Nơi khởi nguồn của những dòng sông lớn; nơi sinh sôi “mạch máu” của rừng già gân guốc kia có một cộng đồng sinh sống. Cộng đồng ấy quần tụ sau dốc Cổng Trời (huyện An Lão, tỉnh Bình Định). Họ hòa vào thiên nhiên, tôn trọng, giữ gìn rừng cây, muông thú.
Già làng ở làng Plai Hmia vẫn chơi đàn Goong để ru cháu |
Làng bên suối
Một buổi chiều giữa tháng 10-2018, chúng tôi quyết định vượt dốc Cổng Trời (cao 1.200m) đi tìm những bản làng của người Bana, Hrê (xã An Toàn, huyện An Lão) sống… trên trời. Dốc Cổng Trời đúng như đồn thổi, càng lên cao, những ngọn núi nối, ráp nhau kéo ngược lên hun hút. Đồi ôm núi, núi ôm rừng, rừng ôm ấp sự hoang vu, tịch lặng… Sau hơn 2 giờ đồng hồ vượt dốc, đỉnh dốc Cổng Trời đã hiện ra giữa rừng lau trắng bạt ngàn. Bên kia khu rừng có tiếng chó sủa. Vật nuôi ấy báo hiệu cho chúng tôi rằng: Sau khu rừng, có bản làng rồi đấy!
Gọi là xã, nhưng thực ra An Toàn là một quần cư gồm 3 thôn của người dân tộc Bana, Hrê với 224 hộ dân (887 nhân khẩu). Chúng tôi được Công an xã An Toàn hướng dẫn đến làng Plai Hmia (thôn 1, xã An Toàn), nơi có 70 nóc nhà sàn “mọc” giữa rừng già. Tiếp khách lạ, ông Đinh Văn Trang (60 tuổi, già làng Plai Hmia) cười hiền, chào gọn: “Vui mừng lắm! Hôm nay lại có khách vượt dốc Cổng Trời mà đến thăm làng của già này! Mừng lắm, có gì dùng nấy nha!”.
Plai Hmia, chiết tự từ “Plai” (làng nhỏ) ghép với “Hmia” (suối). Con nước chắt chiu từ cánh rừng già phía sau làng Plai Hmia, chảy xuôi về châu thổ, chia chác cho các dòng sông lớn hun đúc phù sa. Ông Trang liệt kê: “Ở đây có rất nhiều sông, suối như: suối Hmia, suối nước Trinh, suối Xang, suối Ngà, suối Be, suối Kôn Ta lưng… các suối đều đổ về 3 dòng sông lớn là sông Kôn, Nước Đinh và Lại Giang. Suối có cá chình, cá phá, cá nhao, cá niên… Trước kia, tổ tiên chúng tôi chọn nơi gần những con suối để lập làng, rồi đặt tên làng ghép chung với tên suối, như: Plai Hmia (suối Hmia), Plai Trinh (suối Trinh), Plai Be (suối Be), Plai Đakrông (suối Đakrông)... Xưa, ở giữa rừng, các làng tìm đến nhau cũng mất một ngày đi bộ. Muốn ra khỏi rừng, phải lội bộ theo các con suối, đi mất 5 đến 6 ngày”.
Những người Bana, Hrê sống ở giữa rừng này có tâm hồn rất nghệ sĩ. Hầu hết trai, gái ở những ngôi làng đều biết chơi đủ 3 thứ nhạc cụ truyền thống đàn Ting Ning (hay đàn Goong), đàn T’rưng, cồng chiêng. Trong văn hóa âm nhạc của làng Plai Hmia còn lưu lại những ca khúc về tình yêu đôi lứa, tình mẫu tử, dân tộc, anh em, xóm làng… Trong đó, đàn Ting Ning, T’rưng được người con gái, con trai dùng để gửi gắm nỗi niềm, tình yêu thủy chung, sâu đậm. “Đàn ấy không có bài cụ thể, chỉ có điệu. Về tình yêu thì có các điệu: tình yêu mùa xuân, tình yêu mùa hạ, tình yêu lúc say, ngoài ra còn nhiều điệu khác, như: ru con, uống rượu, tạ ơn nước, rừng, tạ ơn cha mẹ, tổ tiên…”, ông Đinh Văn Trai (60 tuổi, làng Plai Hmia) kể.
Thuở còn lang bạt
Theo già làng Đinh Văn Trang, trước đây, thời kỳ chưa thành lập xã An Toàn, ở đây là một quần cư lang bạt. Tất cả chỉ có khoảng 45 đến 50 nóc nhà nằm rải rác, sâu trong các hốc rừng. “Ngày ấy, lạc hậu lắm. Sống như con thú giữa rừng vậy. Có lúc chúng tôi sống trên các đỉnh núi như Kôn Poi, Kôn Poc, Kôn Koi, có lúc lại sống dưới các nguồn suối, nằm sâu trong các hốc rừng, hang đá. Sống tự do tự tại như thế nên bệnh tật chẳng chừa một ai hết. Bệnh thì không chữa bằng thuốc, mà phải cúng heo, bò, trâu… Cúng miết, đến con trâu cuối cùng rồi, bệnh vẫn không bớt, nên chết chóc nhiều lắm! Ở rừng này được vài tháng đau bệnh chết vài người, lại bỏ làng đi tìm vùng rừng khác để sinh sống. Dời như con ong rừng dời tổ vậy”.
Còn già Trai kể: “Thời ấy, cũng biết phát rừng để làm lúa rẫy, trồng ngô và mì rồi. Nhưng trong rừng nhiều thú, con gì cũng có hết. Sợ nhất là cọp, đêm đêm phải đốt lửa lớn lên, đánh cồng chiêng, đàn hát để đuổi cọp, rắn rết, xua đi sợ hãi… Còn làm lúa rẫy và hoa màu thì thường xuyên bị “mấy ông” voi, khỉ, heo rừng tàn phá, nên đói ăn suốt. Về sau, dân làng đã biết dùng thân cây rỗng, tre nứa, sừng trâu để tạo ra âm thanh lớn đuổi thú phá hoại nương rẫy, hoa màu…”.
Già Trai kể tiếp: Những năm 60, 70 của thế kỷ 20, khi giặc Mỹ kéo đến, sử dụng vùng rừng bên kia suối Hmia để làm sân bay dã chiến. Các ngôi làng như Plai Trinh, Plai Be, Plai Đakrông bị giặc Mỹ dồn lại tại một thung lũng. Riêng làng Plai Hmia vẫn ở đầu nguồn suối Hmia. “Trong chiến tranh, dân làng hay tìm đến sân bay dã chiến của quân đội Mỹ để đào trộm những bao cát về may lại làm quần áo mặc. Bộ đội cấp súng để chặn đánh phá giặc Mỹ. Đêm đến, trai làng lấy cung, nỏ để đi săn. Ai săn được con chim, con gà, con mang ở rừng thì chia đều cho cả làng. Có những con gà, chim rất nhỏ nhưng vẫn chia ra được 50 phần. Thời ấy đói, khổ mà đoàn kết lắm!”.
Tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng
Bây giờ, An Toàn đã là một cộng đồng vững chãi giữa khu rừng đặc dụng trên 26.000ha; có điện, đường, trường, trạm. Cơ sở vật chất được Nhà nước trang bị đến tận hang cùng, ngõ hẻm. “Con em đã được đi học lên các trường cao đẳng, đại học rồi, số khác thì được đi đến các thành phố để làm việc, có điều kiện tiếp xúc nhiều với văn minh. Có bệnh là đến trạm y tế, không cúng nữa. Nhận thức, ăn mặc, vệ sinh cũng thay đổi. Bây giờ không phá rừng nữa, mà biết trồng lúa nước bằng máy móc rồi. Mỗi tháng, Nhà nước đều cử người về để tập huấn cho dân bản làm ăn, chăn nuôi gia súc…”, già Trang vui mừng nói.
Để “sống chung” với khu rừng đặc dụng, người dân nơi đây đã tự nguyện đứng ra nhận mỗi hộ từ 20 - 25ha rừng để chăm giữ và bảo vệ. Dân làng cũng làm “tai, mắt” cho chính quyền và kiểm lâm trong khu vực. Già Trang kể thêm: “Trước đây, chúng tôi cũng giữ rừng bằng hương ước. Nếu ai vi phạm, chặt cây rừng không xin phép thì sẽ phạt lúa, gà, heo; nếu nặng thì phạt trâu. Bây giờ thì phạt tiền, nếu phá nhiều rừng thì đưa lên UBND xã và kiểm lâm để giải quyết. Trường hợp nào muốn xin cây làm nhà cửa, phải làm đơn hoặc lấy ý kiến của cộng đồng thì mới cho chặt”.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão, nói: “Người dân ở An Toàn rất mẫu mực, chỉ có họ mới giữ được khu rừng đặc dụng trên 26.000ha và biết cách sống chung dưới tán rừng ấy thôi. Ngoài ra, An Toàn được mệnh danh là “Đà Lạt 2” ở Bình Định, rất có tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, thám hiểm, trải nghiệm... kết hợp làm homestay. Tới đây, chúng tôi sẽ thành lập đề án cụ thể để có những chính sách nhằm kết nối, phát triển du lịch sinh thái ở An Toàn. Du khách sẽ được trải nghiệm tắm suối đầu nguồn xanh mát, thưởng thức các món ăn dân dã và ngắm đồi sim tím bạt ngàn…”.
Ngọc Oai (sggp)