Phóng sự - Ký sự

"Trái đắng" lan đột biến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mặc dù truyền thông đã nhiều lần cảnh báo tới giới chơi, kinh doanh lan nhưng gần đây vẫn liên tiếp xảy ra các vụ lừa đảo vì mua lan đột biến giả. Đã nhiều người mất trắng tiền tỷ, lâm vào cảnh khốn cùng vì nợ nần, bỏ trốn. Mới đây nhất là vụ lừa đảo người mua lan cả trăm tỷ đồng ở Ứng Hòa, Hà Nội đã thực sự khiến dư luận bàng hoàng.
Cao chạy xa bay hay sợ bị trả thù?
Cái gọi là thị trường lan đột biến ngày một nóng bỏng bởi liên tục có thông tin về những giao dịch "khủng" diễn ra trên khắp các diễn đàn mạng xã hội. Đơn cử, giao dịch khủng từ anh Tuyên Võ (Bình Thuận) cây 5CT Bảo Duy với giá 12 tỷ đồng, cây Da Vàng 10 tỷ đồng ở Bình Phước. Gần đây nhất, giới chơi lan lại xôn xao về buổi đấu giá 1 kie mang tên "huyền thoại" Bướm Đại Ngàn được một người chơi ở Bình Dương trả giá 11,7 tỷ đồng.

Cây 5ct Bạch Tuyết được rao bán với giá 22 tỉ đồng
Cây 5ct Bạch Tuyết được rao bán với giá 22 tỉ đồng
Với những cơn sốt bừng bừng như vậy, nhiều người đã không tiếc tay đầu tư cả tỷ, chục tỷ thậm chí trăm tỷ vào lan đột biến. Tuy nhiên, một điều chắc chắn rằng đa phần những người bỏ tiền đầu tư hiểu biết về lan đột biến gần như là con số không. Lợi dụng nhu cầu làm giàu từ lan của nhiều người, một số đối tượng đã sử dụng rất nhiều thủ đoạn bán cây sai để chiếm đoạt tài sản.
Mới đây nhất là vụ lừa đảo lan đột biến lên đến hàng trăm tỷ đồng xảy ra tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Vụ việc nghiêm trọng đến mức, Giám đốc Công an TP Hà Nội chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, cùng Công an huyện Ứng Hòa khẩn trương điều tra, xác minh vụ việc trên. Theo thông tin từ Công an huyện Ứng Hòa, đơn vị này đã nhận được đơn trình báo của 3 công dân phản ánh việc chuyển tiền cho chủ vườn lan Hà Thanh tại xóm Chợ, thôn Đình Xuyên, xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa để mua lan đột biến. Tuy nhiên, đến ngày giao cây, các khách hàng không liên lạc được với chủ vườn lan. Khi đến nhà, các khách hàng không gặp được và không biết chủ vườn lan đi đâu. Tổng số tiền theo đơn trình báo khoảng 11 tỷ đồng.
Cùng ngày, giới chơi lan đột biến đã chia sẻ thông tin trên mạng xã hội rằng một chủ vườn lan ở xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa (TP.Hà Nội) đã "ôm" hàng trăm tỷ của khách hàng rồi bỏ trốn. Theo đó, số tiền lên đến hàng trăm tỷ là do khách hàng đã đặt mua từ chủ vườn lan với nhiều loại lan có giá trị kinh tế cao như Bảo Duy, Ngọc Sơn Cước... Đây là những loại lan theo định giá của giới chơi lan đột biến có giá từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng/cm.

