Bạn đọc

Trầm cảm vì... sống ảo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gần đây, trong cả nước có nhiều trường hợp phải nhập viện vì mê game, nghiện facebook. Tại Gia Lai, trường hợp bệnh nhân phải nhập viện điều trị tâm thần do quá đắm chìm trong thế giới ảo không phải là hiếm.

Bác sĩ Đồng Vĩnh Thanh-Trưởng khoa Điều trị Nam (Bệnh viện Tâm thần kinh) cho biết: Mới đây, Bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân là học sinh lớp 11, trú tại thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai. Đây là lần thứ tư bệnh nhân nhập viện điều trị trầm cảm. Bệnh nhân này vốn nghiện game và chơi game liên tục, khi bị người nhà cấm đoán thì buồn bã, chán nản và trầm cảm. Những lần trước, sau khi nhập viện điều trị và sau một thời gian không tiếp xúc với game, facebook thì tình trạng bệnh có cải thiện, bệnh nhân được xuất viện. Tuy nhiên, khi về lại môi trường cũ thì học sinh này lại tiếp tục nghiện game và bệnh tình tái phát.

 

Ngày càng có nhiều bệnh nhân nhập viện vì sống ảo. Ảnh: N.N
Ngày càng có nhiều bệnh nhân nhập viện vì sống ảo. Ảnh: N.N

“Đa phần bệnh nhân nhập viện tâm thần do nghiện game, sống ảo là học sinh, sinh viên. Trong số này, phần nhiều là con cái trong các gia đình có điều kiện kinh tế khá giả; bố mẹ mải mê công việc nên ít quan tâm, tiếp xúc với con, đến khi phát hiện thì trẻ đã đắm chìm quá sâu vào thế giới ảo. Khi bị cấm thì nhiều em chán nản, bỏ ăn, bỏ học thậm chí kích động, có trường hợp gây áp lực với gia đình bằng việc dọa tự tử”-bác sĩ Thanh cho biết.

Không chỉ các thiết bị công nghệ mà cả những bộ truyện tranh cũng có thể gây “nghiện”, khiến trẻ dễ bị đắm chìm vào thế giới ảo. Đó là lý do gần 3 năm nay con gái của chị Lê Thị H. (phường Hội Thương, TP. Pleiku) phải uống thuốc chữa trầm cảm. Chị H. cho biết: “Con gái tôi có năng khiếu hội họa và rất thích truyện tranh từ lúc học cấp III. Cứ có bộ truyện tranh nào mới là cháu đều mua về và giữ gìn cẩn thận. Lúc nào rảnh là cháu vào phòng đọc truyện. Ban đầu, tôi không nghĩ nhiều về chuyện này vì nghĩ cháu mê truyện còn đỡ hơn mê game, nghiện facebook. Tuy nhiên, về sau cháu sống ngày càng khép kín, cứ ru rú trong phòng, chẳng giao tiếp với ai”.

Khi phát hiện con gái dành quá nhiều thời gian cho truyện tranh, thậm chí có biểu hiện lạ lùng trong sinh hoạt thường ngày, chị H. hết sức lo lắng. “Những bức hình cháu vẽ các nhân vật lúc nào mắt cũng to thật to, môi chúm chím… nói chung đều giống những nhân vật mà cháu tiếp xúc trong truyện. Thậm chí khi trang điểm cho mình cháu cũng làm như vậy. Khi thấy có bất thường, chúng tôi khuyên nhủ con đi khám thì cháu bảo “con không bị điên” và gây hấn với mọi người trong nhà. Chỉ đến khi cha cháu và anh trai đưa đến bác sĩ thì mới hay cháu đang trầm cảm nặng”-chị H. rầu rĩ cho biết.

Theo bác sĩ Thanh, khi phát hiện những dấu hiệu bất thường của con em như: dành thời gian ngày càng nhiều cho một việc gì đó (chơi game, đọc truyện, lướt facebook…) mà quên đi những việc quan trọng khác; cố gắng cắt giảm việc sử dụng nhưng không thành công; khi không được tiếp xúc thì trở nên bồn chồn, bứt rứt… thì nên nghĩ ngay rằng con em mình đã bị “nghiện” và cần đưa đến gặp bác sĩ có chuyên khoa để được tư vấn, điều trị kịp thời.

“Xã hội càng hiện đại, trẻ càng có điều kiện tiếp xúc nhiều với điện thoại, ti vi, vi tính, sách, truyện... và nhiều hình thức giải trí khác. Chính vì vậy, gia đình cần quan tâm, theo dõi chặt chẽ để tránh việc trẻ lạm dụng và “nghiện”. Trầm cảm nếu không được điều trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm, có thể gây ra hậu quả đáng tiếc”-bác sĩ Thanh khuyến cáo.

Như Ý

Có thể bạn quan tâm