Kinh tế

Nông nghiệp

Triển vọng nghề trồng dâu nuôi tằm ở Chư Sê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong hoàn cảnh giá hồ tiêu, cà phê đang giảm sâu, được sự hỗ trợ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Sê (Gia Lai), nhiều hộ dân nơi đây đã chuyển sang trồng dâu nuôi tằm. Mặc dù quy mô trồng dâu còn nhỏ, số hộ tham gia chưa nhiều song mô hình này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt.
Mới đây, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Đình Thấn (thôn Tứ Kỳ Bắc, xã Al Bá, huyện Chư Sê) để tìm hiểu mô hình trồng dâu nuôi tằm. Dọc con đường bê tông ngoằn ngoèo qua thôn Tứ Kỳ Bắc, xen giữa những vườn cà phê già cỗi và vườn hồ tiêu chết chỉ còn trơ trụ là những đám dâu xanh mướt. Đi một lúc, ngôi nhà rẫy khá khang trang của gia đình ông Thấn hiện ra trước mắt tôi, hai bên hông nhà là nơi làm trại nuôi tằm. Lúc này, vợ chồng ông Thấn đang loay hoay bắt những con tằm chín màu trắng đục, nung núc bỏ lên né.
Người dân huyện Chư Sê thu hoạch lá dâu.
Người dân huyện Chư Sê thu hoạch lá dâu.
Vừa làm, ông Thấn vừa vui vẻ trò chuyện cùng chúng tôi. Ông bảo, gia đình ông trồng được 3,5 ha cà phê và hồ tiêu. Mấy năm nay, giá hồ tiêu, cà phê xuống thấp, nguồn thu nhập chính của gia đình ông bị ảnh hưởng nặng nề. Tháng 8-2018, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Sê triển khai mô hình trồng dâu nuôi tằm tại xã Al Bá, gia đình ông được chọn tham gia và được hỗ trợ một phần giống và phân bón để trồng 4 sào dâu. Ông bỏ thêm 60 triệu đồng mua dụng cụ, thiết bị, làm trại nuôi tằm. Nhờ được đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm mô hình trồng dâu nuôi tằm tại thị trấn Nam Ban (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) và được tham gia nhiều lớp tập huấn kỹ thuật do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức, ông bắt tay triển khai mô hình khá thuận lợi. Đến nay, gia đình ông đã mở rộng diện tích trồng dâu lên 9 sào, nuôi được 5 hộp tằm giống/tháng; mỗi hộp tằm cho thu 50-60 kg kén, bán cho nhà máy tại Lâm Đồng với giá 120.000 đồng/kg. Trừ chi phí 30%, gia đình ông còn lãi khoảng 25 triệu đồng/tháng. “Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích vườn dâu, nhà xưởng để sản xuất vì có Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Việt Trí mới thành lập, tôi cũng là một thành viên nên rất yên tâm về đầu ra sản phẩm”-ông Thấn cho hay.
Theo ông Nguyễn Văn Công-Phó Chủ tịch UBND xã Al Bá, trước đây, toàn xã có trên 500 ha hồ tiêu. Đến năm 2018, diện tích hồ tiêu chết của xã đã lên đến hơn 400 ha. Bên cạnh đó, hơn 900 ha cà phê của xã cũng đã đến thời kỳ già cỗi, năng suất giảm. Vì vậy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho người dân là điều cần thiết. Mô hình trồng dâu nuôi tằm triển khai trên địa bàn xã bước đầu đã có hiệu quả. Bên cạnh những hộ được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ, một số hộ dân thấy mô hình hiệu quả nên đã tự mua giống dâu về trồng và nuôi tằm. Sắp tới, xã có kế hoạch phát triển diện tích trồng dâu lên 50 ha.
Liên quan đến mô hình trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn, ông Lê Sỹ Quý-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Sê-cho biết: Trung tâm phối hợp với UBND xã Al Bá chọn 6 hộ để triển khai mô hình trồng dâu nuôi tằm. Đây là tiền đề để phát triển nghề này trên toàn huyện. Tổng kinh phí triển khai mô hình là 191 triệu đồng (Nhà nước hỗ trợ 131 triệu đồng, người dân đóng góp 60 triệu đồng). Theo đó, Nhà nước hỗ trợ 80% kinh phí mua cây giống, 60% tiền mua phân bón và giống tằm. Dù ban đầu chỉ triển khai trên địa bàn xã Al Bá nhưng người dân các xã lân cận như xã Dun, Ia Hlốp đã tìm hiểu, tự trồng được 5 ha dâu. Năm 2019, huyện sẽ đầu tư thêm cho người dân xã Al Bá trồng 5 ha dâu nữa để mở rộng vùng nguyên liệu. Vừa qua, Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mang Yang đã đến làm việc với huyện về liên kết sản xuất. Dự kiến, nếu huyện Chư Sê trồng được từ 300 ha dâu trở lên thì Công ty sẽ đặt nhà máy ươm tơ tại đây để thuận lợi cho việc bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Việc người nông dân liên kết sản xuất với các nhà đầu tư là cần thiết để phát triển bền vững nghề trồng dâu nuôi tằm.
Mô hình trồng dâu nuôi tằm ở huyện Chư Sê đang ngày càng phát triển với hiệu quả kinh tế bước đầu được đánh giá cao gấp 3-4 lần so với các loại cây hoa màu truyền thống, giúp nông dân có cuộc sống khấm khá hơn. Đặc biệt, nghề trồng dâu nuôi tằm có độ rủi ro thấp, mức đầu tư ít, không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật nên rất phù hợp triển khai ở quy mô hộ gia đình.
 AN SINH

Có thể bạn quan tâm