Kinh tế

Nông nghiệp

Triển vọng từ mô hình tưới nhỏ giọt cho cây dược liệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với hơn 2 ha đất đồi khô cằn, anh Trịnh Phó Cường (làng Pan, xã Dun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nhỏ giọt để trồng cây hoa hòe theo hướng hữu cơ.

Mô hình giúp tiết kiệm nguồn nước tưới, công lao động, đồng thời tăng năng suất, sản lượng cho giống cây dược liệu này.

Với hơn 2 ha đất đồi khô cằn, khan hiếm nước, anh Trịnh Phó Cường đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nhỏ giọt để trồng cây hoa hòe theo hướng hữu cơ. Ảnh: M.K

Trước đây, gia đình anh Trịnh Phó Cường từng nhiều lần thất bại khi trồng cà phê và cây ăn quả trên diện tích đất đồi bởi thiếu nguồn nước tưới. Cũng như nhiều hộ nông dân tại địa phương, trước đây, anh chỉ áp dụng cách truyền thống là tưới nước trực tiếp cho cây trồng. Cách tưới này tốn rất nhiều nước, trong khi vùng đất sản xuất của gia đình anh thường xuyên bị hạn, nhất là những tháng mùa khô.

Cuối năm 2022, sau khi tìm hiểu, anh Cường quyết định chuyển sang trồng cây hoa hòe-một giống cây dược liệu có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Để khắc phục tình trạng thiếu nước tưới, anh triển khai thực hiện mô hình tưới nước nhỏ giọt. Anh Cường cho hay: “Tưới nhỏ giọt là phương pháp cung cấp nước tưới đến tận gốc cây, cho nước nhỏ giọt từ từ và thấm vào rễ cây. Tôi đầu tư trên 20 triệu đồng xây dựng hệ thống gồm một số thiết bị như: máy bơm, van, ống dẫn nước… Mô hình này tối ưu được cả về lượng nước tưới mỗi ngày và thời gian thực hiện”.

Theo anh Cường, vì đây là vùng đất khan hiếm nguồn nước nên rất phù hợp để áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt. Hệ thống này cung cấp từng lượng nước nhỏ chính xác vào gốc cây trồng và thấm vào rễ, tránh được việc lãng phí nước. Đồng thời, đường ống dẫn nhỏ và không có nơi thoát khí giúp tránh được việc nước bốc hơi. Tưới nhỏ giọt tự động cũng cho phép tận dụng hệ thống ống dẫn để đưa phân bón hòa tan trực tiếp đến từng gốc cây. Điều này giúp cây trồng hấp thụ nước, chất dinh dưỡng một cách dễ dàng và nhanh chóng. Bên cạnh đó, mô hình có thể được tự động hóa cũng giúp tiết kiệm được nhiều nhân công.

“Nguyên lý hoạt động của hệ thống tưới nhỏ giọt nhìn chung khá đơn giản. Nước được đưa đến từng gốc cây thay vì tưới trên bề mặt. Hệ thống hẹn giờ và áp suất máy bơm sẽ điều khiển dòng nước. Máy bơm của hệ thống sẽ đưa nước từ nguồn về các ống dẫn nước với áp suất thích hợp. Áp suất này sẽ quyết định lượng nước tưới cho cây. Do đó, tùy vào nhu cầu của mỗi loại cây mà áp suất được điều chỉnh để cung cấp lượng nước phù hợp. Sau đó, nước sẽ không đến vòi tưới ngay mà đi qua một lưới lọc để giảm cặn và chất bẩn trong nước nhằm bảo vệ cho đường ống dẫn. Cuối cùng, nước phun ra ở đầu tưới nhỏ giọt với tốc độ nhỏ giọt thích hợp. Tất cả các hoạt động diễn ra tự động nhờ bộ hẹn giờ được liên kết với máy bơm”-anh Cường thông tin.

Nhờ có hệ thống tưới tiêu đảm bảo, sau gần 8 tháng chăm sóc, vườn hoa hòe của gia đình anh Cường phát triển tốt. Ảnh: Mai Ka

Nhờ có hệ thống tưới đảm bảo, sau gần 8 tháng chăm sóc, vườn hoa hòe của gia đình anh Cường phát triển tốt. Cây cao hơn 1,2 m đã cho hoa. Vụ thu bói đầu tiên, anh thu được 1,5 tấn hoa/ha. Giá nụ hoa bán ra khoảng 100-120 ngàn đồng/kg. Năm 2024, anh đã thu đợt đầu tiên đạt 1 tấn hoa/ha, dự kiến năm nay thu 3-4 đợt. Anh Cường phấn khởi cho biết: “Hoa hòe là loại dược liệu thân gỗ, họ đậu, nhanh cho thu hoạch. Loại cây này ra hoa gần như quanh năm và cho thu liên tục. Mô hình tưới nhỏ giọt trong sản xuất hoa hòe đã mang lại nhiều hiệu quả thấy rõ, giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao”.

Ông Rah Lan Nhất-Phó Chủ tịch UBND xã Dun-cho hay: “Tưới tiết kiệm nhỏ giọt cho cây dược liệu của gia đình anh Trịnh Phó Cường ở làng Pan là mô hình tiên phong tại địa phương. Theo đánh giá, xã Dun là vùng đất rất phù hợp để trồng cây hoa hòe. Trang trại hoa hòe của anh Cường là một trong số ít mô hình trên địa bàn được đầu tư chăm sóc bài bản theo hướng hữu cơ. Trước việc khan hiếm nước và để cây phát triển tốt, phương pháp tưới nhỏ giọt theo công nghệ của Israel đã mang lại hiệu quả. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền để bà con nông dân áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt này trong sản xuất”.

Có thể bạn quan tâm