Xã hội

Đời sống

Trăn trở làng tái định cư bên lòng hồ thủy điện Ia Ly

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tự nguyện nhường đất phục vụ xây dựng Nhà máy Thủy điện Ia Ly, người dân 3 làng Kênh, Tum, Jut (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) đồng thuận chuyển từ lòng hồ lên khu vực khác để sinh sống. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và nỗ lực của người dân, cuộc sống dần thay đổi, diện mạo những ngôi làng tái định cư bên dòng Ia Ly từng ngày khởi sắc. Tuy nhiên, cuộc sống của một bộ phận người dân vẫn còn đó những khó khăn.

Vượt khó vươn lên

Đã hơn 30 năm trôi qua kể từ ngày người dân 3 làng Kênh, Tum, Jut bắt đầu rời làng, nhường đất để xây dựng công trình thủy điện Ia Ly. Giờ đây, nối trung tâm xã với 3 làng lòng hồ là con đường nhựa phẳng lì, hai bên là những ngôi nhà kiên cố xen lẫn với nhà sàn bằng gỗ được xây theo kiểu mái Thái khang trang. Thỉnh thoảng tiếng ê a đọc bài của học sinh vọng ra từ ngôi trường rợp bóng cây xanh. Những ngôi làng tái định cư đã “thay da, đổi thịt” với diện mạo tươi mới, ấm no hiện hữu.

Ông Rơ Châm Biểu (bìa trái, làng Jut, xã Ia Phí, huyện Chư Păh) trồng cây ăn quả để tăng thu nhập. Ảnh: Minh Nguyễn

Ông Rơ Châm Biểu (bìa trái, làng Jut, xã Ia Phí, huyện Chư Păh) trồng cây ăn quả để tăng thu nhập. Ảnh: Minh Nguyễn

Tranh thủ trời chiều mát, ông Rơ Châm Biểu (làng Jut) vác cuốc ra vườn đào hố chuẩn bị bón lót phân chuồng cho vườn sầu riêng. Trên diện tích gần 3 sào, đầu năm 2023, con rể ông đã cải tạo đất trồng hơn trăm cây sầu riêng. Đến nay, cây đã bén rễ, cao ngang đầu người, hy vọng vài năm tới sẽ cho thu nhập. Theo ông Biểu, trước năm 1992, gia đình ông cũng như dân làng sống tập trung ở khu vực nay là lòng hồ thủy điện Ia Ly, nơi đất đai bằng phẳng, rộng lớn và khá màu mỡ.

Khi đó, gia đình ông Biểu có tới 2 ha lúa nước và 8 ha rẫy. Tuy không phải là hộ giàu nhưng lương thực lúc nào cũng đầy kho. Đến khi thủy điện chặn dòng, trước viễn cảnh cả vùng đất này hoàn toàn chìm trong biển nước, gia đình ông cũng như 58 hộ dân làng Jut đồng thuận chuyển lên vùng cao sinh sống, nhường đất phục vụ công trình quốc gia. Được Nhà nước đầu tư điện-đường-trường-trạm và hỗ trợ nhà ở tái định cư, cấp 1 ha đất sản xuất, gia đình ông dần thích nghi với cuộc sống tại nơi ở mới. Chuyển dần tập quán canh tác cũ, ông “bắt tay” với cây cà phê, cao su, mì.

Vượt qua những tháng ngày gian khó, người dân 3 làng tái định cư đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Bằng sự cần cù, chịu khó, gia đình anh Rơ Châm Buk đã trở thành hộ có thu nhập cao của làng Jut. Với thu nhập mỗi năm hơn nửa tỷ đồng, không lấy gì ngạc nhiên khi mới đây, anh Buk bỏ ra hơn 1,3 tỷ đồng để xây dựng ngôi nhà khang trang.

“Ngày trước khó khổ lắm, phải đi làm thuê làm mướn mới có gạo để ăn. Nhờ nỗ lực lao động, từ thuê đất trồng mì đến lặn lội lòng hồ đánh bắt thủy sản, vợ chồng tôi đã có cuộc sống khá dần lên. Từ tiền tích góp, vợ chồng tôi mua thêm rẫy trồng cây ăn quả để nâng cao thu nhập”-anh Buk kể.

Tương tự, anh Rơ Châm Huýt (làng Kênh) có thu nhập ổn định từ nghề sửa chữa xe máy, xe công nông; vợ anh buôn bán tạp hóa và các mặt hàng nông sản. Vợ chồng anh còn mua được xe ô tô 7 chỗ với giá gần 500 triệu đồng để phục vụ người dân có nhu cầu đi lại. Anh Huýt đúc kết: “Khi mình không cam chịu phận nghèo thì phải tìm mọi cách để vươn lên. Nếu có quyết tâm, thành công sẽ đến, không chỉ thoát nghèo mà còn có thể tích lũy và làm giàu”.

