Kinh tế

Nông nghiệp

Triển vọng mô hình liên kết trồng thuốc lá nâu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mô hình liên kết trồng cây thuốc lá nâu ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước theo phương thức hỗ trợ vốn sản xuất, bao tiêu sản phẩm của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và dịch vụ thanh niên xã Đất Bằng (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đã thu hút nhiều hộ dân tham gia. Đây là hướng đi mới giúp thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại giá trị kinh tế cao.
Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ thanh niên xã Đất Bằng thành lập tháng 8-2021, hiện đã tập hợp được 19 thành viên, đa phần đều là đoàn viên, thanh niên trong xã. Khởi điểm, nguồn vốn của HTX có 200 triệu đồng, 2 máy cày, 2 xe tải và 100 ha đất nông nghiệp do các thành viên đóng góp. Định hướng hoạt động của HTX là liên kết sản xuất, kinh doanh các dịch vụ nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con, góp phần hạn chế tình trạng sản xuất manh mún, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác cũng như bao tiêu sản phẩm.
Từ mục tiêu này, tháng 10-2021, HTX đã triển khai mô hình trồng thuốc lá nâu ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Theo đó, đã có 17 hộ tham gia với diện tích hơn 20 ha. Đơn cử, hộ anh Kpă Mieo (buôn Ia Rnho) đã chuyển đổi 2 ha đất trồng mì kém hiệu quả sang trồng thuốc lá nâu. Khi tham gia mô hình, anh được HTX cung ứng giống, hỗ trợ vật tư nông nghiệp, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước tự động; đồng thời ứng trước 10 triệu đồng/ha chi phí sản xuất cho vụ trồng đầu tiên. “Trước đây, gia đình tôi trồng mì nhưng thu nhập rất thấp. Tham gia mô hình, ngoài việc được hỗ trợ vật tư phân bón từ HTX và nhà đầu tư, tôi còn được hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc. Vì vậy, gia đình rất yên tâm, tin tưởng vào hiệu quả mang lại trong thời gian tới”-anh Kpă Mieo chia sẻ.
Hộ anh Kpă Mieo (buôn Ia Rnho) đã tiên phong chuyển đổi 2 ha đất trồng mì kém hiệu quả sang trồng thuốc lá nâu, ứng dụng tưới nước tiết kiệm. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Hộ anh Kpă Mieo (buôn Ia Rnho) đã tiên phong chuyển đổi 2 ha đất trồng mì kém hiệu quả sang trồng thuốc lá nâu, ứng dụng tưới nước tiết kiệm. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Ưu điểm của mô hình là các hộ tham gia bỏ vốn đầu tư ban đầu rất ít, không cần nhiều nhân công. Đặc biệt, cây thuốc lá nâu sau khi thu hoạch chỉ cần phơi khô dưới nắng, không cần lò sấy nên hạn chế được việc sử dụng chất đốt, bảo vệ môi trường. Việc HTX đứng ra liên kết với doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư các khoản chi phí ban đầu và cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân xã Đất Bằng.
Ông Vũ Duy Hiển-Phó Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH một thành viên Thanh Trung (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) khẳng định: “Trước đề xuất hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm cho HTX, bước đầu chúng tôi đã đồng ý triển khai được 22 ha (trung bình hỗ trợ khoảng 40 triệu đồng/ha). Thời gian tới, Công ty tiếp tục mở rộng diện tích, không chỉ hỗ trợ bà con xã Đất Bằng mà còn ở các xã khác. Chúng tôi nhận thấy thuốc lá nâu sẽ trở thành cây trồng phù hợp giúp bà con dân tộc thiểu số xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững”.
Vườn ươm cây giống thuốc lá nâu của HTX nông nghiệp và dịch vụ thanh niên xã Đất Bằng cung cấp cho các hộ tham gia mô hình. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Vườn ươm cây giống thuốc lá nâu của HTX nông nghiệp và dịch vụ thanh niên xã Đất Bằng cung cấp cho các hộ tham gia mô hình. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Theo anh Kpă Séo-Giám đốc HTX nông nghiệp và dịch vụ thanh niên xã Đất Bằng: Đơn vị cũng như địa phương kỳ vọng mô hình trồng cây thuốc lá nâu sẽ mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên HTX và người dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. “Trong quá trình triển khai, chúng tôi không những cung ứng nguồn giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc mà còn hỗ trợ phân bón, tiền mặt cho bà con (10 triệu đồng/ha) không tính lãi suất và liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Hiện chúng tôi đang triển khai thu mua nông sản trên địa bàn xã, tiến tới nhân rộng mô hình trong và ngoài xã để giúp bà con tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo”-anh Kpă Séo thông tin.
Trong khi đó, ông Rô Krik-Chủ tịch UBND xã Đất Bằng-cho hay: Các thành viên HTX rất năng động, có khát vọng phát triển, nhiều ý tưởng rất khả thi, biết khai thác thế mạnh của địa phương. Dự án trồng cây thuốc lá nâu là mô hình đa lợi ích, phù hợp với điều kiện canh tác của người dân, vừa đảm bảo đầu ra, nâng cao giá trị sử dụng đất (có thể trồng 1 vụ thuốc lá, 1 vụ mì), người dân không những vừa hạn chế việc vay ngân hàng hay mượn nợ bên ngoài để đầu tư, vừa được chuyển giao kỹ thuật trồng trọt mới, tiết kiệm nhân công, nước tưới.
NGUYỄN NGỌC

Có thể bạn quan tâm