Điểm đến Gia Lai

Triển vọng cây chè trên đất Chư Pơng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều hộ dân xã Chư Pơng (huyện Chư Sê, Gia Lai) đã chủ động chọn trồng chè. để phát triển kinh tế gia đình. Bước đầu, loại cây trồng này đã phát huy hiệu quả, đem lại thu nhập khá cao cho người dân.
Trồng chè cho thu nhập cao
Sinh ra và lớn lên ở xứ chè Thái Nguyên nên bà Vũ Thị Mỹ hiểu rất rõ về loại cây trồng này. Theo bà, chè là loại cây dễ trồng, vốn đầu tư ít và chỉ cần trồng 1 lần sẽ thu hoạch nhiều năm. Vì vậy, năm 2001, khi vào thôn Thái Hà (xã Chư Pơng) lập nghiệp, bà đã đầu tư trồng 1 ha chè sẻ. Đây là giống chè được cho là có chất lượng tốt nhất ở Thái Nguyên. Ban đầu, bà vẫn lo cây chè cho chất lượng không ngon vì trồng trên đất mới. Tuy nhiên, sau khi chế biến mẻ đầu tiên, thấy chè cho nước xanh, vị ngọt, thơm, bà mới tin là giống chè này hợp với thổ nhưỡng ở Chư Pơng. Lặn lội khắp nơi để giới thiệu sản phẩm chè do mình trực tiếp trồng, chế biến, dần dần bà Mỹ đã xây dựng được lượng khách hàng ổn định và có nguồn thu nhập khá từ trồng, chế biến chè sẻ.
Nhờ hợp với thổ nhưỡng ở đây, mỗi năm, 3 sào chè của bà Mỹ (bên trái) cho thu gần 1,6 tấn chè khô. Ảnh: H.T
Thời gian gần đây, giao hàng cho khách không xuể nên bà Mỹ chỉ giữ lại 3 sào chè, còn lại chuyển sang trồng cà phê. Tuy diện tích giảm nhưng mỗi năm bà vẫn thu được hơn 1,6 tấn chè khô, bán với giá 200-300 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 200 triệu đồng. “Kỹ thuật trồng và cách chế biến chè rất quan trọng vì nó quyết định chất lượng sản phẩm. Do đó, khi bón phân cho chè, tôi sử dụng phân chuồng, phân vi sinh thay cho phân hóa học để chè cho vị đậm. Bên cạnh đó, tôi sấy chè bằng lửa để sản phẩm giữ được vị thơm tự nhiên. Ngoài ra, sau khi hái, nếu chè bị ướt, tôi hong khô bằng gió nên trà cho nước màu xanh chứ không bị đỏ và có mùi hăng như phơi nắng. Vì thế, khách hàng rất hài lòng về vị chè do tôi chế biến”-bà Mỹ chia sẻ.
Cách đây 3 năm, bà Dương Thị Liên (thôn Thái Hà) cũng bắt đầu trồng chè. Bà mua giống chè cành từ Thái Nguyên về trồng. Trong quá trình chăm sóc chè, bà chủ yếu sử dụng phân chuồng, thường xuyên tưới nước và làm cỏ sạch sẽ. Sau mỗi lần thu hoạch, bà bón phân để cây đủ dưỡng chất cho ra nhiều búp. Nhờ đó, mỗi năm, vườn chè 1 sào của bà cho thu hơn 6 tạ chè khô, trừ chi phí còn lãi hơn 80 triệu đồng.
Chè trồng ở xã Chư Pơng có chất lượng thơm ngon nhưng thị trường tiêu thụ vẫn còn rất hạn chế. Bà Mỹ chia sẻ: “Trồng chè ít rủi ro và cho năng suất cao nhưng chúng tôi chưa tìm được doanh nghiệp thu mua để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Do vậy, chúng tôi rất mong tìm được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để yên tâm sản xuất”. Cùng suy nghĩ,  bà Liên cho hay: “Gia đình tôi vẫn còn 1,5 sào đất hồ tiêu bị chết nhưng chưa dám chuyển sang trồng chè vì lo không có đầu ra. Do vậy, tôi cũng mong các ngành, các cấp hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm cây chè nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập”.
Hướng tới xây dựng thành sản phẩm OCOP
Bà Vũ Thị Mỹ đã xây dựng được thương hiệu Chè bà Mỹ nhưng gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: H.T

Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê: “Tại huyện Chư Sê mới chỉ có địa bàn xã Chư Pơng là trồng và chế biến chè sạch. Qua thực tế cho thấy, chè trồng ở vùng đất này khá hiệu quả. Vì vậy, chúng tôi đang hướng dẫn xã Chư Pơng xây dựng chè thành sản phẩm OCOP để qua đó hỗ trợ các hộ dân về đầu ra sản phẩm”.

Nhận thấy cây chè phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương và mang lại nguồn thu khá cao cho người trồng, thời gian qua, xã Chư Pơng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân như: giúp vay vốn ưu đãi với số tiền trên 162 triệu đồng/6 hộ; tổ chức cho một số hộ tham quan mô hình trồng, chế biến chè để học hỏi kinh nghiệm; trưng bày sản phẩm chè đã qua chế biến của các hộ dân tại các chương trình thương mại, hội chợ do địa phương tổ chức. Bà Cao Thị Hồng Xuân-Chủ tịch Hội Nông dân xã-cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã có 10 hộ trồng chè với tổng diện tích hơn 5 ha, tập trung ở thôn Thái Hà. Thực tế, cây chè phù hợp với thổ nhưỡng ở đây và cho chất lượng tốt. Tuy nhiên, sản phẩm của các hộ dân chủ yếu là bán lẻ nên bà con có nguyện vọng xây dựng 1 tổ liên kết để tìm kiếm doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra. Đến nay, chúng tôi đã tập hợp được một số hộ dân để xây dựng tổ liên kết nhưng chưa tìm được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Vì vậy, chúng tôi mong các ngành, các cấp hỗ trợ tìm đầu ra ổn định cho người dân”.
Trao đổi với P.V, ông Võ Công Hòa-Chủ tịch UBND xã Chư Pơng-thông tin: Đến cuối năm 2018, toàn xã có 215/330 ha hồ tiêu chết vì bệnh. Vì vậy, ngoài cà phê, cây ăn quả, cây dược liệu thì chè được xác định là cây trồng chủ lực của xã. Xã đang phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của huyện để xây dựng thương hiệu chè Thái Hà và thời gian tới sẽ xây dựng tổ liên kết trồng, chế biến chè. Đặc biệt, xã định hướng sẽ xây dựng chè thành sản phẩm OCOP của địa phương. Qua đó, vận động người dân mở rộng thêm diện tích, đặc biệt là trên diện tích hồ tiêu bị chết. “Tới đây, nếu diện tích chè được mở rộng và cho hiệu quả kinh tế, xã sẽ kiến nghị huyện hỗ trợ kinh phí chuyển đổi cây trồng. Trước mắt, chúng tôi mong các cấp, các ngành quan tâm giới thiệu sản phẩm này tại các chương trình thương mại, hội chợ giúp các hộ có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ; tạo điều kiện để xã xây dựng thành công thương hiệu chè Thái Hà”-ông Hòa mong muốn.
HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm