Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Trao đổi: Chép sử và sử chép

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ghi chép, biên soạn sách, tài liệu lịch sử là công việc cao quý. Người đảm đương trọng trách này không chỉ cần cẩn trọng, khách quan mà còn phải trung thực. Bài viết này nêu một hiện tượng ít trung thực trong hoạt động nghiên cứu, sưu tầm và biên soạn lịch sử địa phương.

Tôi đang có trong tay 3 cuốn sách: “Lịch sử truyền thống cách mạng phường Đoàn Kết (1945-2015)” in năm 2016 (viết tắt là LS phường Đoàn Kết), “Lịch sử truyền thống cách mạng xã Ia Rtô (1945-2015)” in năm 2018 (LS xã Ia Rtô) và “Lịch sử truyền thống cách mạng phường Sông Bờ (1945-2019)” in năm 2020 (LS phường Sông Bờ). Các sách trên đều thuộc Đảng bộ thị xã Ayun Pa, được 3 nhóm tác giả (mỗi nhóm từ 3 đến 5 người) biên soạn; cả 3 công trình đều do ông Trần Đình Lê làm chủ biên và cùng được cấp phép in bởi Nhà xuất bản Chính trị quốc gia.

Đọc qua một số phần, điều khiến tôi ngạc nhiên là 3 cuốn sách này có những phần giống nhau đến mức khó phân biệt được cuốn nào viết trước, cuốn nào viết sau, ai “tham khảo” ai. Xin nêu một vài ví dụ:

Nhiều đoạn trong phần viết về đặc điểm văn hóa và truyền thống yêu nước chống ngoại xâm (hoặc truyền thống đấu tranh cách mạng) của LS phường Đoàn Kết (từ trang 24 đến trang 38), LS xã Ia Rtô (trang 23-43), LS phường Sông Bờ (trang 22-35) có không nhiều sự khác nhau cả về nội dung lẫn hình thức, trừ việc thay đổi các địa danh hoặc một vài chi tiết liên quan cho phù hợp với địa phương cấp xã được đề cập.

Ba cuốn sách có nhiều phần giống nhau. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ



Chẳng hạn, LS phường Đoàn Kết viết: “Nằm trên vùng văn hóa cổ của Tây Nguyên, văn hóa bản địa của dân tộc Giarai vùng Ayun Pa nói chung và phường Đoàn Kết nói riêng mang đậm nét văn hóa cao nguyên với những bản sắc riêng. Trong quá trình phát triển và giao lưu, văn hóa Ayun Pa-phường Đoàn Kết có sự hòa nhập văn hóa của các vùng miền trong cả nước, tạo nên sự đa dạng phong phú.

Văn hóa bản địa Ayun Pa-phường Đoàn Kết thể hiện qua văn hóa, vật thể và phi vật thể…”.

Lịch sử xã Ia Rtô và LS phường Sông Bờ cũng diễn đạt tương tự như trên nhưng đổi phường Đoàn Kết thành xã Ia Rtô, phường Sông Bờ.

Vẫn theo cách “thay tên đổi chủ” này, một số đoạn khác trong LS phường Đoàn Kết cũng được lặp lại ở LS xã Ia Rtô và LS phường Sông Bờ. Chẳng hạn: “Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Giarai Ayun Pa nói chung và phường Đoàn Kết nói riêng rất phong phú, đa dạng. Văn hóa nghệ thuật dân gian với các loại hình như truyện cổ, dân ca, kể khan (Hri), cồng chiêng…”.

Vì viết khá giống nhau nên một sách sai, không trích dẫn thì các sách còn lại cũng rơi vào tình trạng tương tự. Trang 29 và 30, LS phường Đoàn Kết nhiều lần nhắc đến tên “viên lãnh binh người Pháp tên là Odhendal”, trong sự kiện ngày 7-4-1904. Thực ra, tên của nhân vật này là Prosper Odendhal. Lịch sử xã Ia Rtô (trang 27, 28, 33) viết sai giống như đã nêu. Trong khi đó, LS phường Sông Bờ (trang 29, 31) cũng diễn đạt không khác 2 cuốn sử in trước ở đoạn này, đồng thời ghi tên người Pháp này thành Olhendal.

Nhiều người đã quen với cách viết Pơtao Apui (Vua Lửa). Tuy nhiên, chưa hiểu vì sao, cả 3 cuốn sách đang dẫn ở trên đều sửa Pơtao Apui thành Pơtau Apui. Cũng cần nhắc lại là khá nhiều phần nội dung của các sách đã nêu sử dụng tài liệu nhưng không dẫn nguồn. Cùng với đó, sự kiện lấy từ tiểu thuyết (hư cấu) “Bình minh Cheo Reo” để sử dụng trong lịch sử Đảng bộ cấp xã cũng là một chi tiết gây ngạc nhiên đáng kể cho độc giả.

Rất dễ nhận ra nhiều đoạn giống nhau trong 3 cuốn lịch sử nêu trên nhưng do khuôn khổ bài báo, người viết không thể trích dẫn hết. Điều đáng nói thêm là có những chi tiết tưởng chừng có thể diễn đạt khác đi (vì chúng ngắn và không hề khó), các tác giả vẫn “tham khảo lẫn nhau”.

Phần kết luận, LS phường Đoàn Kết viết: “Từ thực tiễn phong trào cách mạng và những kết quả đạt được suốt hơn 70 năm qua, Đảng bộ phường Đoàn Kết rút ra những bài học kinh nghiệm sau”. LS xã Ia Rtô và LS phường Sông Bờ cũng sử dụng lại câu này, sau khi sửa mốc thời gian hoặc thêm chữ “Nhân dân” sau chữ “Đảng bộ”.

Thông thường, người soạn sách sau có thể kế thừa, tham khảo các nội dung liên quan từ những công trình xuất bản trước đó, với điều kiện thực hiện trích dẫn đầy đủ. Tuy nhiên, một vài ví dụ trên đây cho thấy 3 cuốn sách lịch sử địa phương đã nêu chưa thực hiện nghiêm túc các thao tác khoa học cơ bản cần thiết, hướng đến sự tôn trọng bạn đọc.

Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18-1-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng” bên cạnh đánh giá thành tựu cũng cho rằng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng còn có những hạn chế. Chất lượng nghiên cứu, biên soạn một số công trình chưa cao. Từ đó, Ban Bí thư yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, tính khách quan, khoa học của các công trình lịch sử Đảng ở các cấp. Trên tinh thần đó, bài viết nhỏ này mong nhận được ý kiến trao đổi của các tác giả sách, những người viết sử địa phương.

 

 NGUYỄN QUANG TUỆ

 

Có thể bạn quan tâm