Phóng sự - Ký sự

Trên đại công trường đường dây 500kV mạch 3 - Bài cuối: Trạm biến áp cuối tuyến đã sẵn sàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trên đầu là tiếng kêu ro ro phát ra từ đường điện cao thế nhưng công nhân, kỹ sư vẫn miệt mài đào đắp, lắp ráp thiết bị một cách cẩn trọng. Ngày mưa, họ tranh thủ từng phút để làm công tác chuẩn bị. Vì thế, trạm biến áp 500kV Phố Nối về đích sớm hơn dự kiến…
Công nhân vắt vẻo trên đỉnh cột

Công nhân vắt vẻo trên đỉnh cột

Trạm biến áp 500kV - Phố Nối (Hưng Yên) đã hoàn thành các hạng mục công trình ngăn lộ 585, 586 và đóng điện phục vụ truyền tải của đường dây 500kV - mạch 3 đoạn Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối. Công tác dọn dẹp vệ sinh, tạo cảnh quan tại khu vực này đang được hoàn tất.

Anh Lê Đức Tân, Chỉ huy trưởng công trường, thuộc Công ty Cổ phần Cơ điện Minh Quang (đơn vị đảm nhận thi công xây lắp, lắp đặt vật tư thiết bị cho công trình), cho hay, đây là thành quả của cán bộ, kỹ sư, công nhân của toàn công ty. “Đội ngũ kỹ sư, công nhân đã làm việc hết sức mình. Công nhân không quản nắng nóng, mưa rào; còn kỹ sư, cán bộ quản lý lên kế hoạch chi tiết phù hợp với từng cấp độ thời tiết, tranh thủ thời gian làm việc đưa công trình về đích”, anh Tân nói,

Theo anh Tân, Trạm biến áp 500kV Phố Nối là hạng mục thứ 2 của dự án trọng điểm quốc gia đường dây 500kV - mạch 3 hoàn thành đóng điện. “Để đón nhận thời khắc này, thực sự chúng tôi hồi hộp từng giây, từng phút. Trước khi đóng điện, các kỹ sư của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và đơn vị thi công phải hoàn thiện các thủ tục cấp phép theo quy định, rà soát toàn bộ hệ thống, kiểm tra lại từng tụ điện, hệ thống đường dây trước khi triển khai các hoạt động đấu nối”, anh Tân nói. Sau gần 2 ngày chuẩn bị triển khai đấu nối, công tác đóng điện đã sẵn sàng.

“Thời khắc 2h35 phút, ngày 18/6 đối với chúng tôi không khác gì được đón giao thừa sớm. Khi các công nhân trạm biến áp 500kV - Phố Nối bấm nút đóng điện hoàn toàn cả hai ngăn lộ, các ngăn tụ kháng, trên màn hình, tất cả những thông số kỹ thuật hiện lên đều đảm bảo an toàn kỹ thuật, tất cả mọi người vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Mọi người như vỡ òa vì mọi dồn nén của áp lực tiến độ, chất lượng công trình được giải tỏa, đồng thời tiếp thêm năng lượng, tinh thần để công nhân tiếp công việc mới. Thành công trong việc đóng điện thành công 2 ngăn lộ của trạm biến áp 500kV - Phố Nối, làm cho chúng tôi tan biến đi những vất vả trong 6 tháng qua, mỗi người đều thấy tự hào”, anh Tân bộc bạch.

Để đạt được thành tích đó, phần việc quan trọng đầu tiên là kế hoạch cung ứng vật liệu. Anh Nguyễn Đức Hương, cán bộ quản lý vật tư của công ty, cho hay, để thi công một cách suôn sẻ, bảo đảm tiến độ dự án trọng điểm này, mọi công việc được lên kế hoạch cực kỳ chi tiết. “Các công việc được quản lý, kỹ sư lên kế hoạch chi tiết cho từng ngày, để thích ứng với mọi điều kiện thời tiết, nên gần như không để phí một chút thời gian nào trong ngày. Vật tư phục vụ công trình, chúng tôi chủ động gửi kế hoạch sớm cho chủ đầu tư, để không bị rơi vào tình trạng công nhân phải ngồi chờ vật tư, thiết bị thi công. Ngày nắng, chỉ huy công trường điều động công nhân ra công trường thực hiện các hạng mục ở ngoài trời. Còn ngày mưa, bố trí công nhân làm sắt, lắp kết cấu cột trong nhà, khi hết mưa cho xe cẩu ra công trường lắp ráp... Trong suốt thời gian thực hiện đó, không một phút giây nào bị bỏ phí”, anh Hương kể.

Cán bộ, kỹ sư, công nhân cùng nhau chụp kỷ niệm trên công trường trạm biến áp trọng điểm quốc gia

Cán bộ, kỹ sư, công nhân cùng nhau chụp kỷ niệm trên công trường trạm biến áp trọng điểm quốc gia

Áp lực cực độ

Chỉ huy công trường Lê Đức Tân tiếp lời: “Ngoài việc sắp xếp một kế hoạch hợp lý, toàn bộ kỹ sư, công nhân thấm nhuần tinh thần của Thủ tướng Chính phủ đề ra “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “vượt nắng, thắng mưa”. Họ không quản ngại mọi thời tiết, điều kiện địa hình, có nhiều sáng kiến thi công hiệu quả, giúp đẩy nhanh tiến độ. Dù thời tiết miền Bắc năm nay nắng lắm, mưa nhiều, trên công trường vẫn luôn duy trì 3 tổ thi công đổ móng trụ cột, lắp đặt cột và đường dây. Công nhân không khi nào nghỉ ngơi, hai ca thay nhau thi công liên tục. Có thời điểm, công nhân làm việc liên tục từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Thời gian ăn trưa, nghỉ ngơi chưa đầy 1 tiếng rưỡi, họ lại ra công trường làm tiếp đến 7 giờ tối mới tan ca. Có lúc chúng tôi thi công cả ngày và đêm. Mọi người đều cố gắng, tranh thủ hết thời gian, thay nhau nghỉ, thay nhau làm”.

