Kinh tế

Nông nghiệp

Triển vọng từ nuôi cá lồng bè trên sông Pô Cô

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Thời gian qua, ông Trần Văn Dã (thôn Ia Đờ, xã Ia Tơi, huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum) phối hợp cùng một số hộ dân ở xã Ia Khai (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai nuôi cá lồng bè trên sông Pô Cô, mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả.

Theo con đường xuyên qua vườn điều đang vào mùa thu hoạch ở làng Nú (xã Ia Khai), chúng tôi đến bờ sông Pô Cô. Từng cơn gió lùa về mang theo hơi nước mát từ dòng sông xua tan phần nào cái nắng nóng của mùa khô nơi biên giới. Những chiếc xuồng máy, thuyền độc mộc nằm sát mép nước yên ắng, đợi chờ. Nổi bật trên dòng sông là 12 lồng cá của ông Trần Văn Dã và người dân xã Ia Khai vừa nuôi gần 2 tháng.

 Nuôi cá lồng bè trên dòng Pô Cô là mô hình kinh tế triển vọng cho bà con dân tộc thiểu số. Ảnh: Phương Vi
Nuôi cá lồng bè trên dòng Pô Cô là mô hình kinh tế triển vọng cho bà con dân tộc thiểu số. Ảnh: Phương Vi


Xuất thân từ tỉnh Đồng Tháp nên ông Dã có khá nhiều kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, khi dừng chân ở bờ sông Pô Cô, ông Dã đã nhận ra đây là vùng nước giàu tiềm năng để nuôi cá lồng bè. Hơn nữa, bên kia bờ sông, gia đình ông cũng đang nuôi 22 lồng cá.

“Đặc điểm của dòng sông này là nước rất yên tĩnh, chảy nhẹ, trong lành. Một năm chỉ mưa vài tháng, thời gian còn lại thời tiết rất đẹp, thích hợp để nuôi các loại cá: diêu hồng, lăng, chép, rô phi. Tôi thấy bà con dân tộc thiểu số ở đây phần lớn vẫn trông chờ vào cây điều. Hết mùa điều thì hết việc, không có khoản thu nhập nào khác. Vì vậy, tôi ngỏ ý với lãnh đạo xã Ia Khai để được phối hợp cùng 5 hộ dân thử nghiệm nuôi cá lồng bè. Tôi sẽ trực tiếp truyền dạy kỹ thuật nuôi cá. Từ mô hình này, hy vọng bà con có thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống”-ông Dã cho hay.

Cứ như vậy, từ cách làm lồng nuôi cá, đến khâu chọn cá giống, chuẩn bị thức ăn và thời điểm thu hoạch cá đều được ông Dã trực tiếp “cầm tay chỉ việc” cho những người cùng tham gia.

Sau gần 2 tháng triển khai, các đàn cá diêu hồng, rô phi phát triển ổn định. Ông Dã chia sẻ: “Nuôi cá lồng chỉ cần cho ăn đúng giờ, đúng số lượng, đảm bảo không để cá bị đói, thiếu thức ăn. Ngoài ra, người nuôi tiến hành vệ sinh lồng 1 lần/tuần để đảm bảo môi trường sống tốt nhất cho cá phát triển. Khoảng 4-5 tháng, khi cá đạt trọng lượng thương phẩm thì tiến hành thu hoạch. Trung bình mỗi bè cá diêu hồng 5 m2 có thể thu được khoảng 3 tấn cá thương phẩm/lứa, 1 năm nuôi 2-3 lứa. Với giá bán sỉ 35.000-40.000 đồng/kg đã đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người nuôi”.

 Trung bình mỗi bè cá diêu hồng 5 m2 có thể thu được khoảng 3 tấn cá thương phẩm/lứa, 1 năm nuôi 2-3 lứa. Ảnh: Phương Vi
Trung bình mỗi bè cá diêu hồng 5 m2 có thể thu được khoảng 3 tấn cá thương phẩm/lứa, 1 năm nuôi 2-3 lứa. Ảnh: Phương Vi


Mặc dù gia đình có 8 ha điều, 400 cây cà phê và 1.000 cây cao su, song anh Puih Luyét (làng Nú, xã Ia Khai) vẫn quyết định chung vốn với ông Dã để nuôi cá lồng bè. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, anh Luyét phụ giúp ông Dã cho cá ăn hay vệ sinh lồng.

Anh Luyét bày tỏ: “Tôi thấy mô hình nuôi cá lồng bè trên sông này khá dễ, không tốn nhiều công chăm sóc, nhưng thu nhập cao và khá ổn định. Tôi cũng được ông Dã chỉ cho nhiều kinh nghiệm trong việc căn dòng chảy, thời điểm thả cá, thu hoạch cá, cách vệ sinh lồng, chăm sóc cá… Khi có điều kiện, tôi sẽ mở rộng mô hình này để có thêm thu nhập cho gia đình”.

Ông Rơ Châm Pich-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Khai là 1 trong 5 hộ cùng tham gia nuôi cá lồng với ông Dã. Ông Pich tâm sự: “Lúc đầu, tôi lo lắng lắm, không biết có hiệu quả thật không. Còn bây giờ, tôi yên tâm rồi vì cá không bị chết nhiều mà sống khỏe, phát triển ổn định. Dọc theo sông Pô Cô trên địa bàn xã cũng đã có 2 hộ triển khai mô hình này. Đây là hướng phát triển kinh tế dễ triển khai thực hiện và khá hiệu quả, tận dụng được diện tích mặt nước trên sông Pô Cô”.

 

PHƯƠNG VI

Có thể bạn quan tâm