Nỗi lo thiếu đất sản xuất

Cùng chúng tôi dạo quanh 3 làng, ông Rơ Châm Laoh-Chủ tịch UBND xã Ia Phí-chỉ tay về phía những ngôi nhà xây ngả màu vàng ố cho biết: Đây là những ngôi nhà xây hỗ trợ người dân lúc mới tái định cư, giờ đã xuống cấp. Nhiều hộ có điều kiện thì dựng thêm nhà sàn mới bên cạnh; cũng bởi những ngôi nhà này đã hư hỏng nhiều, sửa chữa rất khó.

Nhờ nỗ lực lao động, gia đình anh Rơ Châm Buk (làng Jut, xã Ia Phí) đã có cuộc sống khấm khá. Ảnh: Minh Nguyễn

Nhờ nỗ lực lao động, gia đình anh Rơ Châm Buk (làng Jut, xã Ia Phí) đã có cuộc sống khấm khá. Ảnh: Minh Nguyễn

Ông Rơ Châm Duih (làng Kênh) cho hay, gần 30 năm qua, vợ chồng ông cùng 4 người con sinh sống trong ngôi nhà được hỗ trợ nhưng hiện nay nhà đã xuống cấp, nhiều vị trí bị dột, tường nứt khắp nơi không đảm bảo cuộc sống. Vì vậy, vợ chồng ông phải dựng thêm ngôi nhà sàn bên cạnh để ở. Tuy nhiên, điều lo lắng nhất của ông Duih không phải chuyện nhà ở.

Ông kể, khi dời về khu tái định cư, gia đình được cấp 1 ha đất sản xuất. Đến khi 3 đứa con lập gia đình, ông chia đất cho con theo phong tục dẫn đến diện tích sản xuất bị thu hẹp. Hiện vợ chồng ông và đứa con út chưa lập gia đình chỉ canh tác 3 sào cà phê, nuôi thêm 5 con trâu, thu nhập mỗi năm khoảng 50 triệu đồng. “Chúng tôi mong muốn Nhà nước hỗ trợ thêm đất sản xuất, nhất là đất trồng lúa để gia đình canh tác, đảm bảo cuộc sống”-ông Duih bày tỏ.

Theo Trưởng thôn Rơ Châm Qiun: Cũng như 2 làng Tum, Jut, người dân làng Kênh vẫn còn nặng tập quán sản xuất và sinh hoạt cũ. Làng Kênh có 149 hộ (763 khẩu) nhưng diện tích đất sản xuất hiện chỉ có 75 ha. Nguồn nước tưới cho cây trồng chủ yếu từ các khe suối chứ chưa có công trình thủy lợi khiến cho phần lớn diện tích cây trồng của người dân thường cho năng suất kém. Mặt khác, đường giao thông, nhất là các tuyến đường nội đồng phục vụ sản xuất bị hư hỏng làm ảnh hưởng đến việc vận chuyển nông sản của bà con.

Cách trung tâm xã Ia Phí khoảng 12 km, 3 làng tái định cư có 335 hộ dân với gần 1.400 khẩu, 100% là đồng bào Jrai. Hiện 3 làng tái định cư lòng hồ vẫn còn 105 hộ nghèo, tình trạng thiếu đói giáp hạt vẫn diễn ra. Điều đó đặt ra cho chính quyền địa phương nhiều thách thức trong công tác xóa đói giảm nghèo.

Chủ tịch UBND xã Ia Phí thông tin: Từ khi đến định cư tại nơi ở mới, cuộc sống bà con 3 làng tái định cư đổi thay hơn trước nhiều, nhưng thu nhập vẫn còn thấp. Đáng nói là hiện nay, xã không còn quỹ đất sản xuất để giải quyết cho người dân. Do vậy, thời gian tới, xã sẽ vận dụng nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó ưu tiên hỗ trợ bò giống và công cụ sản xuất, các loại giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao để bà con cải thiện sinh kế.

Cùng với đó, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân phát triển các mô hình kinh tế phù hợp; đồng thời phối hợp mở các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, tiếp tục ưu tiên đưa các chương trình, dự án giảm nghèo triển khai tại làng để bà con từng bước vươn lên thoát nghèo.

Có thể bạn quan tâm