Phóng sự - Ký sự

Trở lại nơi phụ nữ vượt biên để bán con

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bây giờ, những phụ nữ mang thai đang được chính quyền giám sát đến từng bước đi, để ngăn họ không tiếp tục vượt biên bán con
 
Bản Đỉnh Sơn 2 (xã Hữu Kiệm, H.Kỳ Sơn, Nghệ An), những mái nhà chưa bình yên vì nạn bán con vẫn chưa chấm dứt, Ảnh: K.Hoan
Tôi quay trở lại những bản làng ở miền tây xứ Nghệ, nơi có hàng chục đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ đã bị bán đi với giá 40 - 80 triệu đồng. Bây giờ, những phụ nữ mang thai đang được chính quyền giám sát đến từng bước đi, để ngăn họ không tiếp tục vượt biên bán con.
Những bản làng ở xã Hữu Kiệm (H.Kỳ Sơn, Nghệ An) vẫn thế, nghèo và u buồn. Khác thời điểm năm trước, khi tôi đến đây viết phóng sự Vượt biên để bán con, bây giờ bóng dáng các chiến sĩ công an xuất hiện thường xuyên. Họ đến để vận động và giám sát những phụ nữ đang mang thai không vượt biên sang Trung Quốc bán con. Nhưng việc ngăn chặn này không hề dễ dàng...
Mất con, tiền cũng hết
Ngồi bó gối trước hiên nhà sàn, Moong Thị B. (ở bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm) thở hắt ra, bảo cũng vì nghèo quá mà phải đi bán con. Hai vợ chồng B. cưới nhau đã 6 năm, tài sản chẳng có gì ngoài căn nhà sàn cũ, bên trong trống hoác, do bố mẹ để lại. Ba miệng ăn gồm 2 vợ chồng và đứa con chỉ nhìn vào vạt rẫy trồng lúa nằm sâu trong rừng, nhưng năm nay trời hạn, mất mùa, không đủ ăn. Chồng đi lấy măng ở rừng, B. hôm nay mệt nên ở nhà nghỉ. Mờ sáng đi rừng, tối mịt mới về, hai vợ chồng tìm măng, bóc vỏ, gùi vẹo lưng cũng chỉ được khoảng 150.000 - 200.000 đồng mỗi ngày. Nhưng mùa măng cũng chỉ kéo dài vài ba tháng. Hết mùa măng chẳng biết làm gì, lại ngồi không. “Muốn phát rẫy để trồng thêm lúa nhưng rừng đã bị cấm, đi làm thuê thì không ai thuê”, B. nói.
Năm ngoái, B. mang thai đứa con trai thứ 2 được 8 tháng thì đón xe sang Trung Quốc theo chỉ dẫn của người quen để sinh con rồi bán. Đứa con trai vừa lọt lòng tại trạm y tế xứ người đã bị "đối tác" bế đi. Hai ngày sau, B. nhận 45 triệu đồng rồi đón xe khách trở về. Có tiền, hai vợ chồng trả nợ, chỉ mua được thêm mấy tấm fibro xi măng để lợp lại mái nhà đã thủng lỗ chỗ và cái ti vi là hết sạch. “Bán con rồi cũng chẳng hơn được chút nào”, B. nói, giọng buồn bã.
 
