chủ động công nghệ và tập trung nguồn lực nghiên cứu, phát triển pin cho các dòng xe điện của VinFast. Hồi tháng 4, ông Vượng cũng tặng 1 tỉ USD từ tài sản cá nhân cho VinFast... Với VinFast, VN không chỉ ghi tên mình vào bản đồ ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu mà còn hướng tới trở thành một trong những hãng xe điện hàng đầu thế giới.
Khát vọng cũng là giải thích của Chủ tịch Vietravel Corporation Nguyễn Quốc Kỳ về việc dấn thân sang hàng không và đối mặt với vô vàn khó khăn thay vì hưởng thụ thành quả từ DN lữ hành hàng đầu VN mà ông gầy dựng mấy thập niên qua. Chuyện bắt đầu từ năm 2018 khi ông Kỳ được một đối tác Trung Quốc mời trải nghiệm dịch vụ của họ và chứng kiến họ sở hữu tới 127 chiếc máy bay. "Điều gì đang xảy ra khi các hãng du lịch lớn nước ngoài đang hoàn thiện hệ sinh thái của họ?", ông Kỳ tự hỏi và Vietravel Airlines ra đời để thực hiện giấc mơ kết nối du lịch VN với thế giới nhanh nhất, thuận tiện nhất của ông.
Coi việc đương đầu với khó khăn là bổn phận của DN, ông Nguyễn Sĩ Bá, Chủ tịch Tập đoàn Tân Long, cho thấy trách nhiệm của doanh nhân trong bối cảnh đất nước đối mặt với thách thức lịch sử. Không chọn việc nhẹ nhàng, ông chủ động đặt lên vai mình sứ mệnh trở thành đối trọng với các DN ngoại trong lĩnh vực chăn nuôi, thực phẩm dù phải đối mặt với rất nhiều gian truân của người đi sau. Tân Long cũng là DN VN đầu tiên đưa gạo Việt vào thị trường Nhật Bản, đặt dấu ấn trong hành trình nỗ lực nâng cao giá trị hạt gạo, đưa thương hiệu gạo Việt tiến ra thế giới.
Đó chỉ là một số trong rất nhiều DN mà chúng tôi, những người làm báo Thanh Niên, đã tiếp xúc khi thực hiện cuốn ấn phẩm chào mừng ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10 hôm nay. Từ những DN nhỏ, hiện nay chúng ta đã có các công ty tỉ USD. Từ quanh quẩn ở thị trường nội địa, chúng ta đã xuất khẩu hàng hóa đi hàng trăm nước. Từ việc tối đa hóa lợi nhuận, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng trở thành hoạt động quan trọng trong quá trình phát triển của cộng đồng DN Việt. Đặc biệt, DN cũng là những người tiên phong trong xu thế tăng trưởng xanh, bền vững mà VN cam kết với thế giới.
Ở thời điểm hiện tại, cộng đồng DN Việt đang đứng trước thách thức mang tính sống còn khi thế giới và VN đã và đang trải qua những cuộc khủng hoảng liên tiếp. Thế nhưng đúng như nhận định của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc gặp đại diện giới doanh nhân VN ngày 11.10, lịch sử đã chứng minh, trước thử thách họ lại được tôi luyện thêm sự kiên cường, bền bỉ, bản lĩnh, sự linh hoạt và tinh thần đổi mới sáng tạo. Người đứng đầu Chính phủ tin tưởng rằng cộng đồng DN VN sẽ tiếp tục đồng hành, chia sẻ khó khăn và ủng hộ Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong các chỉ đạo điều hành để cùng nắm bắt cơ hội mới, vận hội mới, nâng cao năng lực nội sinh, góp phần vào xây dựng một VN hùng cường và thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc, ấm no.
Đó cũng chính là sứ mệnh, là khát vọng mà rất nhiều DN, doanh nhân Việt đặt ra trên hành trình phát triển của mình hôm nay và mai sau.