Vấn đề xe quá tải ngang nhiên lưu thông khắp các tỉnh, thành phố thật sự là khó hiểu. Bởi xe quá tải thường "lộ thiên" chứ đâu phải con sâu, cái kiến mà không thấy. Lực lượng chức năng ra quân xử phạt thì tạm lắng, khi rút quân thì đâu lại vào đấy và cứ thế lặp đi lặp lại cả chục năm qua gây ra biết bao hệ lụy.
Mỗi loại xe được thiết kế tương ứng với tải trọng để bảo đảm an toàn khi lưu thông. Vượt tải trọng thiết kế chắc chắn sẽ dễ gây tai nạn trên đường bởi không thể làm chủ được tốc độ, không phát huy được các tính năng của phương tiện. Mà thực tế đã có rất nhiều vụ tai nạn thảm khốc do xe quá tải gây ra. Luật Giao thông đường bộ cũng quy định chặt chẽ về tải trọng xe trên đường. Thế nhưng, những đội xe quá tải mà người dân luôn lo sợ gọi bằng cái tên "hung thần xa lộ" vẫn không dẹp được là điều bất thường về mặt dân sinh lẫn pháp luật.
Các cơ quan chức năng cũng đã xác định xe quá tải là một trong những nguyên nhân chính băm nát hàng loạt con đường ở nhiều tỉnh, thành. Đại diện một doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông từng nhiều lần bức xúc: xe tải đôn thùng, mở rộng thành xe chở đến gấp đôi tải trọng, đi thành từng đoàn thì không con đường nào chịu nổi. Mà họ đi cũng chẳng cần giấu giếm.
Phải nói thẳng rằng phát hiện và xử lý xe quá tải không khó. Khó nhất là giám sát các cơ quan chức năng thực thi như thế nào.
Từ tháng 2-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư hệ thống camera giám sát giao thông ở TP HCM, Hà Nội và toàn tuyến Quốc lộ 1 với tổng kinh phí 2.150 tỉ đồng. Các tỉnh, thành khác cũng đầu tư hàng chục tỉ đồng để gắn camera giám sát trên các tuyến tỉnh lộ và nội đô. Hệ thống camera này khó để lọt lưới các đoàn xe quá tải nhưng tình trạng này vẫn tồn tại thì chỉ có một cách nghĩ là việc xử lý có vấn đề.
Không ít doanh nghiệp "ngửa bài": Chở quá tải để giảm chi phí, kể cả những chi phí không tên. Mà chi phí không tên này thì chẳng xa lạ gì!
Chúng ta đã có kinh nghiệm rất hữu hiệu để xử lý những vi phạm giao thông từ chiến dịch xử lý vi phạm nồng độ cồn vừa qua: Mức xử phạt rất nặng, tước bằng lái, tạm giữ phương tiện và quan trọng nhất là xử lý luôn cả những cán bộ muốn can thiệp vào việc xử lý vi phạm. Chỉ trong một thời gian ngắn, tình trạng say xỉn của người lái xe đã giảm hẳn, tạo được sự răn đe xã hội rất hiệu quả.
Kinh nghiệm này không khó áp dụng cho lĩnh vực xe quá tải. Cốt yếu là các cơ quan chức năng có đủ quyết tâm để thực hiện hay không? Có đủ cứng rắn để xử lý những cá nhân tiếp tay cho xe quá tải và đặt ra mục tiêu rõ ràng là dẹp sạch những "hung thần xa lộ" để bảo đảm an toàn cho người dân khi tham gia giao thông hay không?