Kinh tế

Nông nghiệp

Triển vọng từ mô hình liên kết trồng ớt của nông dân Ia Rtô

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Mặc dù mới triển khai vụ đầu tiên, nhưng mô hình liên kết trồng ớt cay lai F1 số 20 của nông dân xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương.

Tháng 5-2023, Hội Nông dân xã Ia Rtô liên kết với Công ty TNHH một thành viên Thương mại Nguyễn Đức Cường (tỉnh Hải Dương) triển khai mô hình trồng ớt cay lai F1 số 20 trên diện tích 10 ha với 10 hộ dân tham gia. Tham gia mô hình, các hộ dân được ứng trước giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, nhân viên kỹ thuật của Công ty thường xuyên bám đồng hướng dẫn bà con nông dân cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Sau hơn 2 tháng, cây ớt sinh trưởng, phát triển tốt, sai quả, chuẩn bị cho thu hoạch lứa đầu tiên.

Anh Nguyễn Văn Hiếu (thôn Đức Lập) phấn khởi cho hay: Gia đình tham gia mô hình với diện tích 1 ha. Công ty TNHH một thành viên Thương mại Nguyễn Đức Cường có nhiều chính sách hỗ trợ ban đầu cho nông dân, đặc biệt cam kết thu mua với giá 7.000 đồng/kg ngay từ đầu vụ. Nhờ tuân thủ theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, diện tích ớt của gia đình phát triển tốt, quả sai, to đều; sản lượng ước đạt 8-10 tấn/ha.

Anh Nguyễn Văn Hiếu (thôn Đức Lập, xã Ia Rtô) phấn khởi khi diện tích ớt của gia đình phát triển tốt, quả nhiều, to và đều. Ảnh: Vũ Chi

Anh Nguyễn Văn Hiếu (thôn Đức Lập, xã Ia Rtô) phấn khởi khi diện tích ớt của gia đình phát triển tốt, quả nhiều, to và đều. Ảnh: Vũ Chi

“Nếu chăm sóc tốt, 1 ha ớt có thể cho thu hoạch 40 tấn quả/vụ. Với giá thu mua cam kết của Công ty, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình sẽ lãi khoảng 150 triệu đồng, cao gấp 3 lần trồng bắp, gấp 5 lần trồng lúa và ngang bằng với trồng cây thuốc lá. Trong bối cảnh cây thuốc lá đã trồng lâu năm dẫn đến đất đai cằn cỗi, năng suất giảm, gặp khó khi tìm nguyên liệu sấy thì chuyển đổi sang trồng cây ớt là giải pháp hữu hiệu”-anh Hiếu phân tích.

Cách đó không xa, 5 sào ớt của gia đình chị Mang Thị Tuyết Như-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã cũng sum suê trái. Vừa hái vài quả to, chín mọng, chị Như vừa vui vẻ nói: Ai đến thăm ruộng ớt cũng tấm tắc khen vì quả nhiều, to, đều. Những vụ trước, gia đình chị thường trồng bắp hoặc bí đỏ. Khi biết xã triển khai mô hình liên kết trồng ớt xuất khẩu, với suy nghĩ cán bộ đi đầu, thấy hiệu quả người dân sẽ hưởng ứng làm theo, chị liền đăng ký tham gia. Chị vận động thêm 3 hộ cùng tham gia mô hình. Được Công ty cung ứng cây giống đảm bảo chất lượng nên chị khá yên tâm. Chị mạnh dạn đầu tư thêm hệ thống tưới nhỏ giọt để vừa tiết kiệm thời gian, công sức chăm sóc, vừa nâng cao hiệu quả cây trồng.

“So với các cây trồng khác, trồng ớt không quá vất vả. Công ty bố trí hơn 40 nhân công phụ trách thu hái đồng loạt để kịp thời vận chuyển ra Bắc. Với năng suất ước đạt 4 tấn/sào, sau khi trừ chi phí, 5 sào ớt của gia đình sẽ cho lợi nhuận trên 60 triệu đồng. Vụ tới, nếu Công ty tiếp tục triển khai mô hình tôi sẽ đăng ký mở rộng diện tích lên 1 ha”-chị Như chia sẻ.

Nhờ lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, 5 sào ớt của gia đình chị Mang Thị Tuyết Như (Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Rtô) phát triển tốt, sai quả. Ảnh: Vũ Chi

Nhờ lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, 5 sào ớt của gia đình chị Mang Thị Tuyết Như (Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Rtô) phát triển tốt, sai quả. Ảnh: Vũ Chi

Ông Phan Tấn Sỹ-Chủ tịch Hội Nông dân xã-cho hay: Một trong những cây trồng chủ lực của xã là thuốc lá. Tuy nhiên, do trồng nhiều năm nên đất đai bạc màu, sâu bệnh nhiều, giảm năng suất. Chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang giống cây trồng mới là giải pháp vừa cải tạo đất, vừa hạn chế sâu bệnh hại, vừa giúp người nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích. Tham gia mô hình trồng ớt, nhờ được ứng trước giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên người dân yên tâm sản xuất. Theo đánh giá, mỗi ha ớt thu được 280 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, bà con lãi từ 130-150 triệu đồng/ha. Thành công từ mô hình sẽ mở ra hướng đi mới cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Theo ông Nguyễn Văn Yêu-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên thương mại Nguyễn Đức Cường: Công ty triển khai liên kết thí điểm mô hình trồng ớt cay lai F1 số 20 trên diện tích 20 ha tại một số huyện, thị. Loại cây trồng này rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại thị xã Ayun Pa, cho năng suất cao hơn những nơi khác. Bình quân mỗi cây ớt cho từ 2-3 kg quả/vụ. Theo lịch gieo trồng thì vụ Đông Xuân tới mới là vụ chính của cây ớt và Công ty dự kiến mở rộng diện tích vùng nguyên liệu tại thị xã lên 100 ha.

Có thể bạn quan tâm