Phóng sự - Ký sự

Trên đường biên chống dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- “Ăn lán, ngủ rừng” và bền bỉ vượt qua hàng trăm ngày đêm nắng lửa, mưa dầm, những người lính Biên phòng Gia Lai đang dựng xây các “lũy thép” dọc tuyến đường tuần tra biên giới với quyết tâm ngăn chặn đại dịch Covid-19.
“Ăn lán, ngủ rừng”
Băng qua con đường hẹp và lầy lội, cuối cùng chúng tôi cũng có mặt tại tổ chốt chặn phòng-chống dịch Covid-19 phía Nam mốc 26/2 của Đồn Biên phòng Ia Chía (huyện Ia Grai). Dù đêm hôm trước, nơi này cũng đã đón một trận mưa lớn kéo dài, thế nhưng đến quá trưa thời tiết vẫn rất oi bức, ngột ngạt.
Với mong muốn có thêm nhiều thời gian chuyện trò, chúng tôi ra bên ngoài lán trại, ngồi quây quần bên gốc cây rừng. Lán trại được dựng tạm bằng những tấm bạt rộng, kéo xuống thật thấp để tránh gió lớn; bên trong vài tấm ván mỏng được kê sát lại làm nơi nghỉ ngơi, ăn uống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ. Xung quanh lán trại, các anh còn dùng thêm vài chiếc tăng che chắn cẩn thận để phòng đêm tối mưa tạt, gió lùa.
Thiếu tá Lê Anh Tài-Phó Đội trưởng Đội Vũ trang Đồn Biên phòng Ia Chía-cười vui: “Lều bạt có thể che mưa chứ nắng nóng biên giới thì chịu”. Thật vậy, nhà bạt nhỏ lại thấp trong khi xung quanh chỉ có “đặc sản” gió khô và nóng nên chỉ cần ngồi bên trong một lúc, mồ hôi túa ra như tắm.
 Nơi ăn ở của cán bộ, chiến sĩ trên chốt kiểm soát phòng-chống dịch Covid-19 ở suối Đen (Đồn Biên phòng Ia Lốp) còn nhiều thiếu thốn. Ảnh: Phương Dung
Bữa cơm của cán bộ, chiến sĩ trên chốt kiểm soát phòng-chống dịch Covid-19 ở suối Đen (Đồn Biên phòng Ia Lốp). Ảnh: Phương Dung 
Thiếu tá Lê Anh Tài chia sẻ, chốt được thành lập khoảng 10 ngày trước đó nên vẫn còn thiếu thốn, hơn nữa cuộc sống giữa rừng, hầu như cái gì cũng thiếu. Đoạn đường từ chốt về đơn vị khá xa lại khó đi, nhất là khi mưa xuống nên chiếc đèn tích điện chỉ như một đốm sáng đủ để cán bộ, chiến sĩ không va vào nhau trong đêm tối. Ngay cả những chiếc điện thoại cũng chỉ được bật nguồn lên khi cần để tiết kiệm pin, vả lại chúng cũng chỉ phát huy tác dụng ở một vài điểm cao cố định.
Riêng nguồn nước ăn uống hàng ngày, các anh vẫn thường nhắc nhau sử dụng hết sức tiết kiệm để không phải dùng đến nước sông, suối. Như để minh chứng thêm, Binh nhất Nguyễn Quang Nhật dẫn chúng tôi “mục sở thị” 1 chiếc hố nhỏ bên dưới có lót 1 tấm bạt ngay cạnh chốt và giải thích: “Khi mưa xuống, anh em sẽ dùng những chiếc tăng hứng nước mưa rồi đổ xuống đây trữ dùng dần”.
Rời tổ chốt chặn phòng-chống dịch Covid-19 phía Nam mốc 26/2, chúng tôi tiếp tục di chuyển dọc theo tuyến đường tuần tra biên giới và đến chốt suối Đen thuộc Đồn Biên phòng Ia Lốp (huyện Chư Prông) khi chiếc kim đồng hồ trên tay chỉ 19 giờ. Bên ngoài, bóng tối đặc quánh, bao trùm lên cả cánh rừng. Bên trong lều bạt, cán bộ, chiến sĩ đang dùng bữa cơm tối dưới ánh sáng leo lét của chiếc đèn tích điện. Thấy chúng tôi đặc biệt chú ý đến tô măng luộc và dĩa cá suối kho trên bàn ăn, Thiếu úy Trần Đức Quân cho hay: “Mùa mưa, măng nhiều, cá sông, cá suối cũng nhiều nên bữa cơm của anh em được cải thiện”.
Sau bữa cơm, ai nấy đều bắt tay thực hiện nhiệm vụ đã được phân công. Hướng ánh nhìn sang những chiếc áo phao trên kệ, Thiếu úy Quân giải thích: Chốt được bao bọc bởi khá nhiều sông suối, có thể kể đến ở đây như: sông Ia Lốp, suối Nokia, suối Đen. Vậy nên chỉ cần mưa lớn kéo dài sẽ gây ngập cục bộ và cô lập. Do đó, đơn vị đã trang bị thêm các áo phao đề phòng trường hợp mưa lớn, nước dâng cao trong đêm.
Theo Thiếu úy Quân, hàng ngày, các anh sẽ thay phiên nhau về chốt suối Đen, cách chốt kiểm soát phòng-chống dịch Covid-19 hơn 3 km lấy lương thực, thực phẩm và chở nước. Hôm nào mưa lớn, thực phẩm không thể tiếp tế được thì các anh ăn tạm mì tôm, uống tạm nước mưa...
Tại các chốt kiểm soát phòng-chống dịch, ngoài người lính “quân hàm xanh” còn có cả những chiến sĩ “sao vuông” luân phiên trực. Chiến sĩ Siu Cương-dân quân thường trực xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) cho biết: “Theo phân công, mỗi người sẽ bám chốt 1 tuần và 2 ngày nữa sẽ có người lên thay cho em”.
Cương lớn lên tại xã biên giới Ia Mơr, lại từng có thời gian 2 năm thực hiện nghĩa vụ quân sự trong lực lượng Biên phòng nên nhanh chóng thích nghi với cuộc sống trên chốt. Cương cho biết, chốt cách địa bàn gần 40 km, đường sá đi lại khó khăn, điều kiện ăn ở còn thiếu thốn, song bản thân sẽ luôn nỗ lực để góp một phần công sức cùng các lực lượng tạo nên những “lá chắn thép” trên biên giới.
Nơi ăn ở của cán bộ, chiến sĩ trên chốt kiểm soát phòng-chống dịch Covid-19 ở suối Đen (Đồn Biên phòng Ia Lốp) còn nhiều thiếu thốn. Ảnh: Phương Dung
Nơi ăn ở của cán bộ, chiến sĩ trên chốt kiểm soát phòng-chống dịch Covid-19 ở suối Đen (Đồn Biên phòng Ia Lốp) còn nhiều thiếu thốn. Ảnh: Phương Dung
Khó khăn, thiếu thốn là vậy nhưng những người lính nơi đây luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, kiên cường bám chốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ kép: vừa đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới; vừa phòng-chống dịch, quyết không để dịch bệnh xâm nhập qua biên giới, lây lan vào đơn vị, địa bàn. Mặc dù đoạn biên giới do Đồn Biên phòng Ia Lốp quản lý ít người qua lại song không vì thế mà những người lính bám chốt cho phép mình lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.
Thiếu úy Quân kể, cách đây không lâu, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, anh em ở chốt phát hiện 4 công dân Việt Nam đi làm ăn bên Campuchia nghe có dịch nên trốn về qua đường mòn biên giới để trốn cách ly. Ngay sau khi phát hiện, cán bộ, chiến sĩ đã báo về đơn vị đưa những công dân này về khu vực tiếp nhận cách ly ban đầu và đưa đi cách ly theo quy định.
Gác lại niềm riêng
Trong đêm tối giữa rừng, chúng tôi cảm nhận rất rõ tiếng gió rít từng cơn, tiếng rừng cây cựa mình, tiếng ếch nhái rền vang gọi bạn, tiếng muỗi rừng vo ve và thậm chí nghe cả tiếng thở của người ngồi cạnh bên. Rời lán trại, tôi theo chân Thượng úy Đào Công Tuấn và Trung úy Hà Lương Vũ men theo tuyến đường mòn tuần tra đến vị trí chốt chặn trong đêm, cách chốt chừng 3 km.
Trung úy Vũ nói như giải thích, tuyến đường tuần tra dài nên anh em chia nhau ra chốt chặn ở các vị trí đường mòn, lối mở và ban đêm thay phiên nhau trực gác. Trước khi mắc tăng võng, cả hai nhắc nhở nhau kiểm tra xung quanh thật kỹ đề phòng rắn, rết, côn trùng cắn.
“4 ngày trước, anh em trong chốt phát hiện 1 con rắn khô mộc đang nằm cuộn tròn dưới đất, phía trên là 1 chiếc võng mắc sẵn. Loài rắn này rất độc, ngụy trang như những cành cây khô nên rất khó phát hiện và chúng thường xuất hiện ban đêm, ở những nơi khô ráo. Cũng may, anh em đều cẩn trọng, kiểm tra kỹ trước khi đi ngủ chứ bị loài rắn này cắn thì nguy”-Trung úy Vũ kể.
Có lẽ trong muôn vàn khó khăn có thể gọi tên, chúng tôi cảm nhận được rằng, người lính nơi đây còn đang từng ngày, từng giờ vượt qua sự khó khăn khác nữa, ấy là nỗi nhớ gia đình, người thân đến quặn thắt. Vợ sinh con gái đầu lòng nhưng vì nhiệm vụ bám chốt phòng-chống dịch nên Trung úy Vũ chẳng thể ở cạnh bên.
Sau khi thực hiện xong Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng-chống dịch Covid-19, anh được đơn vị tạo điều kiện cho nghỉ tranh thủ vài ngày rồi từ đó đến nay lại tiếp tục “ăn lán, ngủ rừng”. Ngày nối ngày, anh chỉ có thể “gặp” con qua lời kể cùng những tấm ảnh vợ gửi qua mạng xã hội. Nhắc đến con gái, ánh mắt anh ánh lên niềm hạnh phúc: “Lần đầu, mình không dám bế vì con nhỏ xíu! Bé giờ hơn 4 tháng tuổi, nặng trên 5 kg rồi, nhìn yêu vô cùng”. 
Khu vực nấu ăn của cán bộ, chiến sĩ Chốt Kiểm soát phòng chống dịch được quây tạm bằng vài miếng tôn. Ảnh: Phương Dung
Khu vực nấu ăn của cán bộ, chiến sĩ chốt kiểm soát phòng-chống dịch được quây tạm bằng vài miếng tôn. Ảnh: Phương Dung
Riêng với Thượng úy Đào Công Tuấn, hơn 8 tháng qua, anh cũng chưa về thăm vợ và 2 con đang sống bên tỉnh Đak Lak. Anh trải lòng: “Tôi có 2 cháu, con trai lớn năm nay lên lớp 4, con gái nhỏ gần 3 tuổi. Tổng kết năm học vừa rồi, con trai gọi điện thoại khoe đạt danh hiệu hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện. Cháu mong chờ bố về thưởng và chở đi mua sách vở, may quần áo cho năm học mới. Nhưng tình hình này có lẽ lại phải lỗi hẹn với con. Cũng may cho những người lính chúng tôi đó là sự cảm thông, chia sẻ từ gia đình”.
Lắng nghe chia sẻ của các anh, tôi chợt nhớ lại câu chuyện của Thiếu tá Lê Anh Tài. 26 năm tuổi quân thì có tới 23 năm anh gắn bó với tuyến biên giới Gia Lai và mỗi năm chỉ rời biên giới về thăm vợ con đang sinh sống ngoài quê Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An) duy nhất vào đợt phép. Công tác xa, thời gian dành cho gia đình chỉ gói gọn trong vài chục ngày phép nên anh càng thương vợ, tần tảo quán xuyến mọi việc trong ngoài, thay anh chăm sóc 2 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn.
“Mình thường đăng ký nghỉ phép vào dịp hè, vì lúc này vợ không đi dạy, con cái được nghỉ học nên gia đình có nhiều thời gian dành cho nhau. Dịp hè năm nay, mình cũng hứa với các con sẽ về, cả nhà còn lên kế hoạch đi tham quan một số danh lam thắng cảnh trong tỉnh nhưng tình hình dịch bệnh thế này thì đành chịu”-Thiếu tá Lê Anh Tài bộc bạch.
...Câu chuyện của chúng tôi mỗi lúc lại thêm sâu lắng, tưởng như cứ kéo dài mãi nếu không có lời nhắc rất nhẹ của người bên cạnh: “Đêm đã khuya rồi”. Một vài cơn gió từ khoảnh rừng xa thổi tới, thấm lạnh. Lúc chia tay, Thiếu úy Trần Đức Quân khẳng định chắc nịch: “Dù khó khăn đến đâu, anh em trên chốt sẽ luôn nêu cao quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, yên tâm bám chốt, bám biên giới hoàn thành tốt nhiệm vụ, kiên quyết không để dịch bệnh xâm nhập qua biên giới, lây lan vào đơn vị, địa bàn”.
Nhìn anh, tôi chợt nhớ đến những ca từ rất hay trong bài “Một đời người, một rừng cây” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai...”.
PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm