Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Trao giải Liên hoan Câu lạc bộ Nghệ thuật Bài chòi dân gian tỉnh Bình Định

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)-Sau 3 ngày (30-8 đến 1-9) diễn ra, Liên hoan Câu lạc bộ Nghệ thuật Bài chòi dân gian tỉnh Bình Định mở rộng năm 2022 đã khép lại bằng lễ bế mạc tối 1-9 tại TP. Quy Nhơn.

Theo thông tin từ báo Bình Định: Liên hoan Câu lạc bộ Nghệ thuật Bài chòi dân gian tỉnh Bình Định mở rộng năm 2022 do UBND tỉnh Bình Định tổ chức  quy tụ hơn 250 nghệ nhân, diễn viên, nhạc công đến từ 8 Câu lạc bộ (CLB) bài chòi các huyện, thị xã, thành phố: Quy Nhơn, Tuy Phước, An Nhơn, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn và 5 tỉnh, thành khu vực miền Trung: Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa tham gia.

Ban tổ chức trao giải, giấy khen cho các đoàn nghệ nhân tham gia Liên hoan. Ảnh: NGỌC NHUẬN/Báo Bình Định
Ban tổ chức trao giải, giấy khen cho các đoàn nghệ nhân tham gia Liên hoan. Ảnh: NGỌC NHUẬN/Báo Bình Định

Kết quả, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho CLB bài chòi huyện Tuy Phước; CLB bài chòi TP Quy Nhơn, TX An Nhơn và tỉnh Phú Yên đạt giải Nhì; CLB bài chòi TX Hoài Nhơn, huyện Phù Mỹ và các tỉnh, thành: Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa đồng đạt giải Ba; giải Khuyến khích được trao cho CLB các huyện: Phù Cát, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh. Ngoài ra, UBND tỉnh còn tặng bằng khen cho đoàn nghệ nhân 5 tỉnh: Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa đã có nhiều đóng góp tích cực tại Liên hoan CLB Nghệ thuật bài chòi dân gian tỉnh Bình Định mở rộng năm 2022.

Trong khuôn khổ của liên hoan, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức tọa đàm Bảo vệ và phát huy giá trị di sản Nghệ thuật Bài chòi dân gian tại TP. Quy Nhơn. Đây là lần đầu tiên Liên hoan Câu lạc bộ Nghệ thuật Bài chòi dân gian tỉnh Bình Định mở rộng được tổ chức nhằm vinh danh giá trị di sản bài chòi Trung bộ được UNESCO ghi danh. Đây là dịp đại diện các cơ quan quản lý, nhà nghiên cứu trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản bài chòi dân gian; đồng thời là cơ hội để các nghệ nhân, diễn viên trình diễn, quảng bá di sản nghệ thuật bài chòi dân gian phục vụ người dân Bình Định và du khách.

Liên hoan thu hút đông đảo khán giả đến xem. Ảnh: NGỌC NHUẬN/Báo Bình Định
Liên hoan thu hút đông đảo khán giả đến xem. Ảnh: NGỌC NHUẬN/Báo Bình Định

Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao tỉnh Bình Định, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan-ông Tạ Xuân Chánh đánh giá bên cạnh sự tham gia tích cực của các địa phương có truyền thống, liên hoan chứng kiến sự bứt phá vượt bậc của các địa phương mới hình thành phong trào hát bài chòi. Tham gia hội thi, các đoàn nghệ thuật trình diễn theo từng tiết mục riêng lẻ, ngẫu hứng hoặc theo trình hiệu, trình thẻ, kiểm thẻ, hô mời, rút thẻ hô thai, hát kết, dâng thưởng. Điểm nổi trội là nhiều đội không còn phụ thuộc vào các nghệ nhân cốt lõi đã thành danh của địa phương. Nhiều đội đã mạnh dạn trao cơ hội trình diễn cho những nghệ nhân trẻ, nhờ đó các nghệ nhân trẻ dần trưởng thành theo từng câu hô hát, trình diễn một cách nhuần nhị. Điểm nổi bật của liên hoan là các tiết mục dự thi rất phong phú, đa dạng, có sự sáng tạo. Ca từ thể hiện rõ đặc trưng vùng miền, phản ánh vẻ đẹp của quê hương đất nước.

Theo ông Tạ Xuân Chánh, qua liên hoan lần này, một lần nữa khẳng định, nghệ thuật Bài chòi truyền thống vẫn luôn ở gần bên chúng ta, sâu sát, gắn bó mật thiết với đời sống chúng ta và cũng đặt ra bài toán trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và sáng tạo hơn nữa của đội ngũ nghệ nhân, nghệ sĩ.

QUANG VĂN

 

Có thể bạn quan tâm