Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Trạm dừng nghỉ đường bộ: Dịch vụ cần thiết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gia Lai là một trong số ít địa phương có nhiều tuyến quốc lộ chạy qua với tổng chiều dài trên 700 km (kể cả đường Trường Sơn Đông). Dù cho các tuyến đường này, nhất là quốc lộ 19 và 25 hiện đã xuống cấp và đang được đầu tư sửa chữa, nhưng có thể nói giao thông là một trong những thế mạnh về hạ tầng sản xuất và dân sinh.
Trước đây, người ta từng ví, Gia Lai như là nóc nhà của vùng đồng bằng Trung Trung bộ và Campuchia, mạng lưới giao thông đường bộ xuất phát từ đây tỏa về các vùng trọng điểm về kinh tế, nối liền Bắc-Nam, là điều kiện thuận lợi cho Gia Lai phát triển kinh tế-xã hội bền vững, bảo đảm quốc phòng-an ninh vững chắc.
Từ điều kiện khách quan và thực tế này, trước đây nhiều năm, lãnh đạo tỉnh đã có chủ trương giao ngành chức năng khảo sát, quy hoạch phù hợp với quy hoạch toàn ngành, cả nước và tiến đến đầu tư, kêu gọi đầu tư xây dựng các trạm dừng (gọi đầy đủ là trạm dừng nghỉ đường bộ) trên các tuyến quốc lộ. Song, cho tới nay, ngoài các “trạm dừng” tự phát, trên các tuyến quốc lộ chưa có một trạm dừng nào đúng nghĩa. Chúng ta biết rằng, theo quy ước, trạm dừng là một trong những công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, được xây dựng theo các tuyến quốc lộ hoặc tỉnh lộ nhằm cung cấp các dịch vụ phục vụ hành khách và phương tiện giao thông... Đôi lần di chuyển trên đất bạn như Trung Quốc, Thái Lan... bằng đường bộ, người viết bài này từng gặp các trạm dừng của họ với khoảng cách 100 km/trạm. Đó là một tổ hợp dịch vụ, từ việc kiểm tra tình trạng kỹ thuật của phương tiện, tiếp nhiên liệu cho đến siêu thị nhỏ, quầy ăn nhẹ, hàng lưu niệm, giải trí, vệ sinh công cộng... Có những trạm dừng được xây dựng như một công viên thu nhỏ, có vườn hoa, cây cảnh, dụng cụ tập thể dục...
 Trong chuyến hành trình, một số xe khách phải dừng bên đường cho hành khách vệ sinh cá nhân. Ảnh: Đ.M.P
Trong chuyến hành trình, một số xe khách phải dừng bên đường cho hành khách vệ sinh cá nhân. Ảnh: Đ.M.P
Di chuyển nhiều bằng đường bộ, nhất là phương tiện công cộng ở ta, tôi từng chứng kiến bao chuyện dở khóc dở cười. Tài xế có thể dừng phương tiện bất cứ nơi đâu họ và hành khách muốn để ăn uống, vệ sinh cá nhân... khiến tình cảnh vô cùng nhếch nhác, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã đành, lại còn gây ô nhiễm môi trường do phóng uế, vứt rác thải bừa bãi. Trước đây, báo chí từng phản đối việc các nhà xe cho hành khách “ăn cơm tù” trong các “trạm dừng” tự phát, thì ngày nay có khác chăng là các quán cơm được coi là... trạm dừng, chủ nhân không còn dùng dây kẽm gai bao quanh hành khách nữa; còn lại về bản chất không khác mấy kiểu “cơm tù” ngày trước. Chưa kể “dịch vụ võng” phát triển rất nhanh, loại hình này nghe nói “không được trong sáng, lành mạnh” cho lắm.
Thiết nghĩ, trên các tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn Gia Lai, các ngành chức năng nên khởi động lại chủ trương khảo sát, quy hoạch và kêu gọi đầu tư xây dựng các trạm dừng nghỉ đường bộ theo đúng nghĩa đen của cụm từ này. Mạng lưới đường bộ trên địa bàn tỉnh tuy còn có những nơi do thiếu kinh phí đầu tư xây dựng, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng hàng năm nên xuống cấp, nhưng đó chưa phải là nguyên nhân chủ yếu gây chậm trễ trong việc phục vụ người và phương tiện khi lưu thông đường bộ. Nếu suy rộng ra, các trạm dừng còn là nơi để giới thiệu với bạn bè những sản vật địa phương, thế mạnh về kinh tế, danh lam thắng cảnh, văn hóa lịch sử; có thể cũng là nơi lưu trú cho người có nhu cầu; là nơi giao lưu, mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân trong vùng.
Ngoài đường bộ, Gia Lai còn có đường hàng không, nhưng hàng không hiện chưa phát triển mạnh, nhất là đi-đến các tỉnh lẻ nên đường bộ vẫn là lựa chọn chủ yếu của hành khách. Hiện các phương tiện vận chuyển hàng hóa và hành khách đường bộ của chúng ta ngày càng được các doanh nghiệp và nhà đầu tư mua sắm khá hiện đại, từng bước làm hài lòng hành khách. Khi mà các “dịch vụ mặt đất” được đầu tư, phục vụ tốt hơn thì chắc chắn sẽ khuyến khích những người có nhu cầu đi lại sử dụng phương tiện công cộng, giảm bớt tình trạng sử dụng phương tiện cá nhân, gián tiếp giúp kéo giảm tai nạn, chống ùn tắc giao thông, tiết kiệm nhiên liệu, bớt đi tình trạng ô nhiễm môi trường.
 ĐOÀN MINH PHỤNG

Có thể bạn quan tâm