Phóng sự - Ký sự

Trên cung đường biên giới, Kỳ 2: Bời bời kỷ niệm Cao Bằng - Mèo Vạc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Cách đây mới hai năm mà tưởng từng như đã lâu (có lẽ do những biến cố của đại dịch COVID mà thời gian hai ba năm qua tưởng như dài đằng đẵng), tra lại thấy đúng ngày 31 tháng 11 năm 2021, tôi cùng một nhóm công tác đi theo đường số 4 lên Cao Bằng.

Tôi không báo nhưng có lẽ do mấy bạn ở Tỉnh Đoàn Cao Bằng tiết lộ nên bạn học lớp cử nhân chính trị ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh với tôi ngày xưa là Hoàng Xuân Ánh vẫn biết và gọi mời tôi cùng đoàn dừng chân ăn bữa trưa. Ánh nay là chủ tịch tỉnh. Khi đã ngồi một lúc rồi anh mới hỏi: “Thế sau đây rồi ông đi đâu?”. Tôi bảo đi Bảo Lạc trao 15 cái laptop (máy tính xách tay) của nhãn bánh Danisa tặng cho các thầy cô giáo huyện ấy dạy học trực tuyến cho các cháu những khi phải cách ly. Ánh bật cười bảo: “Đi cái huyện đa Bảo rồi còn Lạc ấy hả”.

Đó là cái tên Bảo Lạc đã thành giai thoại vui ấy trong chính người Cao Bằng. Ánh bảo “tôi đố ông làm được bài thơ về chuyện đó đấy”.

Trao laptop cho đại diện Phòng Giáo dục huyện Mèo Vạc tại chốt kiểm dịch ngày 1/11/2021. Ảnh: Sĩ Lực

Trao laptop cho đại diện Phòng Giáo dục huyện Mèo Vạc tại chốt kiểm dịch ngày 1/11/2021. Ảnh: Sĩ Lực

Chiều hôm đó, ngồi trên xe tiếp tục theo đường số 4 từ TP Cao Bằng lên huyện Bảo Lạc, nhìn con đường quanh co đầy cua, đầy ngoặt, dốc lên hun hút, núi non hùng vĩ, thung sâu sông lượn, chỗ thì cảnh rờ rỡ núi lam, mây trắng như thác đổ, chỗ thì mờ mịt sương mù giăng giăng che khuất, tầm nhìn không quá dăm bảy mét, tôi nhớ đến lời “thách” của ông bạn quan đầu tỉnh bèn rút điện thoại soạn ra bài vần “Lên Bảo Lạc”: Đường lên Bảo Lạc mù/ “Đã bảo rồi còn lạc”/ Cao Bằng mây trắng thác/ Voan mờ giăng nao nao/ Xe như chim liệng chao/ Dày những cua tay áo/ Nhà ai lưng núi cao/ Ngút ngàn sâu lòng chảo/ Đám cờ lau táo bạo/ Đứng chênh vênh đỉnh đèo/ Những nương ngô thay áo/ Chuyển vàng đang chào theo/ Chiều nay vượt dốc đèo/ Ta lên miền biên ải/ Cả một trời quan tái/ Vẻ đẹp nào thiên thu.

Bài này không được hay nhưng cậy vì đưa được mấy địa danh của Cao Bằng vào nên tôi bạo gửi cho báo Cao Bằng, không hiểu có được đăng không, không thấy có hồi âm.

Khung cảnh nơi làm lễ trao laptop đáng nhớ nơi ranh giới hai tỉnh Cao Bằng – Hà Giang hai năm trước. Ảnh: Lê Xuân Sơn

Khung cảnh nơi làm lễ trao laptop đáng nhớ nơi ranh giới hai tỉnh Cao Bằng – Hà Giang hai năm trước. Ảnh: Lê Xuân Sơn

Tối hôm đó, chúng tôi được Phó Chủ tịch huyện Bảo Lạc Hoàng Thị Đà tiếp cơm. Chị Đà người Nùng, trung tuổi, là một phụ nữ vóc dáng gọn gàng, ưa nhìn, tác phong tự tin, sôi nổi. Chị tốt nghiệp đại học chuyên ngành quản lý Văn hóa, trưởng thành từ một nhân viên văn thư, đi qua tuần tự biết bao nấc bậc của cây thang công vụ để lên đến chức phó của cả một huyện, quản toàn bộ mảng văn hóa, giáo dục, xã hội, tổ chức chính trị… cho thấy sự cố gắng vươn lên bền bỉ cũng như bao kiến thức, kinh nghiệm thực tế tích lũy được.

Đi miền núi nhiều, tôi tiếp xúc và thấy cán bộ nữ miền núi, người dân tộc ít người giờ tác phong, ăn nói đều đĩnh đạc, giao tiếp chững chạc chả kém gì cán bộ nữ miền xuôi. Ngay cả trang phục cũng vậy, nhìn cứ tưởng họ mới mua vét, mua áo váy, giày dép ở phố này, phố kia ở Hà Nội mà đi ra. Sáng hôm sau, chị Đà còn đi cùng chúng tôi trao mười lăm cái laptop cho các thầy cô trong huyện mà buổi lễ được tổ chức khá sôi động, các cháu trang phục biểu diễn rất rực rỡ ở Trường Tiểu học Hồng Trị.

Trong lần đi đó, tôi có một kỷ niệm khó quên là trao laptop cho Phòng Giáo dục huyện Mèo Vạc, Hà Giang ngay giữa đỉnh đèo, đúng giữa vạch ranh giới giữa hai tỉnh Cao Bằng - Hà Giang, bên cạnh cái ba ri e hạ im ỉm có gắn tấm biển “Chốt kiểm dịch COVID-19”.

Tác giả và một bạn trẻ đồng hành trên cung đường Mèo Vạc. Ảnh: Quang Định

Tác giả và một bạn trẻ đồng hành trên cung đường Mèo Vạc. Ảnh: Quang Định

Kế hoạch của chuyến đi là trao máy tính ở Cao Bằng xong, chúng tôi sẽ theo con đường từ Bảo Lạc, xuyên qua huyện Bảo Lâm của tỉnh này mà sang huyện Mèo Vạc tỉnh bên để trao tiếp. Nhưng trên xe từ Hà Nội lên, ai cũng giật thột nghe được tin “sét đánh ngang tai” là COVID vừa bùng phát ở Mèo Vạc và huyện này tức thì cách ly nội bất xuất, ngoại bất nhập. Không lẽ mười mấy cái laptop của Mèo Vạc lại quay về Hà Nội trong khi các thầy cô giáo ở đó thì đang khát máy. Chúng tôi quyết định đề nghị Phòng Giáo dục Mèo Vạc cử cán bộ ra chỗ chốt cách ly giữa Mèo Vạc với Bảo Lâm, cũng là ranh giới hành chính giữa hai tỉnh để nhận máy.

Cũng không phải là làm quấy quá cho xong. Lại liên lạc và chốt kiểm dịch đang chốt chặn ranh giới hai tỉnh cảm cái tấm lòng cùng tầm quan trọng của việc trao laptop mà đồng ý cho căng lên trước cửa căn nhà của chốt cái phông to tướng đã chuẩn bị sẵn cho sự kiện Mèo Vạc trên đó có tên báo Tiền Phong, Tỉnh Đoàn Hà Giang, Phòng Giáo dục huyện Mèo Vạc, cái lô gô khá đẹp của thương hiệu bánh Danisa cùng dòng chữ lớn “Lễ trao laptop tri ân thầy cô”, rồi thêm các dòng chữ nhỏ: “Tri ân người trồng cây/Chung tay trao laptop”, “Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, ngày 1/11/2021”.

