Bạn đọc

Trăn trở làng phong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gọi là làng nhưng nơi đây chỉ có 11 hộ dân với 31 nhân khẩu. Họ là những người bị bệnh phong đã cư trú bao đời nay tại thôn Tây Hồ, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông. Dù cuộc sống đã có nhiều thay đổi song vì mặc cảm, tự ti, những người dân làng phong vẫn ít khi bước chân ra khỏi làng.

Cuộc sống đổi thay

Ngang qua ngôi làng này, nếu chỉ nhìn những ngôi nhà xây kiên cố khá đẹp và sạch sẽ, hẳn không ai nghĩ rằng đây là ngôi làng của những người bị bệnh phong. Hình thành từ thời Pháp thuộc, trước đây, người dân trong làng phải sống ở bên sườn đồi, nơi cuối con suối để tránh sự kỳ thị của xã hội. Sau ngày đất nước thống nhất, những người dân làng phong mới chuyển về vùng đất mới bằng phẳng hơn và ít xa xôi cách trở. Ở đây, cuộc sống của họ đã ít nhiều bớt khó khăn khi được chính quyền giúp đỡ dựng cho những ngôi nhà mới. Đến năm 2010, niềm vui của người dân làng phong được nhân lên khi các tổ chức từ thiện xây dựng cho mỗi hộ gia đình một ngôi nhà mới khang trang.

 

 Những ngôi nhà khang trang của người dân làng phong. Ảnh: V.H
Những ngôi nhà khang trang của người dân làng phong. Ảnh: V.H

Làng phong hiện có 11 hộ với 31 nhân khẩu. Điều đặc biệt là trong số các gia đình nơi đây không hộ nào có con cái bị lây bệnh từ bố mẹ. Bà Bloan, một người dân làng phong năm nay đã bước qua tuổi 60, rưng rưng: “Bọn nhỏ lớn lên giữa cái nơi đầy rẫy bệnh tật nhưng may mắn đều khỏe mạnh, lành lặn. Nhìn các con, các cháu, tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng”. Trong ngôi làng này, giờ đây sớm chiều đã có tiếng trẻ ê a học bài. Như trường hợp em Siu Tu, cách đây hơn 1 năm, dù đến tuổi đi học nhưng vì mặc cảm với mọi người về bệnh tật nên em không chịu đến trường. Phải đến khi được mọi người động viên, Siu Tu mới chịu cắp sách đi học. Ngay trong năm học đầu tiên, thật bất ngờ khi em đã vượt qua được mặc cảm để vươn lên đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Những năm gần đây, cư dân làng phong đã không còn đơn độc khi thường xuyên được người dân các làng khác và chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ. Cùng với đó, những người trong làng cũng luôn quan tâm, đối xử với nhau bằng tất cả tình yêu thương. Bởi thế, ở ngôi làng tưởng như chỉ có sự đau đớn do bệnh tật giờ đây đã có những câu chuyện đẹp như cổ tích. Đấy là chuyện về những cặp đôi mà vợ là người bị bệnh phong lấy chồng là người lành lặn hoặc ngược lại.  

Còn đó những trăn trở

Ông Lã Văn Ngọc-Thôn phó thôn Tây Hồ tâm sự: Cuộc sống của những người dân làng phong vẫn còn khá nhiều nỗi lo. Mặc dù được Nhà nước và các nhà hảo tâm thường xuyên quan tâm hỗ trợ nhưng nhìn chung, người dân vẫn còn nhiều thiếu thốn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong 11 hộ gia đình của làng có 14 người bị tàn tật, không đủ sức lao động, chưa kể một số ít người già. Tuy nhiên, trong làng cũng có nhiều thanh niên khỏe mạnh. Nhưng điều đáng buồn là số thanh niên này đều không rời khỏi làng và cũng không tìm cho mình một công việc để làm ăn. Hàng ngày, họ chỉ quẩn quanh trong nhà hay tụ tập dưới những gốc cây tán chuyện. Điều này khiến cuộc sống của các gia đình nơi đây vốn khó khăn lại càng thêm khốn khó. Đem chuyện này hỏi ông Rơ Châm Dôn, một người sống trong làng, ông buồn bã: “Có nhiều người vào thuê làm cỏ cà phê những chúng không đi hoặc chỉ làm vài bữa rồi nghỉ vì mặc cảm với bệnh tật. Chúng ít khi ra khỏi làng”.

Một nỗi lo nữa ở làng phong, ấy là việc trong làng có tới 17 em từ 1 đến 12 tuổi nhưng chỉ có 5 em đi học (2 em học tiểu học và 3 em học mẫu giáo). Từ trước đến nay, trong làng chưa có em nào học hết bậc THCS mặc dù các em không hề bị lây bệnh từ cha mẹ. Không đi học, các em cứ quẩn quanh ở nhà, rồi lại lấy chồng, lấy vợ. Điều đáng lo ngại là từ trước đến nay, chưa có em nào lấy chồng hoặc lấy vợ ngoài làng, trong đó có những em lấy chồng từ khi mới 16 tuổi. Nếu tình trạng này kéo dài thì nguy cơ về hôn nhân cận huyết thống là điều khó tránh khỏi.

Để những người dân làng phong này hòa nhập nhanh với cộng đồng và vươn lên trong cuộc sống, bên cạnh sự hỗ trợ về mặt vật chất như lâu nay, thiết nghĩ các cấp chính quyền và các nhà hảo tâm cần tìm một giải pháp để họ có được sinh kế lâu dài và giảm dần sự phụ thuộc, trông chờ vào việc hỗ trợ, giúp đỡ từ bên ngoài. Một công việc ổn định sẽ giúp họ xóa đi những mặc cảm về bệnh tật và vươn lên trong cuộc sống.

Vĩnh Hoàng

Có thể bạn quan tâm