Giáo dục

Tin tức

Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 10: Bước đầu "vào guồng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10 tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã dần “vào guồng”.

Năm học 2022-2023, Trường THPT Chi Lăng (TP. Pleiku) có 6 lớp 10 với 232 học sinh. Đến nay, thầy và trò đã bắt nhịp được với chương trình mới. Theo Hiệu trưởng Đỗ Bách Khoa, để chuẩn bị cho việc giảng dạy đối với lớp 10, ngoài cử giáo viên tham gia các đợt tập huấn, bồi dưỡng do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức, Ban Giám hiệu còn mời giảng viên Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tập huấn trực tuyến cho tất cả giáo viên. Ngoài ra, do học sinh ở nội trú, quỹ thời gian học tập và trải nghiệm khá lớn nên những em nào bị hổng kiến thức hoặc không theo kịp chương trình sẽ được các giáo viên quản nhiệm kịp thời hỗ trợ, phụ đạo ngoài giờ hoặc vào buổi tối. Nhờ đó, kết quả kiểm tra cuối học kỳ I của học sinh khối 10 rất khả quan, nhất là môn Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Đến thời điểm này, nhà trường chưa ghi nhận trường hợp học sinh muốn đổi tổ hợp môn học lựa chọn.

Cô Nguyễn Thị Kim Sa-giáo viên Trường THPT Chi Lăng (TP. Pleiku) hướng dẫn học sinh lớp 10 ôn tập môn Hóa học. Ảnh: Mộc Trà
Cô Nguyễn Thị Kim Sa-giáo viên Trường THPT Chi Lăng (TP. Pleiku) hướng dẫn học sinh lớp 10 ôn tập môn Hóa học. Ảnh: Mộc Trà



Em Nguyễn Mai Linh-học sinh lớp 10A4, Trường THPT Chi Lăng-phấn khởi chia sẻ: “Chương trình mới khá hay, nhất là có nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo để chúng em mở mang kiến thức và khám phá nhiều điều thú vị ngoài phạm vi sách giáo khoa”.

Tương tự, em Dương Chi Anh-học sinh lớp 10B, Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai-bày tỏ: “Lúc mới tiếp cận với chương trình, sách giáo khoa mới, em có hơi bỡ ngỡ, bởi phương pháp học hoàn toàn đổi khác. Thầy cô là người hướng dẫn, còn tất cả mọi thứ chúng em đều phải chủ động. Theo em, học theo chương trình mới khá thú vị vì mỗi học sinh được phát huy phẩm chất, năng lực của bản thân, không ỷ lại thầy cô”.

Không chỉ học sinh, ban đầu, đội ngũ giáo viên phụ trách lớp 10 theo chương trình mới cũng không khỏi bỡ ngỡ vì phương pháp dạy học khác nhiều so với trước đây. Thế nhưng, sau một thời gian, đa số thầy-cô giáo đã thích ứng và chủ động, linh hoạt trong giảng dạy với phương châm “Vừa dạy, vừa học, vừa rút kinh nghiệm”. Cô Nguyễn Thị Kim Sa-giáo viên Hóa học, Trường THPT Chi Lăng-cho hay: Chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra nhiều thách thức với giáo viên vì phải đổi mới phương pháp dạy học hoàn toàn. Thêm vào đó, kiến thức môn học cũng nâng cao và mang tính thực tiễn nhiều hơn, đòi hỏi giáo viên phải dành nhiều thời gian cho việc thiết kế bài giảng cũng như nghiên cứu phương pháp dạy học sao cho hiệu quả. Dẫu vất vả nhưng đổi lại, lớp học lúc nào cũng sôi nổi, hào hứng bởi học sinh được tương tác, thực hành trải nghiệm, sáng tạo nhiều hơn.

Còn thầy Nguyễn Tiến Hùng-giáo viên Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Đak Đoa) thì chia sẻ: “Từ giáo viên Giáo dục công dân, tôi chuyển sang dạy môn Giáo dục kinh tế và pháp luật ở lớp 10. Đây là môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do đó, giáo viên được phân công giảng dạy môn học này ngoài các buổi tập huấn, bồi dưỡng do ngành tổ chức thì hầu như phải tự nghiên cứu và trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm sau mỗi tiết dạy”.

Giáo dục Kinh tế và Pháp luật là môn học mới đòi hỏi giáo viên và học sinh phải chủ động nghiên cứu, cập nhật kiến thức. Ảnh: Mộc Trà
Giáo dục Kinh tế và Pháp luật là môn học mới đòi hỏi giáo viên và học sinh phải chủ động nghiên cứu, cập nhật kiến thức. Ảnh: Mộc Trà



Theo nhận định của nhiều cơ sở giáo dục, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10 đã bước đầu “vào guồng” sau 1 học kỳ, đảm bảo tiến độ và yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn cần tháo gỡ để công tác dạy học đạt hiệu quả. Thầy Võ Tiến Tùng-Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong-thông tin: Nhà trường đang gặp khó trong việc tổ chức hoạt động trải nghiệm-hướng nghiệp vì thiếu đội ngũ giảng dạy, giáo viên chủ yếu là kiêm nhiệm. Trong khi đó, số giáo viên giảng dạy các môn như: Vật lý, Hóa học lại có nguy cơ dôi dư do học sinh chủ yếu chọn tổ hợp Khoa học xã hội. Về chất lượng giáo dục, tính đến giữa học kỳ I, kết quả học tập của học sinh có thấp hơn một chút so với chương trình cũ. Tuy nhiên, sự chênh lệch này cũng dễ hiểu khi cả thầy và trò đang trong giai đoạn làm quen, bắt nhịp với chương trình mới. Hiện 341 học sinh lớp 10 đã hoàn thành bài kiểm tra cuối học kỳ I. Sau khi có kết quả, nhà trường sẽ họp các tổ chuyên môn và có sự đánh giá cụ thể ở từng bộ môn; từ đó đề ra giải pháp phù hợp cho học kỳ II.

Liên quan đến nguyên nhân khiến kết quả học tập của khối 10 đạt thấp, thầy Hà Hữu Phúc-Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai-lý giải thêm: Ở bậc THCS, các em tiếp cận với chương trình cũ nên không tránh khỏi sự bỡ ngỡ trong tiếp thu kiến thức ở chương trình lớp 10 mới. Chưa kể, những năm trước, quá trình học tập của các em còn bị gián đoạn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cùng với đó, phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập ở chương trình mới cũng có sự thay đổi theo định hướng tiếp cận năng lực học sinh, tức là thay vì đánh giá chủ yếu từ ghi nhớ, hiểu kiến thức… thì chuyển sang đánh giá năng lực vận dụng, giải quyết những vấn đề thực tiễn của các em. Tuy nhiên, tôi nghĩ, khi việc dạy và học đi vào nền nếp thì kết quả này chắc chắn sẽ có sự cải thiện trong thời gian đến.

 

MỘC TRÀ
 

Có thể bạn quan tâm