Phóng sự - Ký sự

Tri ân, chuyện tháng Bảy-Bài 4: Những vết thương không lành

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Chiến tranh đã kết thúc, những vết thương trên da thịt đã lành, nhưng những vết thương của những thương binh bị tâm thần thì không. Trong những cơn động kinh, chiến tranh lại hiện về đầy ám ảnh…
Vào khu điều trị đặc biệt
12h, chúng tôi đặt chân đến Trung tâm chăm sóc và nuôi dưỡng người có công Thanh Hóa (Trung tâm) ở xã Quảng Thọ (thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) giữa giờ nghỉ trưa. Những ngày tháng 7 này, cán bộ, y bác sỹ tại đây tất bật hơn với việc chuẩn bị kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ. Trưởng phòng TCHC Trung tâm Trịnh Văn Cường đón chúng tôi. “Các bác vừa dùng bữa xong, giờ đang nghỉ trưa. Để tôi dẫn anh đi một vòng tham quan Trung tâm”, anh Cường thông tin.
 
Ly đang trò chuyện với thương binh Đỗ Xuân Thuật
Ly đang trò chuyện với thương binh Đỗ Xuân Thuật
Trung tâm phân bố từng khu vực riêng biệt gồm khu chăm sóc thân nhân liệt sỹ, khu chăm sóc người nhiễm chất độc da cam, khu chăm sóc thương binh, bệnh binh bị tâm thần. Toàn bộ khuôn viên trung tâm được trồng phủ cây xanh thoáng đãng, mát mẻ.
Tại khu vực quản lý chăm sóc thương bệnh binh tâm thần có 4 dãy nhà cấp 4 được xây dựng theo hình chữ E. Dãy nhà ở giữa (là dấu gạch giữa của chữ E) là nơi làm việc của cán bộ y tế, xung quanh là dãy nhà riêng của thương bệnh binh bị liệt và thương bệnh binh bị tâm thần. Các dãy nhà được chia làm nhiều phòng nhỏ, lát gạch men sạch sẽ.
Anh Cường giới thiệu y sỹ Nguyễn Quỳnh Ly. Ly sinh năm 1986 xinh xắn, có giọng nói trong trẻo, dịu dàng, bắt đầu làm ở bộ phận chăm sóc cho các thương bệnh binh bị tâm thần này từ năm 2009. Hơn 10 năm ở đây, chỉ cần có tiếng nói phát ra là chị biết giọng của ai, trong trạng thái thế nào.
Mỗi ngày, từ 7h30 phút, Ly và các y, bác sỹ cho các bác thương bệnh binh ăn và uống thuốc; buổi chiều thì thay quần áo, tắm giặt. Đến tối, vào mùa đông, kíp trực đi kiểm tra các bác có đắp chăn hay không; mùa hè thì kiểm tra điều hòa, quạt có đủ mát không. Lúc 8h30 hôm sau, sau khi giao ban, kíp trực mới bàn giao và ra về.
“Những ngày đầu mới tiếp xúc với các bác vừa bị thương tật, vừa bị tâm thần, em rất sợ. Hàng ngày, chăm sóc, phục vụ ăn uống, vệ sinh cho các bác thân tình là thế nhưng khi bị kích động, các bác sẵn sàng mắng chửi rất nặng nề, thậm tệ. Những lúc như thế người chăm sóc phải đóng vai người trong cuộc, hòa mình vào câu chuyện mới biết những gì đang diễn ra, rồi hỏi thăm, quan tâm và chia sẻ với các bác…”, Ly kể.
Mở từng trang trong cuốn nhật ký kíp trực trên bàn, Ly cho biết, sau mỗi kíp trực, y bác sỹ đều phải ghi báo cáo biểu hiện của từng thương bệnh binh trong thời gian trực.
Chiến tranh vẫn hiện nguyên hình
Đang chăm chú với những dòng báo cáo của kíp trực, chúng tôi bỗng giật thót vì tiếng “Hò ơ ơ ơ…” vọng lên từ khu điều trị. Ly nói với tôi, đó là giọng ông Đỗ Xuân Thuật, thương tật 81%. Ông Thuật sinh năm 1958 quê ở xã Thiệu Phúc (huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) bị viêm não, tâm thần phân liệt, trí tuệ sa sút mức độ nặng.
Nghe thấy thế, chúng tôi liền xuống căn phòng nơi ông Thuật nghỉ. Ông Thuật ở cùng 4 người khác trong căn phòng hơn 20m2. Ông Thuật ngồi trên giường phía góc phòng, người săn chắc, nước da ngăm ngăm. Những lúc bình thường, ông tự chăm sóc bản thân, siêng năng, hoạt bát, hay làm giúp mọi người.
“Khi bị kích động, bác ấy bỏ bữa, không ăn cơm. Có khi bác đi quét sân, lau phòng cho các bệnh nhân khác. Những khi đó, bác lại mong mỏi con đến thăm, có bánh có kẹo, có tiền sẽ mua quà cho các em (y, bác sỹ trong Trung tâm)”, Ly vừa kể rồi vỗ về, nói chuyện với ông Thuật.
Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng lao động cho thương binh, bệnh binh nặng các loại và thương binh nặng bị tâm thần mãn tính. Trung tâm có nhiệm vụ khác là phục hồi chức năng cho người bị nhiễm chất độc da cam (dioxin) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trung tâm hiện đang phụng dưỡng 235 người. Trong đó, thương bệnh binh tổng hợp 44 người; thương bệnh binh tâm thần 67 người; thân nhân liệt sĩ 26 người; chất độc da cam 98 người.
Dẫn chúng tôi sang chiếc giường bên cạnh nơi ông Lò Chí Kế nghỉ, Ly cho biết, ông Kế là thương binh bị bệnh tâm thần nặng nhất trong trung tâm. Ông Kế, sinh năm 1958 quê ở Như Xuân (Thanh Hóa) được biên chế vào Sư đoàn 339, Quân khu 9 chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam.
Năm 1981 trong một trận đánh, ông bị thương, cụt 1/3 chân trái, bị thương ở đùi phải, mông, tai, má và tâm thần phân liệt.
Chiếc giường của ông Kế liền với sàn, không có chân để thuận tiện sinh hoạt. Thấy Ly và chúng tôi đến ông chỉ nhỏm dậy cười, gật gật đầu rồi đưa tay cho Ly kiểm tra.
“Mỗi lần, bác Kế bị hoang tưởng kéo dài hơn 2 tháng. Bình thường, bác béo, khỏe thế này nhưng sau mỗi đợt ốm bệnh, bỏ ăn sụt hàng chục kg. Hàng đêm, cứ đến khoảng 1 - 2h sáng bác lại bị kích động. Trong đêm vắng lặng ở trung tâm bác hô to: “Anh em xung phong; anh em ơi, giặc đến rồi; máy bay đang thả bom”, náo loạn cả khu điều trị. Có lúc, bác lại ngồi nói chuyện một mình như nói với đồng đội, rồi cười, khóc vu vơ”.
Có lúc, bác Kế dùng nạng đập vào giường sắt, cửa nhôm kêu loảng xoảng... Những lúc như thế, phải đưa bác ra “phòng kích động” riêng để chăm sóc. Rồi y bác sỹ lẳng lặng theo dõi từ xa. Nếu thấy bác kích động quá, phải nhờ người (phải là đàn ông) để quát, “lệnh” cho bác yên để tiêm thuốc. Có những đợt tiêm cả tuần, vết tiêm bị sưng tấy.
Sau tiêm khoảng 30 phút cơn kích động của bác sẽ dịu lại. Nhưng mỗi đêm, bác chỉ ngủ khoảng 1 tiếng và ban ngày hầu như không ngủ, cứ “lọ mọ làm việc” trong phòng suốt như thế.
 
Ly đang chăm sóc cho thương binh Lò Chí Kế
Ly đang chăm sóc cho thương binh Lò Chí Kế
Trên đường quay lại phòng trực, Ly không quên “ngó” qua cửa sổ từng phòng để kiểm tra từng người phía trong. “Bản thân tôi chỉ nghĩ rằng, mình cố gắng hoàn thành công việc. Các bác đã chiến đấu, để lại một phần máu thịt để giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc nên không thể đem công sức nhỏ bé của mình ra so sánh được. Tôi chỉ tâm niệm rằng, cố gắng giúp đỡ, chăm sóc để các bác sống lâu hơn”, Ly chia sẻ.
Chúng tôi ra về nhưng mãi không xua được trong đầu hình ảnh những thương binh đang bình thường bỗng hét lên hoặc ngồi lặng lẽ rất lâu sau những khung cửa. Nếu có dịp đến thăm nơi này, bạn cũng đừng giật mình khi vài thương binh sẽ chạy theo trong khung cửa lùa, hét lên, hua tay chỉ để xin một điếu thuốc lá rồi chuyền cho nhau hút. Bệnh tật lẫn tuổi tác, nỗi ám ảnh chiến tranh cứ ám ảnh, đeo đẳng họ…
Theo Đức Anh (TPO)

Có thể bạn quan tâm