(GLO)- Tháng 8-2018, Trạm Khuyến nông huyện Chư Sê, Gia Lai đã hỗ trợ giống, vốn và vật tư đầu vào cho hộ ông Nguyễn Việt Lào (thôn Vinh Hà, xã Ia Blang) triển khai thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng rau trong nhà lưới kết hợp tưới nước tự động”. Qua hơn 3 tháng triển khai, mô hình đã cho kết quả khả quan với năng suất cà chua thu hoạch đạt gần 4 tấn/sào và khổ qua đạt 2,5 tấn/sào.
Tham gia dự án trồng rau trong nhà lưới kết hợp tưới nước tự động, gia đình ông Lào được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ gần 200 triệu đồng để mua vật tư đầu vào tiến hành xây dựng nhà lưới với diện tích 2.000 m2, cấu tạo mái hở một bên, khung nhà làm bằng sắt mạ kẽm, phía trên và xung quanh lợp lưới ni lông, giăng lưới chống côn trùng phá hoại. Đồng thời, gia đình ông còn được hướng dẫn lắp đặt hệ thống tưới nước tự động kết hợp bón phân qua nước.
Ông Nguyễn Việt Lào (thôn Vinh Hà, xã Ia Blang) thu hoạch khổ qua trồng trong nhà lưới. Ảnh: H.V |
Bên cạnh đó, để giúp cho gia đình ông Lào thuận tiện hơn trong việc phát triển mô hình trồng rau sạch, Trạm Khuyến nông huyện cũng đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Nhờ làm đúng theo quy trình kỹ thuật mà Trạm Khuyến nông huyện hướng dẫn, qua hơn 3 tháng trồng và chăm sóc, mô hình rau sạch đã cho thu hoạch. Năng suất, chất lượng cà chua, khổ qua gia đình ông Lào trồng được các cơ quan chuyên môn đánh giá cao.
Ông Lào cho biết: “Gia đình tôi được Trạm Khuyến nông huyện đầu tư mô hình trồng cà chua và khổ qua an toàn trong nhà lưới kết hợp tưới nước tự động. Sau một thời gian trồng theo hướng dẫn kỹ thuật của Trạm Khuyến nông, tôi thấy 2 loại cây này rất thích hợp để phát triển sản xuất, thay thế cho cây hồ tiêu và cà phê đang bị dịch bệnh. Mô hình đã giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định hàng ngày”.
Theo đánh giá tại hội thảo đầu bờ do Trạm Khuyến nông huyện Chư Sê tổ chức, mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng rau an toàn trong nhà lưới kết hợp tưới nước tự động bước đầu đã giúp người trồng tiết kiệm được lượng nước tưới, phân bón, công lao động. Đặc biệt, quá trình canh tác không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhưng cây rau vẫn không bị sâu bệnh và côn trùng xâm hại, đạt năng suất, chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng. Mô hình cho năng suất cà chua đạt gần 4 tấn/sào và khổ qua đạt 2,5 tấn/sào. Với giá bán hiện nay trên thị trường là 15.000 đồng/kg cà chua và 9.000 đồng/kg khổ qua, sau mỗi vụ thu hoạch, người trồng thu nhập trên 40 triệu đồng.
Ông Lê Sĩ Quý-Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Chư Sê-cho biết: Đây là mô hình mới, lần đầu tiên được triển khai trên địa bàn huyện nhưng đã thu được thành công. Tới đây, chúng tôi sẽ đề nghị quy hoạch một vùng trồng rau an toàn và tiến tới đăng ký nhãn mác, thương hiệu và liên kết với siêu thị trên địa bàn đưa nông sản sạch vào cho người tiêu dùng để nâng cao giá trị sản phẩm, qua đó đẩy mạnh thực hiện chủ trương đa dạng hóa cây trồng và phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Hoàng Viên