Thượng sĩ Chích Văn Phươn trò chuyện, vận động một phụ nữ đang mang thai để sản phụ này không sang Trung Quốc bán con
Nhà Moong Thị T. ở cách nhà B. không xa cũng chẳng khá hơn. T. đã 2 lần mang thai đứa con thứ 3 và thứ 4 rồi sang Trung Quốc sinh con, bán. “Trả nợ và sắm đồ hết rồi, chỉ mua được 1 con bò, vẫn nghèo”, T. chép miệng rồi cười vô hồn. Một cán bộ xã Hữu Kiệm lắc đầu nói với chúng tôi, 22 phụ nữ của xã đã bị phát hiện lén lút đi Trung Quốc bán con, nhưng sau khi có tiền, cuộc sống của họ cũng chẳng thay đổi được gì. Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống, bán con xong, mang về nhà được dăm bảy chục triệu, trả nợ, mua sắm và nhà nào ít nợ thì sửa lại mái nhà để ở, là hết. Nghèo vẫn hoàn nghèo.
"Vợ không đi bán con thì không khổ thế này"
Tôi đến xã Chiêu Lưu, nằm cạnh xã Hữu Kiệm để trao thêm 4,1 triệu đồng (đợt 2) của bạn đọc Báo Thanh Niên giúp anh Lương Văn Hồng, chồng chị Moong Thị Lâm bị tử vong bên Trung Quốc vào tháng 9.2018 khi đi bán con. Anh Hồng bảo, từ ngày vợ chết, căn nhà trở nên buồn hiu. 32 tuổi, anh Hồng đã có 5 đứa con. Nghèo quá, năm ngoái, khi đang mang thai đứa con thứ 6, chị Lâm theo 4 phụ nữ khác, trong đó có 1 người cùng bản sang Trung Quốc sinh con rồi bán. Nhưng đến tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) thì lật xe, chị Lâm tử nạn, 4 người còn lại cũng bị thương.
Hay tin, anh Hồng phải bán tháo 6 con bò cả mẹ lẫn con, là tài sản đáng giá nhất của gia đình và vay mượn thêm gần 100 triệu đồng làm lộ phí đi tìm vợ. Ròng rã 1 tháng trời anh mới đưa được tro cốt vợ về. Rồi 5 đứa con nheo nhóc, đứa lớn nhất mới 14 tuổi và đứa kế nó vừa học xong lớp 5 phải bỏ học. Gánh nặng đè lên vai anh Hồng. Vài tháng trước, anh Hồng gặp và quen chị Lữ Thị Thơm, một góa phụ đã 3 con cùng cảnh ngộ ở xã Na Ngoi, cùng huyện. Anh Hồng bàn với chị Thơm gửi đứa lớn cho ông bà nuôi giúp, mang 2 đứa 10 tuổi và 12 tuổi về ở với anh Hồng. Bây giờ, vợ chồng “rổ rá cạp lại” này có 7 đứa con, nhưng 4 đứa đang ở tuổi học THCS đã phải bỏ trường để đi rừng. “Nếu vợ em không đi Trung Quốc bán con thì không khổ thế này”, anh Hồng nhìn ra ngọn núi trước nhà, tiếc nuối.
 
