Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Tranh của Nguyễn Phan Chánh được định giá gần 25 tỷ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bức "Người hát dân ca" được đánh giá là tác phẩm hội họa quan trọng nhất của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh từng được tung ra thị trường. Tranh được định giá 600.000-900.000 euro (khoảng 6,5-24,7 tỷ đồng), lên sàn đấu giá ở Paris vào giữa tháng 6. 

Phiên đấu giá Arts d'Asie của Sotheby's được tổ chức vào 14/6 tại Pháp giới thiệu nhiều bức tranh, đồ gốm, tác phẩm điêu khắc nổi tiếng châu Á.

Nhà đấu giá giới thiệu, điểm nhấn của phiên này là bức Les Chanteuses de campagne (Người hát dân ca) của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh. Tranh được định giá 600.000-900.000 euro (khoảng 6,5-24,7 tỷ đồng).

Bức họa thể hiện một cách độc đáo phương pháp tạo hình hàn lâm phương Tây, giao thoa với họa pháp tranh lụa phương Đông.

Người hát dân ca được Nguyễn Phan Chánh thực hiện bằng sơn dầu trên toàn khổ lớn với kích thước 90.5x102.5 cm. Ông hoàn thiện tác phẩm vào năm 1930 - đúng thời điểm họa sĩ tốt nghiệp khóa đầu tiên của trường Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội.

Tranh của Nguyễn Phan Chánh được định giá hàng chục tỷ đồng.

Tranh của Nguyễn Phan Chánh được định giá hàng chục tỷ đồng.

Ngay từ sớm, Nguyễn Phan Chánh đã chọn cho mình lối đi riêng với những chủ đề người lao động và làng quê giản dị, mang đậm tinh thần nông thôn miền Bắc.

Với tông nâu trầm đặc trưng của Nguyễn Phan Chánh, bức Người hát dân ca vẽ hai cô gái ngồi đối diện nhau, đội nón quai thao, cầm quạt, bận áo nâu quần lĩnh, đi chân đất.

Bức tranh có lai lịch khá đặc biệt, ban đầu chỉ được biết đến qua các hồ sơ lưu trữ, một số triển lãm ở Hà Nội năm 1930 và Paris năm 1931. Đầu năm 1931, các tác phẩm của sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương được chuyển đến Pháp, trưng bày trong cuộc đấu xảo.

Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh là người mở đường và nâng tầm tranh lụa Việt Nam.

Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh là người mở đường và nâng tầm tranh lụa Việt Nam.

Hầu hết tranh của Nguyễn Phan Chánh đều được các nhà sưu tập chọn mua. Bức Người hát dân ca được một cặp vợ chồng bác sĩ mua và truyền cho thế hệ sau. Gần đây, tranh được phát hiện tại nhà một người cháu của cặp bác sĩ, ở vùng nông thôn Pháp. Nhà đấu giá nhận định đây là tác phẩm quan trọng nhất của ông từng được tung ra thị trường.

Trước khi được gửi đi Pháp, tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh được triển lãm tại phòng trưng bày của trường Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội. Trong bức ảnh tư liệu, bức tranh được bày cùng Chân dung cô Phượng của danh họa Mai Trung Thứ - đang giữ kỷ lục tác phẩm Việt có giá gõ búa cao nhất lịch sử.

Giám tuyển mỹ thuật Ace Lê - Giám đốc điều hành thị trường Việt Nam của Sotheby’s - khẳng định việc giới thiệu tác phẩm Người hát dân ca có thể coi là một trong những phát hiện quan trọng nhất với mỹ thuật Đông Dương nói chung và Nguyễn Phan Chánh nói riêng.

Ảnh chụp họa sĩ Nguyễn Phan Chánh năm 1964.

Ảnh chụp họa sĩ Nguyễn Phan Chánh năm 1964.

"Với những giao thoa Đông - Tây về cả kỹ thuật và tư tưởng, đây có thể coi là một trong những kiệt tác hiếm có, góp phần sớm định hình Nguyễn Phan Chánh như một tên tuổi tiên phong đặt nền móng cho mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Hy vọng sau gần một thế kỷ ở nơi đất khách, kiệt tác quan trọng này được hồi hương", anh Ace Lê nói.

Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh sinh năm 1892, mất năm 1984. Hình ảnh về miền quê nghèo và cuộc sống nông thôn Việt Nam in dấu trong tâm trí của Nguyễn Phan Chánh, để rồi sau này trở thành một "nỗi ám ảnh nghệ thuật", thấm đẫm trong tất cả sáng tác của ông. Với những đóng góp to lớn và mang tính tiên phong trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, năm 1996, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Có thể bạn quan tâm