Đề là Mèo Vạc nhưng lần đó tôi không đặt được chân lên đất Mèo Vạc, cứ như bên kia cái ba ri e là quốc gia khác. Tôi cùng Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh - đại diện bên trao và vị cán bộ Phòng Giáo dục huyện Mèo Vạc, một trong mấy người của phòng này còn chưa dính COVID - đại diện bên nhận, không bắt tay, luôn đứng cách xa nhau khoảng mét rưỡi hai mét trước tấm phông, cười chào nhau qua kín mít khẩu trang, trao cho nhau tượng trưng một cái laptop cho các thầy cô, hộp bánh Danisa, phong bì học bổng cho các cháu học sinh, chuyển giao sang xe nhau lỉnh kỉnh nào máy, nào bánh rồi kết thúc “sự kiện” trao quà vô tiền khoáng hậu trên đỉnh đèo cao giữa trời và đất.

Đường từ Bảo Lạc, Bảo Lâm (Cao Bằng) sang Mèo Vạc nhiều chỗ rất đẹp

Đường từ Bảo Lạc, Bảo Lâm (Cao Bằng) sang Mèo Vạc nhiều chỗ rất đẹp

Năm nay tôi lại đi đúng tuyến đường Cao Bằng - Bảo Lạc - Mèo Vạc hai năm trước ấy. Bóng ma dịch bệnh đã lùi xa, lại đi trong một ngày thu nắng đẹp, trời trong ngọc bích, mây nõn như bông, núi non như gấm, sông suối khi gần, khi xa, uốn mềm như lụa khiến cho dẫu biết ở đầu Mèo Vạc, mấy trăm con người đang đợi đoàn trong một sự kiện được chuẩn bị từ lâu nhưng đôi khi chúng tôi cũng không cầm lòng được mà nhảy xuống xe làm nhanh vài kiểu ảnh. Thôi thì tôi cũng không phải tốn công tả lại làm gì vì có một nhà văn đi đúng cung tuyến Bảo Lạc- Đồng Văn - Mèo Vạc hơn 60 năm trước, chỉ có điều ngày đó chưa có con đường bây giờ, sau đó 30 năm nhớ lại, đã tả cảnh sắc ở đây ở mức mà tôi tài mọn không thể nào làm như ông được:

“Nhưng tất cả những cái ấy, cả những hiểm nguy của cuộc chiến đấu đang chờ phía trước nữa, đều chẳng nghĩa lý gì so với cảnh đẹp đến nghẹt thở nơi đất trời núi non biên giới. Những sườn núi Nùng thoáng rộng đến vô cùng, nở nang và hoang vắng như những khuôn ngực đàn bà hoang sơ nào đấy, tưởng có thể hít thở đến ngợp cả hai khuôn phổi hương da thịt nồng nàn của đất thuở khai thiên còn nguyên vẹn. Đường đi trên các sống núi, ngước lên thăm thẳm màu xanh biên thùy, nhìn xuống thung sâu hun hút, lác đác những bản làng nhỏ xíu phơi mình trong nắng chói chang. Chúng tôi đi hàng một, người và ngựa, và súng ống lỉnh kỉnh, cảm giác một cuộc vạn lý trường chinh nào đấy, hay là một cuộc "Tây du ký" nhỉ? Thật khốn khổ cho cái chủ nghĩa hiện thực tôi được dạy từ ngày cầm bút. Ở đây tất cả đều siêu thực, núi non, mây gió, đất trời, xóm mạc, sông suối, con người, và cả những con ngựa này nữa, lên cao chúng bỗng trở nên trầm mặc và nhẹ tênh, có thể chúng cũng biết nói đấy nhưng không mở miệng nên lời được chỉ vì bị đắm đuối bởi cái đẹp quá thể tràn ngập bốn bề.

Lão bút Xuân Ba sững sờ trước núi non, mây trời, cỏ cây Mèo Vạc. Ảnh: Lê Xuân Sơn

Lão bút Xuân Ba sững sờ trước núi non, mây trời, cỏ cây Mèo Vạc. Ảnh: Lê Xuân Sơn

(…) Ba giờ chiều, rất đột ngột, bỗng thấy mình đã đứng trên một đỉnh cao chót vót, đỉnh cao nhất. Và trước mặt, một kỳ quan chưa từng thấy: không còn ngọn núi đất nào nữa. Chỉ còn toàn đá. Một cao nguyên đá. Mênh mông, trùng điệp, lô nhô, lởm chởm, cuồn cuộn hàng triệu đợt sóng đá dồn dập như những bức trường thành đá vô tận, nhọn hoắt, sắc lẹm, nham nhở, lở lói, khô cằn, khắc nghiệt... Đá, đá, đá bạt ngàn, hút chân trời. Đá vôi đen xỉn. Và tuyệt không còn gì khác.

Cao nguyên Đồng Văn - Mèo Vạc đấy”.

(Nguyên Ngọc - “Trở lại Mèo Vạc”).

Đó là nhà văn viết về những trải nghiệm ngoài chiến đấu trong chuyến hành quân cùng cánh quân từ Cao Bằng lên Bảo Lạc đánh qua Mèo Vạc - Đồng Văn để dập tắt cuộc bạo loạn của bọn phỉ người Mông năm 1959.

Quả thật, lên với Mèo Vạc - Đồng Văn là người ta đều nghĩ đến lên với cao nguyên đá. Đá là hình ảnh, là danh thiếp, là thương hiệu, là hồn cốt, là linh khí của đất này. Trên con đường dẫn từ ranh giới với Cao Bằng sang huyện lỵ Mèo Vạc, tôi đã cảm thấy như thế khi thấy đá dựng vỉa, thành vách, thành rừng mõm nhọn lô nhô ở nhiều đoạn ven đường. Xen lẫn vào đó là cỏ, là lau, là hoa dại, là những vạt ngô đã tàn khô vào tiết thu những vẫn đứng đó xạc xào trong gió núi. Tôi cũng nhìn đá, ngắm đá, cảm đá, chắc cũng như những người từng đến đây. Nhưng tôi còn cảm một thứ nữa: mây trắng.

Mây trắng thì có ở khắp nơi, nhưng tôi cảm giác mây biên ải khác lắm. Tôi luôn ám ảnh câu thơ “Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay” trong bản Tản Đà dịch thơ Thôi Hiệu bài “Hoàng Hạc Lâu”, thán phục câu “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc” trong “Tràng Giang” của Huy Cận, nao nao với câu “Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm” trong “Mắt người Sơn Tây” của Quang Dũng, lại cũng thích câu “Khi thu sang mây trắng lại bay về” trong “Vườn trong Phố” của Lưu Quang Vũ nên có viết một bài khá lớn, nhìn nhận, khảo cứu lại hình ảnh, hình tượng mây trắng trong thơ cổ kim hai nước Việt - Trung nhưng chưa in ở đâu. Đi đâu tôi cũng chú ý chụp ảnh mây trắng để khi nào đó in cùng vào bài đã viết nhưng chưa hài lòng bức nào cho đến khi chụp được ảnh những cánh đồng, những đụn, những đống, những dải, những rẻo, những cụm, những đám, những lọn, những búng mây trắng khi thì ở phía trước mũi, khi thì thấy qua cánh cửa xe lúc đi trên con đường Mèo Vạc chiều thu đó. Có những lúc thấy khắp nơi bời bời mây trắng trên những hùng vĩ núi non, miên man đá và cây cỏ, tôi cứ ước mình không vội, không bị câu thúc thời gian bởi cuộc hẹn để mà dừng xe, mà bước ra, mà leo lên một mỏm đá thật cao, nhìn thật lâu tứ bề bạch vân mênh mang, vờ như mình là một lữ khách cô độc tha hương mà ngẫm ngợi câu Kiều: Bốn phương mây trắng một màu/ Trông vời cố quốc biết đâu là nhà.

Có thể bạn quan tâm