Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Điều này được ví như một cuộc “ngược dòng” của di sản để trở lại đúng với nơi chúng phải thuộc về.

Thông tin trên càng trở nên ý nghĩa khi 2025 là năm kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của họa sĩ Xu Man-người con của núi rừng, cánh chim đầu đàn của mỹ thuật Tây Nguyên.

“Trả tác phẩm về nơi xứng đáng”

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn (Bảo tàng tỉnh), người thực hiện hồ sơ Di tích lịch sử “Nhà ở của họa sĩ Xu Man tại làng Plei Bông, xã Ayun, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai” cho biết: Sinh thời, họa sĩ Xu Man vẽ rất nhiều nhưng không nhớ chính xác số lượng tranh đã sáng tác. Hiện nay, gia đình ông cũng không còn lưu giữ tác phẩm nào, ngoại trừ tại trụ sở UBND xã Ayun còn treo 2 bức tranh khổ lớn. Phần lớn tác phẩm đã được các bảo tàng, cá nhân trong và ngoài nước sưu tập.

“Theo thống kê của chúng tôi, trước tháng 9-2024, có 3 bảo tàng ở Việt Nam sưu tập và trưng bày số lượng tương đối lớn tác phẩm của Xu Man là: Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (48 tranh), Bảo tàng tỉnh Gia Lai (20 tranh), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (16 tranh)”-Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn thông tin.

1-4869.jpg
Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tháng 9-2024, Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã quyết định trao tặng 32 bức tranh của họa sĩ Xu Man cho Bảo tàng tỉnh, trong số này có 14 bức sơn dầu và 18 bức màu nước. Trò chuyện cùng P.V, bà Lê Thị Minh Loan-Chánh Văn phòng Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh-cho hay: Bà biết đến danh tiếng của họa sĩ Xu Man từ lâu qua tình cảm của người em kết nghĩa là họa sĩ Huỳnh Văn Thuận-nguyên Cục trưởng Cục Mỹ thuật (Bộ Văn hóa-Thông tin, nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch), tuy nhiên, do ở xa nên chưa có điều kiện gặp gỡ.

Những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, nhân dịp công tác ở Gia Lai, bà và Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã cùng đến thăm họa sĩ Xu Man tại Plei Bông. Nhằm giới thiệu và tôn vinh tác giả người Jrai đã góp phần làm rạng danh vùng đất Tây Nguyên, họ bàn nhau tìm cách hỗ trợ họa sĩ Xu Man tổ chức triển lãm cá nhân lần đầu tiên một cách trang trọng.

ba-minh-loan-va-hoa-si-siu-quy-hoi-my-thuat-tp-ho-chi-minh-tang-lai-tranh-cua-hoa-si-xu-man-cho-bao-tang-tinh-gia-lai-anh-luu-hong-son.jpg
Bà Minh Loan và họa sĩ Siu Quý (Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh) tặng lại tranh của họa sĩ Xu Man cho Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Ảnh: Lưu Hồng Sơn

Năm 2000, họa sĩ Xu Man được Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Quỹ Trao đổi và phát triển văn hóa Đan Mạch-Việt Nam tài trợ kinh phí tổ chức triển lãm cá nhân tại TP. Hồ Chí Minh. Sau triển lãm, tranh của ông được nhiều người biết đến; nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tìm đến sưu tầm. Kết thúc triển lãm, số tác phẩm còn lại được họa sĩ Xu Man tặng cho Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.

“Chúng tôi vẫn mong có dịp trả số tác phẩm này về đúng vị trí để được trưng bày ở nơi xứng đáng, qua đó lan tỏa tình yêu nghệ thuật của ông đến đồng nghiệp và công chúng. Đầu tháng 9-2024, Hội có chuyến thực tế sáng tác tại Gia Lai thì tình cờ nghe được câu chuyện Bảo tàng tỉnh Gia Lai từng tổ chức triển lãm tranh của họa sĩ Xu Man nhưng chỉ có 20 bức là tranh gốc, số còn lại phải đi mượn và in lại. Do đó, Hội quyết định tặng lại 32 tranh cho Bảo tàng tỉnh Gia Lai để lưu giữ và trưng bày”-bà Loan bộc bạch.

Từ TP. Hồ Chí Minh, họa sĩ Nguyễn Văn Quý-Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cũng kể lại đầy xúc động: “Nghệ danh của tôi là Siu Quý, trong đó, họ Siu chính là lấy theo họ bác Siu Dơng (tên thật của họa sĩ Xu Man) bởi tôi xem bác như người cha, người thầy đầu tiên”.

