Xã hội

Đời sống

Trở lại Vị Xuyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau gần 40 năm chia tay đồng đội, xa vùng chiến địa được coi là ác liệt nhất trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc, tôi có dịp trở lại vùng đất Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Trước mắt chúng tôi là một Vị Xuyên hồi sinh và phát triển từng ngày.

Những ngày chúng tôi trở lại, khí hậu ở Vị Xuyên khá mát mẻ. Sáng sớm, nhiều cung đường chìm trong sương mù nhẹ, những cành cây đu mình với những hạt nước nhỏ lấp lánh ánh mặt trời. Dòng sông Lô ẩn hiện nhấp nhô theo triền dốc.

Phóng tầm mắt ngắm nhìn cảnh vật, ký ức lại ùa về trong tôi cùng niềm xúc động trào dâng. Từng tên đất, tên làng cùng với những kỷ niệm một thời áo lính cứ hiển hiện. Thích nghi với địa hình núi đá, sông suối và quen dần với tiếng súng, đạn pháo nổ… là phương châm huấn luyện của đơn vị tôi ngày ấy. Sau thời gian huấn luyện ở suối Bạc (tỉnh Tuyên Quang), chúng tôi cơ động lên vùng đất Phương Thiện, đi qua Thanh Thủy rồi đến hang Dơi, làng Mè, qua “thác âm phủ”, “thung lũng gọi hồn”, “ngã ba cửa tử” và cuối cùng là bò lên vách đá cheo leo, trèo lên ba cái thang dây, mỗi cái trung bình dài 30-40 m để lên chốt ở đỉnh cao 673. Mỗi cung đường, mỗi địa danh, mỗi nơi dừng lại huấn luyện bổ sung, nơi chốt giữ chiến đấu đều ghi dấu ấn đậm nét của “chiến sĩ Vị Xuyên”, gắn với bao công sức, mồ hôi và cả xương máu đồng đội.

Sau khi đến thăm và dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, chúng tôi ngược lên Cửa khẩu Thanh Thủy, nơi chiến trường ác liệt năm xưa, để đến Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên điểm cao 468 ở lưng chừng núi Nậm Ngặt, cách hang Dơi chừng 2 km. Gần 40 năm trước, nơi đây là trung tâm của mặt trận Vị Xuyên phía Tây sông Lô, cũng là chiến trường ác liệt nhất trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược.

Suốt những năm tháng chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc, các chiến sĩ ở Vị Xuyên anh dũng, mưu trí, kiên cường chiến đấu, quyết tâm giữ gìn từng mỏm đồi, vách núi, điểm cao với tinh thần “sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”. Hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh và trên 9.000 người đã để lại một phần cơ thể tại những trận địa được mệnh danh là “cối xay thịt”.

Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên điểm cao 468. Ảnh: Lê Quang Hồi

Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên điểm cao 468. Ảnh: Lê Quang Hồi

Thời gian trôi qua đã lâu, nhưng dấu tích của cuộc chiến bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc và những hy sinh mất mát để giữ lại từng tấc đất, từng mỏm đá của hàng ngàn liệt sĩ vẫn còn đó. Trong tầm mắt những đỉnh núi đá trước đây bị vùi dập hàng ngàn quả đạn pháo trong một ngày, bạc trắng, bụi đá phủ dày, nay cây cối đã phủ đầy một màu xanh của sự sống. Cùng với đồng đội-những người trực tiếp chiến đấu và tham gia phục vụ chiến đấu trở lại thăm chiến trường xưa, chúng tôi lặng lẽ thắp nén hương thơm, lau từng phần mộ cho đồng đội mình. Trong khói hương trầm phảng phất trên những hàng mộ nối dài kế tiếp, ai cũng nghẹn ngào xúc động.

Làm sao quên được những cơn mưa rừng như trút nước, 3 anh em tôi ở trong một cái hang đá nhỏ, chỉ biết ôm và thu cái ba lô cho khỏi ướt, khỏi lạnh, trong không gian tiếng pháo nổ như rền tai; cơm khô, mốc, cá chuồn muối lâu ngày, mỡ hóa học (mỡ bơ), những ngày thay nhau tụt thang xuống vực sâu lấy nước. Như thành lệ, cứ đến khoảng 8 giờ 30 phút hàng ngày, địch dừng bắn pháo đến 9 giờ. 30 phút lúc này được coi là thời gian “hòa bình trong chiến tranh”. Phía bên kia biên giới, chúng bắc loa tu hú kêu gọi… Tuy nhiên, những người lính chúng tôi vẫn tranh thủ nấu cơm, lấy nước, tắm giặt… Đây cũng là thời gian mà cánh lính trẻ hay viết thư về nhà với nỗi nhớ quê hương, cha mẹ, bạn bè đến cồn cào, cháy bỏng.

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên là nơi an nghỉ của 1.863 liệt sĩ và 1 ngôi mộ tập thể. Đây là “ngôi nhà chung” của các liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc và các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Giờ đây, những dãy núi đá tai mèo trên trận địa khốc liệt năm xưa ở vùng biên giới Vị Xuyên đã được phủ xanh bởi cây cối, ruộng nương. Trong hành trình hội nhập phát triển, cấp ủy, chính quyền huyện Vị Xuyên đã đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là nâng cấp, tôn tạo Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên và Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên điểm cao 468 để người dân cả nước được đến tri ân, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Cuộc sống của người dân đang ngày càng thay da, đổi thịt, hồi sinh trên mảnh đất biên cương.

Những ngày trở lại Vị Xuyên, được đi và đến những vùng đất, những địa danh, những dòng sông ngọn núi mà một thời cùng đồng đội chiến đấu, chúng tôi càng thêm thấu hiểu về ý nghĩa của hòa bình, độc lập, tự do. Vị Xuyên không chỉ mang trong mình giá trị lịch sử, tâm linh mà còn có cả những vẻ đẹp của thiên nhiên, phong tục tập quán, văn hóa đa dạng, phong phú, độc đáo và tinh thần đoàn kết của các dân tộc anh em cùng sinh sống.

Có thể bạn quan tâm