(GLO)- Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên sau ngày khai giảng năm học 2021-2022, tại nhiều địa phương, trẻ vẫn chưa thể đến trường. Tuy nhiên, không khí dạy và học lại đang sôi nổi trên các diễn đàn giáo dục với việc dạy học trực tuyến. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đây là phương án “thay thế dạy học trực tiếp”, giúp các cơ sở giáo dục phổ thông “nâng cao chất lượng dạy học và hoàn thành chương trình giáo dục”.
Trong bối cảnh hiện nay, việc dạy học trực tuyến được nhiều địa phương lựa chọn để đảm bảo yêu cầu của công tác phòng-chống dịch. Giáo viên, học sinh tương tác với nhau trên “lớp học ảo”, không tiếp xúc trực tiếp. Phụ huynh không mất thời gian đưa đón, không lo lắng nhiều về nguy cơ lây bệnh. Hình thức dạy học này cũng giúp nhà trường dễ dàng “hoàn thành chương trình giáo dục” trong năm, thực hiện đúng chủ trương “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”.
Cô Lê Thị Trung Anh (giáo viên Trường THCS Phạm Hồng Thái, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) soạn giáo án điện tử cho bài dạy môn Hóa học. Ảnh: Mộc Trà |
Dạy học trực tuyến đem đến tính tích cực cho người dạy: phải biết sử dụng công nghệ, thay đổi cách thức tổ chức lớp học và cung cấp tài liệu cho học sinh. Có như thế mới thu hút, quản lý được học sinh, đảm bảo chất lượng học tập trên “lớp học ảo”. Vì vậy, người dạy phải đầu tư cho thích đáng. Từ đó tạo nên sự chuyển đổi “kỹ năng số” cho giáo viên.
Với học sinh, học trực tuyến cũng mang lại rất nhiều lợi ích. Bên cạnh việc nâng cao năng lực tự học, thích nghi với hoàn cảnh, các em còn rèn luyện tính tự chủ, ý thức trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng trực tuyến. Đây là dịp để các em trải nghiệm các ứng dụng công nghệ nhằm tiếp thu tri thức, biết cách áp dụng vào thực tiễn, phát huy năng lực sáng tạo. Vì thế, những học sinh có tinh thần tự chủ cao sẽ học tốt với hình thức này.
Như vậy, có thể nói, dạy học trực tuyến đem đến nhiều thay đổi cho người dạy, người học, từ đó “nâng cao chất lượng dạy học”, tăng khả năng hội nhập với thế giới. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, liệu hình thức này có đạt hiệu quả như mong muốn?
Không phải ngẫu nhiên mà việc dạy học trực tuyến đang làm nóng dư luận hiện nay, đặc biệt ở những tỉnh, thành đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Người dân đang gồng mình chống dịch, có gia đình chịu nhiều mất mát, đau thương, cuộc sống khó khăn trong giãn cách. Mà muốn học trực tuyến thì phải có phương tiện kết nối internet, máy vi tính, điện thoại thông minh... Nếu nhà có hai con cùng học trở lên thì càng khó khăn hơn.
Tuy dạy học trực tuyến đã được thực hiện trong những đợt giãn cách xã hội ở năm học trước, nhưng không hẳn giáo viên nào cũng thành thạo. Bởi phần lớn họ tự mày mò, chưa qua các lớp đào tạo công nghệ, trừ lực lượng giáo viên Tin học. Mặt khác, dạy học trực tuyến phải có chương trình, nội dung, giáo án phù hợp, không thể để nguyên như trong dạy học trực tiếp. Vì thế, sau tiết dạy, nhiều giáo viên cảm thấy chưa thực sự hài lòng với giờ dạy của mình.
Dạy học thì phải có sự phối hợp, tương tác giữa giáo viên với học sinh. Thầy cô có chuẩn bị chu đáo đến đâu mà học sinh chưa sẵn sàng, không tích cực tham gia vào “lớp học ảo” thì hiệu quả rất thấp. Học sinh là chủ thể của việc học, quyết định phần lớn chất lượng tiết học. Thầy-cô giáo có nhiệt tình giảng mà học sinh lơ là thì cũng chỉ để tự nói, tự nghe. Ở đây, quyền hạn của giáo viên không như dạy trực tiếp trên lớp, không thể tác động ngay đến những trường hợp thụ động trong học tập mà phải nhờ khâu trung gian là phụ huynh. Đó là một hạn chế không dễ khắc phục!
Khi năm học mới bắt đầu, dư luận còn đặc biệt quan tâm đến việc áp dụng hình thức dạy học này cho học sinh lớp 1 ở các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Đây là bài toán chất lượng giáo dục khá hóc búa cho giáo viên tiểu học. Dạy học trực tiếp đối với trẻ lớp 1 đã vất vả, dạy học trực tuyến lại càng gian nan. Mà đây là lớp rất quan trọng vì tất cả việc học chính thức mới bắt đầu với một đứa trẻ. Học trực tuyến phải có phụ huynh kèm cặp, hướng dẫn. Thế nhưng, đâu phải phụ huynh nào cũng có thời gian “đeo bám” thời khóa biểu để học cùng con. Mà nếu có, chưa chắc ai cũng biết hướng dẫn con tập viết, đánh vần cho đúng. Không khéo, đến khi tới trường, giáo viên phải mất nhiều thời gian để uốn nắn, dạy lại! Bên cạnh đó, việc làm này còn kéo theo hệ lụy về sức khỏe, vì trẻ thường dán mắt vào màn hình vi tính, điện thoại.
Vẫn biết rằng việc dạy học trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh là giải pháp tình thế. Nhưng năm học mới cũng chỉ vừa bắt đầu, có lẽ chưa đến mức gấp gáp phải sử dụng giải pháp đó. Chúng ta có thể lùi thời gian năm học vì phía trước còn đến 3 tháng hè. Nếu bất khả kháng, cứ phải dạy trực tuyến thì chỉ nên thực hiện ở bậc THCS và THPT. Đó chính là nỗi trăn trở của phụ huynh và những ai quan tâm đến chất lượng giáo dục.
PHAN VĂN THIÊN