Họa sĩ Nguyễn Văn Quý cho hay: Ngày còn là cậu học trò mê vẽ, ông từng nhiều lần đạp xe từ TP. Pleiku xuống Plei Bông để được xem họa sĩ Xu Man vẽ tranh. Hình ảnh con đường đất đỏ, mái nhà rông và khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp đi vào tranh họa sĩ của buôn làng một cách vô cùng tự nhiên khiến ông choáng ngợp. Đặc biệt, những bức lấy Chủ tịch Hồ Chí Minh làm cảm hứng, họa sĩ Xu Man luôn luôn vẽ chân dung Bác trước, sau đó mới bắt đầu vẽ các chi tiết còn lại.

Trân trọng di sản của người thầy đặc biệt này nên khi trao được 32 bức tranh về đúng nơi, ông thấy vô cùng hạnh phúc. Lo lắng 2 mùa mưa nắng của Tây Nguyên sẽ tác động tiêu cực đến công tác bảo quản, ông đã trao đổi thông tin kỹ lưỡng; đồng thời khẳng định sẽ mời chuyên gia về tư vấn thêm cho cán bộ, nhân viên Bảo tàng tỉnh trong lĩnh vực trên.

Phát huy giá trị di sản

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn thông tin: Trong toàn bộ sự nghiệp của mình, họa sĩ Xu Man đã sáng tác một số lượng lớn tranh, thuộc nhiều thể loại và đề tài. Nếu chỉ tính riêng các tác phẩm được sưu tập và trưng bày tại các bảo tàng trong nước và tại UBND xã Ayun, Bảo tàng tỉnh thống kê được 120 bức, gồm: sơn dầu 48 bức, màu nước 58 bức, sơn khắc 5 bức, bột màu 5 bức, sơn mài 2 bức, bút dạ 1 bức, sáp màu 1 bức.

“Con số này không lớn nhưng với sự đa dạng về chất liệu, chủ đề mà số tác phẩm này thể hiện, chúng ta cũng có thể hình dung được một cách tương đối đầy đủ những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ trong tranh của họa sĩ Xu Man”-Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn nói.

Cũng theo nghiên cứu của Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn, về chất liệu và thể loại, họa sĩ Xu Man vẽ chủ yếu bằng sơn dầu (sơn trên vải, ván ép) và màu nước (trên giấy). Về chủ đề, họa sĩ Xu Man theo 2 khuynh hướng, cảm hứng sáng tác lớn là Bác Hồ với Tây Nguyên và đời sống, sinh hoạt văn hóa truyền thống của cư dân bản địa, chủ yếu theo phong cách tả thực.

Vì vậy, xem tranh của họa sĩ Xu Man có thể hiểu sâu về văn hóa và thẩm mỹ của người Gia Lai nói riêng, đồng bào Tây Nguyên nói chung trong các không gian văn hóa và giai đoạn lịch sử khác nhau, từ thời kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ, thống nhất đất nước, bao cấp, đổi mới và hòa nhập cùng thế giới.

tac-pham-bac-ho-voi-tay-nguyen-cua-hoa-si-xu-man.jpg
Tác phẩm "Bác Hồ với Tây Nguyên" của họa sĩ Xu Man. Ảnh: P.D

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn nhận định: “Họa sĩ Xu Man là hình tượng tiêu biểu không chỉ đối với Gia Lai mà còn với cả nước. Những đóng góp của ông trong lĩnh vực nghệ thuật đã được Nhà nước và Nhân dân khẳng định thông qua các giải thưởng, đánh giá cụ thể.

Tác phẩm của ông đã có mặt tại những bảo tàng mỹ thuật danh tiếng nhất Việt Nam, được các nhà chuyên môn công nhận giá trị và ảnh hưởng. Ông là họa sĩ người dân tộc thiểu số đầu tiên ở Tây Nguyên vẽ Bác Hồ, là người đầu tiên ở vùng đất này được vinh dự trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012”.

Trao đổi với P.V, ông Lê Thanh Tuấn-Giám đốc Bảo tàng tỉnh-thông tin: Sau khi được trao tặng 32 bức tranh, đơn vị đang sở hữu số lượng tranh của họa sĩ Xu Man nhiều nhất. Chúng tôi rất phấn khởi và trân trọng tình cảm của Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của họa sĩ Xu Man, chúng tôi sẽ phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và UBND huyện Mang Yang tổ chức triển lãm chuyên đề nhằm giới thiệu rộng rãi đến công chúng các tác phẩm này.

Có thể bạn quan tâm