(GLO)- Đồng nghiệp tôi có nhiều người nhà ở Pleiku đi dạy học trên các huyện Chư Prông, Đức Cơ. Họ phải đi-về trong ngày để còn lo công việc gia đình. Lúc đầu, có người chạy xe máy nhưng chỉ một thời gian ngắn là không chịu nổi với mưa nắng, có trường hợp bị tai nạn nên sau đó, hầu hết anh chị đều chọn đi xe đò.
Để đến trường đúng giờ, các thầy-cô phải nắm chính xác lịch xe chạy. Những giáo viên có tiết 1 buổi sáng thì 5 giờ đã phải đón xe. Có thể đến bến nhưng đa số họ chạy sang ngã tư Lâm nghiệp, gửi xe máy gần đó rồi bắt xe đò cho nhanh. Với lại, nơi đây có bán mấy món lót dạ, khi vội quá thì mua hộp xôi, ổ bánh mì lên xe tranh thủ ăn, vừa xong là đến trường, vào lớp dạy luôn.
Các xe tuyến Pleiku-Đức Cơ đều khá cũ, chủ yếu chở hàng. Lúc đi, xe nào cũng đầy ắp rau quả, mắm cá...; lượt về ít hàng hơn nhưng thường là những món “đặc sản” từ vùng biên giới đem về phố.
Vì xe chở hàng nên chỉ có vài băng ghế để ngồi. Gặp ngày đông như sáng thứ hai, trên xe hơn chục người, ghế không đủ thì ngồi ngất ngưởng trên thùng hàng, có thầy phải chui trong cốp sau, lom khom bên mớ rau, bao gạo. Vì chật chội nên áo quần ai cũng không còn phẳng phiu, có khi bị ám mùi mắm cá, giày dép thì dính đầy đất đỏ. Nhưng cứ đến trường đúng giờ, kịp dạy là mừng rồi!
Ảnh minh họa: Internet |
Việc đi lại như thế cũng khá cập rập, không chủ động nhưng lâu rồi thành quen. Có nhiều điều thú vị trên những chuyến xe ấy, các giáo viên không chỉ trao đổi với nhau về trường lớp mà còn kể đủ chuyện từ trong nhà đến trên nguồn dưới bể. Qua đó, họ hiểu thêm về hoàn cảnh gia đình, cảm nhận sâu hơn tình đồng nghiệp.
Đặc biệt là họ còn thấy được tấm lòng của những người xung quanh dành cho nghề giáo. Các điểm giữ xe máy thu tiền giáo viên thường rẻ hơn. Việc đi xe cũng được “ưu tiên” chút đỉnh: Chủ xe, bác tài cảm thông cho thầy cô đi dạy xa khổ cực nên cũng giảm tiền xe; có khi các cô giáo đến bến xe muộn dăm ba phút, xe đã chạy một đoạn rồi nhưng gọi, tài xế vẫn cho xe quay lại để đón. Ngay cả hành khách là những người đi buôn chuyến cũng thân mật trò chuyện, có khi còn “để lại giá vốn” cho thầy cô những hàng thật 100% như mật ong rừng, chuối hột rừng, thịt heo rừng...
Hiện nay, nhiều giáo viên ở Pleiku đi dạy xa nhà vẫn tiếp tục hành trình trên các chuyến xe như thế. Ai cũng bảo, đó là những chuyến xe đáng nhớ trong cuộc đời dạy học của mình.
PHAN VĂN THIÊN