Những hình ảnh về giao dịch khủng như thế này không còn xa lạ với giới chơi lan, song tính chứng thực của nó gần như bằng không
Những hình ảnh về giao dịch khủng như thế này không còn xa lạ với giới chơi lan, song tính chứng thực của nó gần như bằng không
Theo tìm hiểu của phóng viên, chủ vườn lan này có tên N.H.T, là người sống khá kín đáo, ít giao thiệp với hàng xóm từ khi bước chân vào nghề trồng lan. Trước đây T làm nghề xẻ gỗ rồi chuyển sang nghề trồng lan từ năm 2016 -2017. Đây là vườn lan có quy mô lớn nhất nhì của huyện Ứng Hòa và tương đối có tiếng trong giới chơi và kinh doanh lan. Tuy nhiên, sự việc phát sinh trong vài tháng trở lại đây khi T có hợp tác với một người tên C. (Hà Nội) và đã trở thành nạn nhân. 
Anh L.V.B (một người chơi lan tại Ứng Hòa) cho hay: "T trước đây cũng là nhà vườn uy tín trên địa bàn, tuy nhiên 6 tháng trở lại đây anh ấy có hợp tác với một người chơi lan ở Hà Nội do gửi hoa lan nhờ chăm sóc. T. đã đặt của người này khoảng 30 tỷ đồng để mua lan đột biến, sau đó nhận đặt cọc của một số người để bán lại. Nhưng lan không ra đúng loại nên mới vỡ lở chuyện này. Số tiền có thể không lớn như đồn thổi bởi giới chơi lan có "luật bất thành văn" là đền tiền hoặc lan nếu sản phẩm mua không chuẩn".
Ông Nguyễn Như Tuyển - Chủ tịch UBND xã Hòa Nam xác nhận, chiều 12-4 có khoảng 20 ôtô đỗ trước cửa vườn lan Hà Thanh nhưng diễn ra trong im lặng, không có bất cứ xáo trộn nào. "UBND xã chưa nhận được đơn thư tố cáo lừa mua bán hoa lan đột biến nào của người dân về việc anh N.H.T "ôm" 200 tỷ đồng bỏ trốn. Phải có đơn tố cáo có dấu hiệu lừa đảo, liệt kê số tiền thì xã mới có căn cứ xác minh. Gia đình anh T. cũng không trình báo về việc người lạ đến gây rối", ông Tuyển nói và thông tin anh T. chưa có bất cứ vi phạm pháp luật nào tại địa phương.

Xuất hiện dấu hiệu lừa đảo
Xuất hiện dấu hiệu lừa đảo
Trong giới chơi lan đột biến nhiều người chẳng còn xa lạ gì với những “đại gia” đang nổi như cồn khắp ba miền. Có vẻ như một năm họ có thể kiếm được cả trăm tỷ, thậm chí là hơn thế? Khi tiền nhiều thì cách sống, cách tiêu tiền của họ cũng "sang chảnh" và đặc biệt chẳng kém gì những đại gia bất động sản hay những ngành nghề khác. Nhiều nhà vườn sẵn sàng bỏ ra cả chục tỷ để đi làm từ thiện, hay mua cả 1 dàn siêu xe đắt đỏ cả vài chục tỷ. Chưa kể đến những tấm gương "đi lên từ cây lúa", đang túng quẫn mà đổi đời từ lan. Điều này như một hiệu ứng khủng khiếp khiến hàng nghìn người sẵn sàng vung cả chục tỷ, trăm tỷ để đầu tư.
Chính vì thế, thị trường lan đột biến đang ẩn chứa rất nhiều nguy cơ, mầm mống của tội phạm lừa đảo. Bởi không có sự đảm bảo, chứng nhận hợp pháp về chất lượng hoa lan; các giao dịch chủ yếu dựa vào cam kết, thỏa thuận bởi người bán với người mua, dễ phát sinh lừa đảo, mâu thuẫn, tranh chấp sau giao dịch. Bên cạnh đó, nhiều người tham gia đầu tư vì vụ lợi, mong muốn làm giàu nhanh, thiếu kiến thức, bất chấp rủi ro huy động vốn từ người thân, bạn bè, vay mượn ngân hàng, các nguồn vốn ngoài xã hội, thậm chí "tín dụng đen" để đầu tư dễ dẫn đến nguy cơ có thể vỡ nợ dây chuyền và phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật từ hoạt động tín dụng đen.
Anh Lê Tuấn (Thanh Oai, Hà Nội), người sưu tầm lan đột biến, cũng từng là nạn nhân của kẻ lừa đảo bán sai cây cho biết: "Thực ra việc mua bán lan đột biết với nhau chủ yếu vẫn chỉ dựa vào niềm tin. Kể cả khi mua bán với nhau họ viết giấy bảo hành thì khi ra pháp luật cũng vô cùng khó khăn. Bản thân tôi cũng là nạn nhân. Năm 2019 tôi có mua 2 loại lan đột biến là phi điệp Hồng Yên Thủy và 5 Cánh trắng Hiển Oanh.

Sự
Sự "mất tích" bất thường của chủ vườn lan H.T khiến nhiều người mua lan đứng ngồi không yên.
Số tiền tôi bỏ ra là 450 triệu đồng để mua 3 chậu lan của anh Đ.T.S (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Tuy nhiên sau hơn 1 năm thì cây tôi mua của anh S. lại cho ra hoa không đúng với cam kết. Sau đó tôi có liên hệ với anh S. thì được biết anh ấy cũng là nạn nhân. Chúng tôi cũng đều là công chức nhà nước nên cũng thông cảm và không muốn mọi chuyện lớn hơn. Chính vì thế chúng tôi đã dàn xếp hoàn trả dần".
Theo chia sẻ của anh Tuấn, anh S. có biết một số đối tượng có vườn tại ngã ba Hàng Trạm (huyện Yên Thủy, Hòa Bình) qua mạng xã hội Facebook, sau đó có đến đây mua lan đột biến để về buôn lấy lãi. Tuy nhiên, sau khi biết mình bị lừa, anh S. có quay trở lại Yên Thủy (nơi mình đã từng mua) thì không thấy người bán cho mình đâu nữa, gọi điện nhắn tin đều không liên lạc được. Anh S. có đi hỏi hàng xóm của chủ vườn thì được biết, cách đây không lâu, một số đối tượng đến đây thuê đất, làm giàn lan. Sau khoảng một thời gian thì đã "cao chạy xa bay", hàng ngày liên tục có người nơi khác đến hỏi thăm tung tích người này.
Ông Thanh Bình, người sưu tầm lan đột biến ở Dương Nội (Hà Đông) tiết lộ, có rất nhiều trường hợp đầu tư lan đột biến phải "ngậm trái đắng", thiệt hại cả tỷ đồng. Bởi những mánh khóe của các đối tượng này ngày càng tinh vi, đặc biệt khi đạt mục đích xong, người bán xóa tài khoản Zalo, Facebook, không còn cách nào liên lạc được. Nếu là giao dịch thật thì phải có cam kết đến khi ra hoa; nhưng các nhóm lừa đảo đều biết rõ không phải lan đột biến nhưng rao bán hoa đột biến. Trước khi giao cây, những mầm hoa này đều bị tưới nước muối hoặc phun thuốc diệt cỏ.
Người mua bỏ ra cả chục triệu, trăm triệu mua về nhưng chỉ một thời gian ngắn sau là cây chết. Khi đó, nếu người mua có ý định bắt đền thì người bán sẽ đổ lỗi cho quá trình chăm sóc. Đây là cách nhóm lừa đảo xóa bằng chứng để chối bỏ trách nhiệm đền bù. "Tôi nói thật là ở khu vực nhà tôi có rất nhiều vườn lan trồng hàng phi điệp tím bình thường. Thế nhưng thỉnh thoảng lại có người buôn lan đến chọn từng cây để mua, thấy họ bảo chọn cây giống hàng đột biến như Hồng Yên Thủy, Hồng Minh Châu… về bán cho các đối tượng lừa đảo".
Với những vụ việc lừa đảo bán lan đột biến xảy ra gần đây, những người mới chơi thấy thị trường đang sôi sục mà có ý định đầu tư cũng nên tìm hiểu thật kỹ các thông tin trước khi mua, bán để tránh bị lừa, mất tiền oan. Và điều quan trọng nhất là phải tỉnh táo, định giá được giá trị thật của món đồ mà mình bỏ tiền ra sở hữu.
Song Ngọc (cand.com.vn)

Có thể bạn quan tâm