PV Báo Thanh Niên trao tiền bạn đọc giúp đỡ bố con anh Lương Văn Hồng sau khi vợ anh Hồng chết vì gặp tai nạn trên đường đi bán con
“Canh me” phụ nữ mang thai
Ở Hữu Kiệm, chuyện phụ nữ đi Trung Quốc sinh đẻ rồi bán con như một thứ dịch. Ban đầu chỉ lén lút vài người ở bản Đỉnh Sơn 1, nhưng sau đó lan rộng ở 3 bản có người Khơ Mú sinh sống. Đến nay, đã có ít nhất 22 phụ nữ bị phát hiện đi bán con. Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm Nguyễn Hữu Lượng nói, huyện, xã đã họp lên họp xuống nhiều lần để tìm cách ngăn chặn. Chính quyền, công an và các đoàn thể đã tìm mọi cách để tuyên truyền, vận động, gặp riêng các phụ nữ mang thai và buộc họ ký cam kết không đi bán con. Họ vẫn ký, thế nhưng không phải cam kết xong ai cũng thực hiện. Quyền đi lại, làm ăn sinh sống là của dân, chính quyền không thể ngăn cản. Những phụ nữ muốn bán con, khi thai mới vài ba tháng, chưa ai phát hiện, họ lấy cớ đi làm ăn, chính quyền cũng không thể cản được.
Cầm danh sách những phụ nữ ở xã Hữu Kiệm đang mang thai, thượng sĩ Chích Văn Phươn, Công an H.Kỳ Sơn, nói: “Bọn em phải theo dõi họ một bước không rời cho đến khi họ đẻ, vì sểnh ra là sợ họ đi Trung Quốc”. Anh Phươn và 2 chiến sĩ công an của huyện được bố trí xuống “cắm” tại địa bàn xã từ đầu năm nay, chủ yếu để ngăn chặn nạn bán con sang Trung Quốc. Mỗi tuần, ít nhất anh Phươn phải 2 lần vào các bản để “canh me” các sản phụ. Anh Phươn chở tôi bằng xe máy đến bản Đỉnh Sơn 1 và Đỉnh Sơn 2, nơi các sản phụ được đặt trong diện phải giám sát đặc biệt. Dọc đường, đám trẻ con đi học về thấy anh Phươn đều rối rít “chào sếp”. Về phụ trách xã chưa đầy năm, nhưng anh Phươn vào đây quá nhiều, nên đã quá thân quen với bọn nhỏ.
Thượng sĩ Phươn dẫn tôi đến nhà vợ chồng chị Vi Thị Mai. Căn nhà sàn nằm tít trên đồi. Vợ chồng chị Mai đã có 2 con, lần này mang thai đôi nên anh Phươn bảo cần phải đặc biệt quan tâm. Phươn ngồi trò chuyện với sản phụ này bằng tiếng Khơ Mú hồi lâu, rồi chào đi. Xuống hết con dốc, anh Phươn nói với tôi: “Em bảo với nó, có nghèo cũng đừng bán con. Bán con cho người ta, người ta nuôi không tốt, đối xử tàn tệ với nó mình cũng xót chứ. Mà bán con là vi phạm pháp luật nữa đấy. Rồi nó hỏi lại em, đã có ai bị đi tù vì bán con đâu. Em trả lời, chưa bị nhưng sẽ bị đấy”. Anh Phươn rồ ga để chiếc xe vượt qua đoạn đường dốc đầy đá rồi nói tiếp: “Khổ lắm anh ơi, nhiều trường hợp đi bán con rồi nhưng chưa xử lý hình sự được vụ nào vì luật chưa quy định, nên họ không sợ”.
Công an, chính quyền bám sát đến thế, nhưng có người vẫn trốn đi bán con. Công an viên bản Đỉnh Sơn 2 Cụt Văn Thuận nói với tôi có 2 phụ nữ của bản mới trốn đi bán con về. Chị Moong Thị V. ra đến Quảng Ninh thì bị biên phòng phát hiện, bắt quay về. Còn chị Moong Thị Đ. thì đi lọt, sinh con trai, bán con với giá 60 triệu đồng.

Thượng tá Tô Văn Hậu, Trưởng công an H.Kỳ Sơn, cho biết nạn bán con khiến lực lượng công an rất “đau đầu” vì khó từ việc xử lý đến ngăn chặn. Từ đầu năm 2019 đến nay, công an đã làm rõ 2 vụ, xác định được 2 nghi phạm đưa 3 sản phụ sang Trung Quốc sinh con rồi bán. Tuy nhiên, không thể khởi tố vì chưa có văn bản pháp luật nào quy định về hành vi mua bán bào thai. Việc sinh con và bán con xảy ra ở Trung Quốc, nạn nhân không tố cáo và công an không có bằng chứng nên không thể xử lý. Các vụ án này, công an phải linh hoạt chuyển sang xử lý hành vi tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Với tội danh này cũng chỉ xử lý được người tổ chức đưa sản phụ đi, còn người mẹ bán con thì vô can. Và cuộc chiến chống nạn bán con vì thế vẫn vô cùng gian nan.

Khánh Hoan (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm