Bạn đọc

Tranh chấp tài sản vì không có di chúc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cho rằng có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản và có sự bao che của chính quyền địa phương trong việc tranh chấp di sản thừa kế của gia đình mình, bà Lê Thị Chung (SN 1957, tạm trú tại 126 Hùng Vương, thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông) liên tục khiếu kiện đến các cấp ngành địa phương và có đơn kiến nghị gửi Báo Gia Lai.
 

Bà Lê Thị Chung. Ảnh: N.N
Bà Lê Thị Chung. Ảnh: N.N

Theo lời kể của bà Lê Thị Chung, bà là vợ cả của ông L.C. (đã chết), có với nhau 3 con chung, sau đó ly hôn. Ông L.C. cưới vợ hai và có 1 con trai. Do làm ăn thua lỗ và bị phá sản, ông L.C. vào xã Ia Piơr, huyện Chư Prông lập nghiệp. Năm 2007 ông C. đột tử, không để lại di chúc, gia đình lại ở xa nên nhà và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đứng tên ông L.C. đã được bà C.T.X. là người đến ở và chăm sóc ông L.C. lúc đau ốm trông coi và cất giữ. Năm 2009, chưa được sự đồng ý của các con ông C. nhưng không hiểu bằng cách nào mà bà C.T.X. đã sang tên mảnh đất của ông L.C. sang tên mình và được cấp GCNQSDĐ toàn bộ mảnh đất của ông C. Được tin, con gái ông C. khiếu nại về vấn đề này và sau đó UBND huyện Chư Prông đã ra quyết định thu hồi và hủy bỏ GCNQSDĐ đứng tên bà C.T.X.

Sau đó, được sự ủy quyền của các con, bà Lê Thị Chung làm đơn xin cấp GCNQSDĐ trên mảnh đất này. Tuy nhiên, do đất đang có tranh chấp nên việc cấp GCNQSDĐ tạm thời chưa được giải quyết. Cho rằng địa phương cấp GCNQSDĐ cho bà C.T.X. là sai, nay lại tiếp tục không cấp GCNQSDĐ cho người thừa kế hợp pháp mà lại hướng dẫn lòng vòng gây mất thời gian, công sức và tốn kém chi phí đi lại nên bà Lê Thị Chung tiếp tục khiếu nại về vấn đề này.

Xung quanh việc khiếu nại của bà Lê Thị Chung, Phó Chánh Thanh tra huyện Chư Prông-bà Nguyễn Thị Hạnh thông tin: Năm 1999, ông L.C. vào Ia Piơr làm ăn sinh sống và có sống chung với bà C.T.X, không đăng ký kết hôn và không có con chung. Trước đó, ông C. có vợ cả nhưng đã ly hôn là bà Lê Thị Chung, có 3 con chung, sau đó có vợ hai và có với nhau một con chung. Trong quá trình sinh sống với bà X., ông C. có mua một mảnh đất 120 m2 và đã được cấp GCNQSDĐ mang tên mình. Tuy nhiên trên sổ đăng ký địa chính của huyện thì lại đứng tên bà C.T.X.  Từ năm 2001 đến năm 2007, bà X. và ông C. có mua thêm một mảnh đất, nâng tổng diện tích đất đang sử dụng lên 445,5 m2 và phần đất tăng thêm chưa làm GCNQSDĐ. Năm 2007, ông C. chết không để lại di chúc. Năm 2009, có đoàn đo đạc của tỉnh về, bà X. kê khai về toàn bộ diện tích đất trên, xin cấp GCNQSDĐ và được UBND huyện Chư Prông cấp giấy chứng nhận năm 2009.

 

Theo Bộ luật Dân sự năm 2005, trường hợp một người khi chết không để lại di chúc thì áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật để phân chia tài sản của người đó. Tài sản của người chết để lại cho những người còn sống được gọi là di sản, bao gồm tài sản riêng của người chết và phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.


Những người thừa kế theo pháp luật được xác định dựa trên 3 mối quan hệ với người chết là quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân và quan hệ nuôi dưỡng. Do phạm vi những người thừa kế rất rộng nên pháp luật quy định thành nhiều hàng thừa kế, quy định tại Điều 676 Bộ luật Dân sự.


Trong đó hàng thừa kế thứ nhất là những người có quan hệ gần gũi nhất, bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

“Về sau, bà Lê Thị Chung được sự ủy quyền của các con đã khiếu nại về việc cấp GCNQSDĐ cho bà X. UBND huyện cử đoàn đi xác minh và thấy rằng việc cấp GCNQSDĐ cho bà X. là sai nên đã có quyết định thu hồi và hủy GCNQSDĐ đã cấp cho bà X.  Bà X. cũng đã chấp hành quyết định trên và nộp lại GCNQSDĐ. Bà Chung xin cấp lại GCNQSDĐ trên mảnh đất nhưng do đất đang có tranh chấp nên chưa thể tiến hành cấp theo quy định. Về việc giải quyết đơn thư của bà Lê Thị Chung, Huyện ủy rất quan tâm, chỉ đạo làm rõ vấn đề. Các ngành chức năng cũng đã tổ chức 2 buổi làm việc với bà Chung và các bên liên quan, với sự tham gia của các ban ngành cấp huyện và cũng đã hướng dẫn bà Lê Thị Chung nộp đơn lên Tòa án để được giải quyết theo quy định của pháp luật. Sau khi có quyết định phân chia tài sản của Tòa án thì trên cơ sở đó huyện sẽ tiến hành cấp GCNQSDĐ theo đúng quy định”-Phó Chánh Thanh tra huyện Chư Prông cho biết.

Trong Công văn số 307/UBND-NC ngày 11-4-2016 về việc hướng dẫn công dân gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền gửi bà Lê Thị Chung có nêu rõ: “Trong thời gian qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện nhận được các đơn thư của bà yêu cầu giải quyết việc thừa kế tài sản và cấp lại GCNQSDĐ… Sau khi chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hồ sơ vụ việc, UBND huyện nhận thấy nội dung đơn của bà là tranh chấp về quyền sở hữu và quyền thừa kế tài sản giữa bà C.T.X. và các con của ông L.C. Như vậy, căn cứ quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai năm 2013, Luật Khiếu nại năm 2011 thì vụ việc này không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện mà thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện Chư Prông. UBND huyện đề nghị bà Lê Thị Chung gửi đơn đến Tòa án nhân dân huyện Chư Prông để được giải quyết theo đúng thẩm quyền”.

 Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm