Điểm đến Gia Lai

Trở lại Kon Pne

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi vừa có chuyến công tác tại xã Kon Pne, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Sau hơn 10 năm trở lại, tôi cảm nhận rõ hơn bao giờ hết sự khởi sắc của vùng đất gian khó ngày nào.
Một thời, Kon Pne là xã xa nhất, vẫn được xem là “ốc đảo”, bị cô lập với những địa phương khác trong tỉnh. Ba bề núi non bao bọc! Muốn vào Kon Pne duy chỉ có một con đường độc đạo là lối mòn xuyên rừng già nguyên sinh, đến cửa rừng bỏ lại mọi phương tiện giao thông, đi bộ leo dốc.
Khi đi vào, từ phía ngoài dốc Kon Hleng thoai thoải cao dần qua hàng chục cây số, lên tới đỉnh con dốc bất ngờ như đổ ập lao xuống thung lũng hun hút. Người đi xuống, ngoắt ngoéo như đu dây. Tới đỉnh dốc Kon Hleng, hàng hóa đều phải nằm lại. Vật liệu xây dựng thì phải huy động thanh niên gùi trên lưng từng ít một xuống núi.
Vì điều kiện giao thông trắc trở như vậy nên việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở Kon Pne ngày ấy hầu như rất khó khăn. Xã không có đường giao thông, không đường tải điện, trường học rất tạm bợ. Trung tâm xã nằm trên lưng đồi cao trọc trơ, không có dân. Từ xã muốn về các làng gần cũng phải vượt rừng mấy cây số, làng xa phải đi qua chiếc cầu treo bằng song mây đung đưa vắt vẻo trên dòng sông Đak Pne cuồn cuộn chảy.
Xã Kon Pne ngày ấy gồm 3 làng: Kon Hleng, Kon Ktonh và Kon Kring. Cả xã chỉ có 80 nóc nhà. Mỗi nhà có 7-8 hộ với những bếp ăn riêng. Cuộc sống của người dân chỉ quây quần trong từng ấy ngôi nhà với núi, với sông bao đời chở che bao đời cho nguồn sống!
Xã Kon Pne (huyện Kbang) ngày càng khởi sắc. Ảnh: Hà Duy
Xã Kon Pne (huyện Kbang) ngày càng khởi sắc. Ảnh: Hà Duy
Những người già ở đây cho biết: Khoảng năm 1965, bộ đội và cán bộ đã về với Kon Pne. Họ đã giúp người dân kiến tạo ruộng lúa, tiếp cận phương thức canh tác lúa nước. Ruộng được lựa theo thế đất thung lũng, be bờ san phẳng, rồi dùng trâu quần cho đất bùn lỏng ra, gọi là dầm ruộng, xong thì cấy lúa. Không ngờ, lúa tốt hơn, nhiều hơn khi làm rẫy. Từ đó, người dân Kon Pne biết làm ruộng nước.
Sau năm 2005, tỉnh đã có một quyết định mang tính cách mạng là làm đường giao thông, đường điện về với xã Kon Pne! Theo đó, từ năm 2018, đường vào xã Kon Pne được rải bê tông. Mọi giao lưu giữa xã và huyện trở nên thuận lợi, thông suốt hơn, ô tô đi lại hàng ngày đến tận các làng. Sản xuất, kiến thiết và đời sống như có những cú hích thần kỳ.
Bây giờ, người Kon Pne đã trở về quây quần xung quanh trung tâm xã. Đường làng cũng đã được bê tông hóa sạch sẽ. Trụ sở UBND xã, Trạm Y tế, trường học được xây dựng khang trang. Hệ thống thủy lợi đã được xây kiên cố, bê tông hóa đưa nước về từng chân ruộng. Hệ thống nước sạch đã được dẫn về từng khu dân cư.
Năm 2000, Bưu điện tỉnh quyên góp tiền mua tặng xã Kon Pne 1 chiếc máy cày để làm đất. Tuy nhiên, khi ấy phải đi đường rừng rất trở ngại nên máy không vào được. Sau này, khi đã mở con đường đất tránh đèo Kon Hleng, được Nhà nước hỗ trợ 2 chiếc máy phay đất chạy dầu thì bà con đã chủ động lên phố mua thêm 4 máy phay đất nữa về phục vụ sản xuất.
Có máy làm đất nhanh, mở mang thêm được nhiều diện tích trồng trọt; cây lúa, cây mì cũng nhiều thêm. Cùng với đó, đồng bào còn biết phát triển cây trồng, vật nuôi phù hợp lợi thế của địa phương, gắn với thị trường hàng hóa. Một số cây trồng mới được trồng khá hiệu quả như: mắc ca, cà phê… Một số cây của núi rừng đã được gây tạo theo hướng thâm canh hàng hóa như: sâm đá, sa nhân tím, bời lời… Bà con còn chăn nuôi thêm dê, cừu và nhận khoán bảo vệ rừng.
Năm 2020, tổng diện tích gieo trồng của xã là 708,7 ha (đạt 112,5% kế hoạch năm), trong đó có 106 ha lúa nước vụ mùa, 58 ha lúa rẫy, 15 ha bắp, 150 ha mì, 10 ha rau đậu các loại, 1,4 ha sâm đá, 57 ha sa nhân tím, 2,5 ha cà phê, 5,8 ha mắc ca, 170 ha bời lời đỏ, 5 ha dâu tằm... Toàn xã hiện có 69 con trâu, 500 con bò, 805 con heo, 1.475 con dê, cừu và gia súc nhỏ khác, gần 3.790 con gia cầm.
Hiện Kon Pne đã có công trình thủy lợi tự chảy theo hệ thống kênh mương bê tông đưa nước về từng cánh đồng, từng chân ruộng. Đến nay, xã đã hoàn toàn khắc phục được nạn khô hạn. Năng suất lúa nước đã khá dần lên, người làm giỏi thu được mỗi vụ 7-8 bao lúa/sào, 2 vụ thu được khoảng 150 bao/ha. Có hộ như ông A Pren (làng Kon Ktonh) có 6 ha lúa nước, thu gần 500 bao lúa/năm.
Kon Pne sau hơn 10 năm trở lại, trong tôi mọi thứ đã hoàn toàn khác lạ. Mảnh đất này đã hội nhập vào xã hội hiện đại với tốc độ nhanh một cách đa chiều, đa diện. Đặc biệt, sản xuất nông-lâm nghiệp thâm canh hàng hóa đang mở ra rất nhiều tiềm năng cho vùng đất gian khó ngày nào.
PHẠM ĐỨC LONG

Có thể bạn quan tâm