Xã hội

Đời sống

“Trợ lực” cho hộ nghèo ở Chư Pưh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, tạo điều kiện để hộ nghèo người dân tộc thiểu số (DTTS) vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.

Từ nguồn kinh phí các chương trình mục tiêu quốc gia và vốn sự nghiệp nông nghiệp, huyện Chư Pưh tiến hành hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho người dân, nhất là hộ DTTS nghèo, cận nghèo.

Trong đó, kinh phí hỗ trợ giống cà phê năng suất, chất lượng cao giai đoạn 2022-2024 là 450 triệu đồng. Từ năm 2022 đến nay, huyện đã cấp 70.000 cây cà phê giống (trị giá 300 triệu đồng) giúp người dân tái canh trên diện tích 60 ha.

Bên cạnh đó, huyện tiến hành hỗ trợ cây giống sầu riêng với diện tích 11,2 ha. Năm 2023, huyện hỗ trợ 9.000 liều vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục và lở mồm long móng với tổng kinh phí 300 triệu đồng.

Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ dê sinh sản và thỏ cho hộ nghèo, cận nghèo người DTTS phát triển chăn nuôi.

Bà Rmah H’Long-Trưởng thôn Thơh Ga B trao đổi với anh Siu Blin về kinh nghiệm chăn nuôi bò. Ảnh: N.D

Bà Rmah H’Long-Trưởng thôn Thơh Ga B trao đổi với anh Siu Blin về kinh nghiệm chăn nuôi bò. Ảnh: N.D

Anh Siu Blin (làng Thơh Ga B, xã Chư Don) cho hay: Gia đình anh thiếu đất sản xuất nên cuộc sống rất khó khăn. Mọi sinh hoạt gia đình hầu như chỉ dựa vào 2 sào lúa nước. Vì vậy, hàng ngày, vợ chồng phải đi làm thuê để nuôi 3 con nhỏ.

Năm 2022, anh được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hỗ trợ 2 con dê sinh sản. Đến nay, đàn dê đã phát triển lên 9 con.

“Mới đây, gia đình còn được hỗ trợ thêm 1 con bò sinh sản. Đây là động lực để gia đình đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, ổn định cuộc sống, sớm vươn lên thoát nghèo”-anh Blin nói.

Bà Rmah H’Long-Trưởng thôn Thơh Ga B-cho biết: Được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ dân trong làng đã xây dựng, sửa chữa nhà ở; phát triển sản xuất. Cùng với đó, bà con cũng đã từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao thu nhập. Đến nay, làng chỉ còn 27 hộ nghèo và 39 hộ cận nghèo.

Không chỉ hỗ trợ phát triển sản xuất, huyện Chư Pưh còn huy động nhiều nguồn lực trợ giúp những hộ đồng bào DTTS neo đơn, yếu thế.

Chị Rmah H’Nhum (làng Thơh Ga B) kể: “Hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn. Nhà ít đất sản xuất, chồng tôi đã qua đời, một mình tôi phải gồng gánh chăm lo 4 đứa con nhỏ. Mấy mẹ con ở trong căn nhà tôn ẩm thấp, nhưng tiền để trang trải cuộc sống còn thiếu, nói gì đến xây nhà.

Thấu hiểu hoàn cảnh của mẹ con tôi, mới đây, Nhà nước hỗ trợ 70 triệu đồng, anh em hai bên gia đình hỗ trợ thêm ngày công xây dựng. Hiện căn nhà đang trong giai đoạn hoàn thiện. Vậy là niềm mơ ước bao nhiêu năm nay của tôi sắp trở thành hiện thực rồi. Tôi sẽ cố gắng làm lụng, chăm lo phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống”.

Đường vào làng Thơh Ga B, xã Chư Don. Ảnh: Nguyễn Diệp

Đường vào làng Thơh Ga B, xã Chư Don. Ảnh: Nguyễn Diệp

Theo thống kê của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Pưh, đến cuối năm 2023, toàn huyện còn 1.708 hộ nghèo, chiếm 9,43% dân số. Trong đó, 1.497 hộ nghèo là người DTTS, chiếm 16,48% so với tổng số hộ DTTS toàn huyện; 1.820 hộ cận nghèo, chiếm 10,05%, trong đó 1.385 hộ cận nghèo người DTTS, chiếm 15,24%.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện-cho biết: Những năm gần đây, huyện tập trung huy động nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ cách làm, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Ngoài nguồn vốn thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện còn tập trung hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng các dự án sinh kế hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, nhất là đồng bào DTTS cùng tham gia phát triển kinh tế.

“Thời gian tới, huyện tiếp tục phân bổ nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 để xây dựng, mở rộng chuỗi liên kết sản xuất nhãn Hương Chi giữa người dân với Hợp tác xã Nông-lâm nghiệp Trường Xuân (tỉnh Đak Lak).

Bên cạnh đó, ưu tiên xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi dê, bò giúp hộ nghèo, cận nghèo đồng bào DTTS phát huy nguồn vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững”-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm