Phóng sự - Ký sự

Tri ân, chuyện tháng Bảy-Bài 2: Chăm sóc những bệnh nhân đặc biệt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
“Thương binh nặng là những bệnh nhân đặc biệt, vừa cao tuổi lại rất khó tính nếu không biết chiều, biết “dỗ”, người chăm sóc rất dễ bị “rút chốt” và ăn đòn”, đó là chia sẻ của bác sỹ Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Trung tâm Ðiều dưỡng Thương binh Thuận Thành.
 
Thăm khám cho thương binh
Thăm khám cho thương binh
“Phải biết cách chiều chuộng”
16h là khoảng thời gian cán bộ Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành phục vụ cơm nước cho các thương binh. Bác sỹ Phạm Thị Pha, Phó Trưởng phòng Y tế Trung tâm kể, thương binh ăn uống, sinh hoạt thất thường. Có người thích ăn sớm, muộn, ăn cơm nát, cứng khác nhau. Có người ngày nào cũng theo một guồng quay, 16h là bắt đầu ăn cơm tối, 19h đã lên giường đi ngủ. Đến 0h cơn đau của họ ập đến. Lúc đó, họ sẽ bấm chuông gọi, cán bộ trực phải có mặt để xem xét tình hình và báo với tổ trực lên phương án xử lý.
“Mỗi buổi sáng, cán bộ trong Trung tâm sẽ họp giao ban, chú ý diễn biến của từng thương binh trong đêm. Sau đó, các y bác sỹ sẽ đánh giá, hội chẩn và đưa ra phương án xử lý theo ngày. Còn Tổ phục vụ (gồm 1 hộ lý và 6-7 người phục vụ) sẽ chia làm hai ca trực ban ngày và ban đêm. Ca trực sẽ bắt đầu từ 7h sáng và đổi ca lúc 19h. Tại Trung tâm, có 5 thương binh bị liệt, sức khỏe yếu, phải nằm một chỗ. Cứ đến 5h30 phút, tổ phục vụ sẽ lấy nước, kem đánh răng mang đến giường lau rửa răng miệng, vệ sinh cá nhân. Đến 7h thì cho các bác ăn sáng”, bác sỹ Pha cho hay.
 
Chăm sóc thương binh tại Trung tâm
Chăm sóc thương binh tại Trung tâm
Vì các thương binh bị liệt nên việc sinh hoạt, tắm rửa cũng đặc biệt. Hàng ngày, cứ đến 15h tổ phục vụ sẽ chia từng tốp 3 người đến phòng tắm rửa, gội đầu cho các bác. Hai người chịu trách nhiệm nâng người các bác lên để lau từng bộ phận. Do bị liệt nửa người nên đa phần thân hình các bác bị lệch, phần tay, thân thì to lớn còn phần mông, chân thì teo tóp. Nếu nâng không khéo rất dễ bị gãy xương. “Lúc tắm, lau người phải nhẹ nhàng, lau mạnh sẽ bị đau, các bác mắng. Hay những lúc xúc cơm cho các bác, cũng phải chờ bác nhai hết mới được xúc tiếp”, bác sỹ Pha nói và cho biết, hơn 22 năm công tác, chị hiểu tính cách từng người. Không chỉ chị, các nhân viên khác cũng được học, được chỉ bảo để nắm được hàng ngày các bác thích ăn gì, ăn như thế nào, để biết cách chế biến, nấu nướng cho phù hợp.
Ngày 9/7 vừa qua, đến thăm Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Ðảng, Nhà nước và nhân dân đã quan tâm, chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng và đạt nhiều thành tựu. Thương binh Ðỗ Ðăng Khuây (quê Thái Bình) chia sẻ về việc máy giặt tại trung tâm có hỏng hóc nên thay mặt đồng đội gửi mong muốn tới đoàn công tác xin một máy giặt mới. Ðáp lại mong mỏi của đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Ðảng, Nhà nước đồng ý với đề nghị trên và trao tặng ngay 100 chiếc máy giặt mới cho các trung tâm để thể hiện sự quan tâm tới thương bệnh binh.
Bị “rút chốt” vì không cấp thuốc giảm đau
Sau một hồi chờ đợi, chúng tôi mới có dịp gặp được Giám đốc Trung tâm - bác sỹ Nguyễn Văn Hương với đôi mắt đỏ ngầu vì thiếu ngủ. Rót nước mời khách, lau vội những hạt mồ hôi lấm tấm trên trán anh giải thích: “Mấy hôm chuẩn bị kế hoạch đón các đoàn khách đến thăm. Chúng tôi cũng tri ân thương binh trong Trung tâm bằng cách đi làm 100% thời gian, quân số”.
Anh Hương vốn là bác sỹ, công tác tại Trung tâm đã hơn 23 năm. Hỏi đến chăm sóc các bác thế nào, anh đọc bệnh, tính cách từng người vanh vách.
 
Chăm sóc thương binh tại Trung tâm
Chăm sóc thương binh tại Trung tâm
Anh Hương cho hay, hơn 23 năm chăm sóc với vai trò là bác sỹ, anh không chỉ hiểu được bệnh tật của từng người mà còn hiểu rõ cả tính cách để có hướng điều trị, chăm sóc thích hợp.
Dù là người giàu kinh nghiệm điều trị cho các thương binh nặng nhưng không ít lần bác sỹ Hương bị… “rút chốt”, giam lỏng trong phòng điều trị hàng giờ đồng hồ. Bác sỹ Hương kể: “Có lần, khi tôi làm bác sỹ phụ trách kíp trực đêm. Gần sáng có tiếng chuông báo. Thấy anh em ngủ, tôi xuống phòng khám kiểm tra như mọi lần. Bác thương binh đau quá, xin thuốc giảm đau. Tôi cầm tay bắt mạch kiểm tra, mắt vẫn để ý như mọi lần. Không ngờ tay bên kia (có buộc dây nối với chốt cửa) giật mạnh, chốt bung ra, đóng sập cửa lại. Bác thương binh thay đổi thái độ chóng mặt, miệng quát: Tao có đau mới phải xin chứ có thiết tha gì. Tôi liền lùi ra xa, tiếp tục thuyết phục và quan sát. Vì không mang điện thoại nên ở cùng bác thương binh đến sáng khi tổ phục vụ đến quét dọn, mở cửa mới ra được. Những ngày hôm sau, bác cũng biết lỗi và tìm đến nói: Do đau quá, anh thông cảm!”.
 
Thăm khám cho thương binh
Thăm khám cho thương binh
Trở lại câu chuyện trong buổi nói chuyện, đọc thơ của thương binh Đinh Văn Bách (quê ở Thái Bình) với đồng đội trong khuôn viên Trung tâm mà chúng tôi đã đề cập ở bài trước. Vui chuyện, chúng tôi gạn hỏi các bác về thái độ chăm sóc, phục vụ của cán bộ trong Trung tâm, ông Bách bảo rằng: “Anh cứ nhìn chúng tôi khỏe, đẹp như thế này là biết có tốt hay không. Chúng tôi đều là thương binh, mất trên 91% sức khỏe rồi, giờ lại tuổi cao, tồn tại đến nay cũng là có sự quan tâm chăm sóc của cán bộ nhân viên, của các ban ngành”, ông Bách nói.
Lạ thay, bài thơ mà ông vừa sáng tác, đọc cho bạn và chúng tôi nghe cũng là vần thơ cảm ơn, ca ngợi các bác sỹ, nhân viên trung tâm. Bài thơ dài hơn 20 câu, như lời kể chuyện, tâm tình; có những câu mộc mạc như: “Tháng bảy về nắng nóng quá đi thôi/Các bác sỹ ở nơi đây vất vả… Áo bờ lu trắng, dáng người nhỏ xinh xinh/Chăm sóc bệnh nhân như người thân ruột thịt… Mặc dù mưa gió, trời tối đêm đông/Nghe tiếng chuông báo bệnh nhân đau yếu/Chị bác sỹ, y tá kịp thời cấp cứu/Đến thăm khám rồi tiêm thuốc cho bệnh nhân… Xin cảm ơn thiên thần áo trắng tận tình/Chăm sóc thương binh như người thân ruột thịt!”.
Theo Đức Anh (TPO)

Có thể bạn quan tâm