Bạn đọc

Trăn trở với giống lúa tám thơm Sơ Pai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ giống lúa tám thơm nổi tiếng của vùng quê Nam Định, sau hành trình dài theo chân người bén duyên với dải đất cao nguyên, một cái tên mới ra đời nơi quê hương mới: gạo tám thơm Sơ Pai. “Danh bất hư truyền”, giữa điệp trùng rừng núi Kbang, nơi cây lúa không dễ được người ta lưu tâm bởi “lép vế” giữa vô vàn loài cây trồng có giá trị cạnh tranh khác, hương lúa tám thơm vẫn bay xa, vẫn đủ sức làm nên một thương hiệu.

Từ châu thổ sông hồng lên Tây Nguyên

Gạo tám thơm Hải Hậu đến với vùng đất Sơ Pai là nhờ những người con vùng đất Nam Định đem theo trên hành trình đến với vùng đất mới. Năm 1990, gia đình ông Trần Văn Thịnh vào lập nghiệp tại thôn 3, xã Sơ Pai. “Ở  ngoài Bắc khi ấy quá khó khăn, con cái lại đông nên khi Nhà nước có chính sách vận động đi kinh tế mới ở Tây Nguyên, vợ chồng tôi đồng ý ngay”-ông Thịnh kể lại.

 

Cánh đồng lúa xanh ngắt ở Sơ Pai. Ảnh: L.H
Cánh đồng lúa xanh ngắt ở Sơ Pai. Ảnh: L.H

Quê gốc ông Thịnh ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, nơi con sông Hồng đã ở gần cuối hành trình ra biển. Phù sa sông Hồng bồi đắp vùng đất Vụ Bản, Hải Hậu thành những cánh đồng lúa phì nhiêu thẳng cánh cò bay. Chất đất, hương trời vùng đất cuối sông sản sinh giống lúa tám thơm Hải Hậu nổi tiếng trong Nam, ngoài Bắc. Hạt gạo quý ấy chinh phục mọi người nhờ hương vị thơm ngon, dẻo ngọt đậm đà. “Thời ấy khó khăn, quê nhà có cây gì, con gì làm giống cũng đem đi để canh tác trên vùng đất mới. Trong số vốn giắt lưng để đi vào Tây Nguyên lập nghiệp, vợ chồng tôi có hơn chục kg lúa giống tám thơm Hải Hậu”-ông Thịnh kể. Và rồi, trên những thửa ruộng được tạo nên dưới chân những ngọn đồi ở Sơ Pai, giống lúa tám thơm vẫn sinh trưởng và phát triển tốt. “Gạo vẫn thơm ngon chẳng kém khi trồng ở ngoài Bắc. Ở miền Bắc, giống lúa tám thơm trồng 2 vụ trong năm, mỗi vụ 6 tháng. Vào Sơ Pai, lúa có thời gian sinh trưởng ngắn hơn”-ông Thịnh nói.

Là giống lúa đặc sản nhưng tám thơm Sơ Pai không khó trồng, chỉ có điều thân lúa cao hơn so với các giống lúa thông thường nên dễ bị gãy đổ. Năng suất lúa khá cao, trung bình 7-8 tấn/ha. “Trước đây, người dân còn gieo trồng một loại lúa tám thơm khác nữa gọi là tám cao. Sở dĩ có tên gọi như vậy bởi giống lúa này có thân khá cao, chất lượng gạo rất ngon nhưng năng suất thấp, hay đổ ngã nên người dân dần hạn chế canh tác”-ông Thịnh cho biết thêm.

Trăn trở hành trình tìm “hạt gạo làng ta”

“Hữu xạ tự nhiên hương”, từ vùng đồi núi Sơ Pai, hương gạo tám thơm bay xa đến với những vùng đất khác. Khách đến Kbang, các nhà hàng, quán ăn thường giới thiệu món gạo đặc sản tám thơm Sơ Pai. Có người khi đã quen với gạo tám thơm Sơ Pai thì không còn hứng thú với các loại cơm gạo khác nữa… Nói như chị Nguyễn Thị Trinh (đường Hồ Tùng Mậu, TP. Pleiku): “Chỉ cần một ngày lỡ hết gạo tám thơm Sơ Pai, phải thay thế gạo khác dù đắt tiền hơn cũng cảm thấy mất ngon rồi!”.

Theo thống kê của UBND xã Sơ Pai, tổng diện tích lúa nước trên địa bàn khoảng 160 ha. Trong đó, diện tích lúa tám thơm, lai tám thơm, bắc thơm… vào khoảng 130 ha. Ông Nguyễn Mạnh Tuyển-Chủ tịch UBND xã Sơ Pai, chia sẻ: “Gạo tám thơm Sơ Pai ngon không thua kém gạo tám thơm Hải Hậu. Chỉ cần ngang ruộng lúa cũng đã nghe hương lúa lan tỏa. Khi nấu cơm, mùi thơm từ gạo tỏa ra khắp nhà. Cũng vì thế mà so với các loại gạo khác, gạo tám thơm Sơ Pai luôn có giá cao hơn 15-20%. Vậy nhưng, do quá trình thoái hóa qua nhiều năm canh tác và đặc biệt là bởi canh tác xen lẫn, giống lúa tám thơm đã dần bị lai tạp với các giống lúa khác”.

Theo ông Tuyển, những năm qua, xã Sơ Pai rất nỗ lực xây dựng thương hiệu “Gạo tám thơm Sơ Pai”. “Năm 2014, chúng tôi có ý định thành lập hợp tác xã nông nghiệp để sản xuất, khôi phục giống lúa tám thơm truyền thống. Tuy nhiên, việc tìm được bộ giống chuẩn sở hữu các gen quý của giống lúa bây giờ gần như không thể, bởi đã bị lai tạp. Bản thân tôi từng lặn lội về tận Nam Định để tìm nguồn giống thuần chủng nhưng không tìm đâu ra, dù chỉ một lượng nhỏ”-ông Tuyển ngậm ngùi.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm