Phóng sự - Ký sự

Tri ân người nằm xuống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 60 năm xảy ra sự kiện thảm sát làng Bak (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông), những ký ức đau thương đã nhường chỗ cho khát vọng hòa bình, xây dựng cuộc sống mới. Chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động thể hiện sự tri ân đối với những người đã ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.


Làng Bak anh hùng

Địa điểm thảm sát làng Bak năm 1962 là tên gọi chỉ sự kiện thảm sát của Mỹ-ngụy đối với người dân 2 làng Bak Ngó và Bak Yố trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Theo nhiều tài liệu, làng Bak được viết nhiều cách như “làng Bạc”, “làng Pak”…

Trong kháng chiến chống Mỹ, xã E5 (Ia Phìn) nói chung, làng Bak nói riêng được coi là “bức tường thép” bởi lòng yêu nước và ý chí đấu tranh kiên cường của người dân. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến sự kiện thảm sát bi thương trên chiến trường Tây Nguyên. Kẻ địch đã điên cuồng xả súng vào người dân vô tội ở làng Bak, làm 162 người chết và bị thương, trong đó có 96 phụ nữ và trẻ em.

Sau cuộc thảm sát, làng Bak gần như bị xóa sổ. Những người sống sót phải lánh sang các làng khác để tránh khủng bố. Đến ngày giải phóng miền Nam năm 1975, dân làng Bak còn hơn 40 hộ mới trở về làng cũ, tương trợ nhau cùng lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.

Khảo sát địa điểm thảm sát làng Bak năm 1962. Ảnh: Xuân Toản

Khảo sát địa điểm thảm sát làng Bak năm 1962. Ảnh: Xuân Toản

Bà Rơ Lan Hjam-Trợ lý Huyện đội từ năm 1963 đến 1965-cho biết: “Sau vụ thảm sát, dưới sự lãnh đạo của Khu ủy, Ban cán sự Khu V, làn sóng đấu tranh mạnh mẽ tố cáo tội ác của Mỹ-ngụy đã diễn ra và lan rộng. Sự kiện làng Bak còn được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam từ Hà Nội, vạch trần tội ác mà Mỹ gây ra cho đồng bào Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung”.

Hơn 60 năm trôi qua, sự kiện bi thương này vẫn còn in đậm trong trí nhớ của bà Siu H’Noanh-Tiểu đội trưởng Tiểu đội nữ du kích làng Bak khi trực tiếp chứng kiến cha và anh rể bị thương trong vụ thảm sát đẫm máu. Cùng với nữ du kích H’Noanh, đội du kích làng Bak lừng lẫy một thời còn có những đội viên anh dũng như Ra Lan Thôh, Kpă Hyôi, Kpă Tình, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Kpă Ó... Bà H’Noanh cùng những gia đình có người thân bị giết hại mong sớm được các cấp, các ngành xây dựng một nhà tưởng niệm những người dân vô tội đã ngã xuống năm nào.

Tri ân người nằm xuống

Nếu thảm sát Nhân dân làng Tân Lập năm 1947 (nay thuộc xã Đak Hlơ, huyện Kbang) là sự kiện đau thương nhất ở Gia Lai trong kháng chiến chống Pháp thì thảm sát làng Bak năm 1962 là sự kiện bi thương nhất trong kháng chiến chống Mỹ. Cả hai vụ thảm sát đều để lại những mất mát, đau thương và là chứng tích tội ác của giặc đã gây ra cho những người dân vô tội trên chiến trường Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung. Địa điểm vụ thảm sát Nhân dân làng Tân Lập năm 1947 đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2017.

Tri ân sự đóng góp, hy sinh của đồng bào Jrai vô tội và những người đã nằm xuống trong sự kiện thảm sát làng Bak, được sự đồng ý của UBND tỉnh, huyện Chư Prông đã xây dựng kế hoạch, khảo sát, gặp gỡ nhân chứng để lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với địa điểm này. Phó Chủ tịch UBND huyện Ksor Việt đã trực tiếp dẫn đoàn khảo sát địa điểm xảy ra cuộc thảm sát làng Bak năm 1962, gặp gỡ nhân chứng trong quá trình thu thập tư liệu, lập hồ sơ báo cáo.

UBND huyện Chư Prông tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các nhà khoa học, nghiên cứu văn hóa-lịch sử và các nhân chứng về địa điểm thảm sát làng Bak. Ảnh: Huỳnh Bá Tính

UBND huyện Chư Prông tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các nhà khoa học, nghiên cứu văn hóa-lịch sử và các nhân chứng về địa điểm thảm sát làng Bak. Ảnh: Huỳnh Bá Tính

Sau khi khảo sát, lập hồ sơ, UBND huyện đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử-văn hóa, nhân chứng lịch sử để hoàn thiện hồ sơ khoa học. Tại hội thảo, Đại tá Phạm Mạnh Hùng-Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh bày tỏ sự ủng hộ việc UBND huyện lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích lịch sử địa điểm thảm sát làng Bak.

“Đây là việc làm thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Ban Chỉ huy Quân sự huyện phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành khảo sát, đề xuất với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh những vấn đề cần thực hiện trong thời gian tới để địa điểm này sớm được công nhận di tích”-Đại tá Hùng nhấn mạnh.

Nơi chôn cất những nạn nhân trong cuộc thảm sát làng Bak năm 1962 thuộc khu vực nhà mồ làng Bak trước đây, hiện đang được người dân canh tác nông nghiệp, chỉ còn khoảng 150 m2 cỏ dại mọc um tùm.

Theo quan niệm của người Jrai, nhà mồ là nơi linh thiêng nên người dân ít khi lui tới khu vực này. Việc lui tới chăm nom khu nhà mồ hoặc tổ chức các nghi lễ tại đây cũng không được thực hiện. Hoạt động sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dường như không được tổ chức tại đây từ sau năm 1983 đến nay. Do đó, cùng với lập hồ sơ công nhận di tích, địa phương cũng nghiên cứu xây dựng một số phương án để khoanh vùng, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Địa phương lấy ngày 6-10 hàng năm làm ngày giỗ chung cho những người đã khuất trong cuộc thảm sát làng Bak năm 1962. Cùng với đó, bố trí kinh phí, xây dựng kế hoạch cụ thể cho việc tổ chức ngày giỗ chung phù hợp với điều kiện thực tế và phong tục của người dân làng Bak.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức các chương trình về nguồn, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, dần dần đưa di tích trở thành “địa chỉ đỏ”, là điểm đến không thể thiếu trong chương trình giáo dục lịch sử ở địa phương; phối hợp với các đơn vị lữ hành, các địa phương lân cận để đưa khách du lịch đến tham quan, kết nối với Di tích lịch sử quốc gia Chiến thắng Pleime tạo thành tuyến du lịch trên chiến trường xưa, qua đó giới thiệu lịch sử, văn hóa địa phương đến du khách.

Có thể bạn quan tâm