Việc thi công ở ngăn lộ 585, 586, công nhân phải làm việc trong điều kiện trạm biến áp 500kV Phố Nối vẫn hoạt động, bên trên vẫn là đường điện cao áp nên việc đảm bảo an toàn cho công nhân được đơn vị tính rất kỹ. Mỗi khi bước vào công trường, công nhân phải được trang bị đầy đủ biện pháp bảo hộ để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Khi trời mưa không thi công ở công trường, mà bố trí công nhân làm những việc khác để đáp ứng tiến độ. “Công nhân thi công trong điều kiện quanh mình là hệ thống điện 500kV hoạt động, nếu chỉ một chút sơ sẩy thì không có cơ hội để sửa chữa, rút kinh nghiệm. Vì vậy, trong quá trình thi công, chúng tôi phải tuân thủ tuyệt đối các biện pháp an toàn, vừa đáp ứng hiệu quả công việc, nhưng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công nhân”, anh kể.

“Ngồi trên dây những ngày gió lớn cứ chao đảo như đu võng trên không trung. Lúc đó rất dễ có cảm giác như người đi tàu biển bị say sóng, dập dềnh trên sóng, chóng mặt, buồn nôn... Vì thế, nghề này chẳng dành cho người sợ độ cao, yếu tim hay bệnh huyết áp”.

Công nhân Nguyễn Văn Tuấn

Vị chỉ huy công trường dẫn chúng tôi đến khu vực đào đất thi công móng trạm, cột điện dưới đường điện cao thế. Tại vị trí cột có địa chất yếu, xe có trọng tải lớn không vận chuyển được thiết bị đến chân cột. Lúc đó, công nhân phải gia cố đường công vụ, xử lý nền đường hoặc kê những tấm tôn cỡ lớn để hỗ trợ xe di chuyển, thậm chí phải làm đường tạm riêng ở những nơi khó khăn nhất. Cũng vì nền đất yếu, nhiều móng cột được thực hiện ở khu vực ao hồ, nên khi đào móng cột xuất hiện tình trạng sạt lở. Các kỹ sư đã có sáng kiến mở rộng việc đào móng so với thiết kế ban đầu, đóng thêm cọc tre, quây phên nứa, tấm tôn xung quanh khu vực hố móng. “Trên đầu là tiếng kêu ro ro phát ra từ đường điện cao thế, công nhân, kỹ sư vẫn miệt mài công việc đào đắp, lắp ráp. Có lúc đưa máy xúc, máy cẩu vào khu vực thi công, chúng tôi cũng phải tính toán chiều cao để gầu múc nâng lên, hạ xuống không bị ảnh hưởng. Tức là mọi công việc đều phải chính xác tuyệt đối, không có sai số. Đó là áp lực cực độ”, anh Tân chia sẻ.

Dẫn chúng tôi đi một vòng khu vực thi công, anh Tân giới thiệu, công nhân thi công đường dây truyền tải điện làm việc trong điều kiện thời tiết nào, dù nắng hay mưa, cũng đều vất vả. Đặc biệt là công nhân làm nhiệm vụ bắt sứ, lắp thiết bị tách pha phải treo lơ lửng trên không trung, đi lại trên những sợi dây điện cách mặt đất 50 đến 60m, thậm chí 100m.

Chúng tôi tiến đến gần một công nhân đường dây vừa leo xuống cột để chuyển sang làm công việc khác vì trời có dấu hiệu mưa. Đó là anh Nguyễn Văn Tuấn, 45 tuổi. Anh Tuấn đã gắn bó với công việc này 20 năm qua. Hỏi về lúc đu mình trên đường dây thi công thì cảm giác thế nào, anh Tuấn hóm hỉnh: “Ở trên đó mát lắm, cách mặt đất 60m cơ mà, khí hậu trong lành, sướng lắm”.

Rồi anh Tuấn kể tiếp, có những khi nắng gắt, đã ngồi trên dây rồi nên anh em bảo nhau tranh thủ thời gian để cố gắng hoàn tất các công việc theo kiểu cuốn chiếu đến đâu xong đến đó, đảm bảo nhanh nhất, chính xác nhất. Bởi, mỗi lần anh em leo lên, leo xuống mấy chục mét mất rất nhiều thời gian. Có lúc, các anh ăn trưa tranh thủ ngay trên đỉnh cột điện rồi vào việc ngay. “Nắng chúng tôi không sợ, nhưng sợ nhất là trời mưa. Khi thoáng thấy cơn mưa, dù công việc dở dang mấy đi nữa thì anh em chúng tôi phải khẩn trương leo xuống cột ngay lập tức, phòng nguy cơ sấm sét”, anh Tuấn cho hay.

Có thể bạn quan tâm