Thể thao

Trọn đam mê với cầu lông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Muốn giỏi cầu lông, phải chơi với các tay vợt giỏi; muốn giữ lửa đam mê với môn thể thao này, hãy thường xuyên gần gũi với những người cùng sở thích. Đó là bí quyết của Lê Ngọc Toàn (26 tuổi)-tay vợt hàng đầu của cầu lông Gia Lai.

Thống trị nội dung đơn nam

Năm Toàn lên 5 tuổi, để giúp con mình rời xa màn hình ti vi và những trò chơi điện tử, vợ chồng ông Lê Ngọc Bửu (tổ 1, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) thường chở con đến sân cầu lông tập cùng bố mẹ vào các buổi chiều. Ban đầu chỉ xem cầu lông như môn thể thao rèn luyện sức khỏe, sau đó, nhờ bố mẹ kiên trì kèm cặp và hướng dẫn kỹ thuật, Toàn dần trở thành tay vợt trẻ có nhiều triển vọng của làng cầu lông Gia Lai.

 

Lê Ngọc Toàn (phải) và tay vợt số 1 Việt Nam Nguyễn Tiến Minh. Ảnh: M.V
Lê Ngọc Toàn (phải) và tay vợt số 1 Việt Nam Nguyễn Tiến Minh. Ảnh: M.V

Để kiểm chứng khả năng của con, hè năm học lớp 6, vợ chồng ông Bửu đưa Toàn vào giao đấu với các tay vợt năng khiếu tại TP. Hồ Chí Minh. Kết thúc chuyến “tập huấn”, tay vợt trẻ này được lò đào tạo năng khiếu cầu lông TP. Hồ Chí Minh mời ở lại để đào tạo tập trung. Tuy nhiên, do gia đình không muốn xa con khi tuổi còn nhỏ, cũng không muốn con theo thể thao chuyên nghiệp nên Toàn đành quay về Pleiku.

Đi một ngày đàng học một sàng khôn, lại có thêm tự tin từ chuyến đi này, Lê Ngọc Toàn không ngừng tiến bộ trên sân cầu lông. Sau khi chinh phục thành công chiếc huy chương vàng ở Hội khỏe Phù Đổng tỉnh, Đại hội Thể dục Thể thao (TDTT) ngành Giáo dục và Đào tạo, Đại hội TDTT TP. Pleiku, đến năm 2010, khi đang là học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Hùng Vương, Toàn trở thành nhà vô địch nội dung đơn nam môn cầu lông tại Đại hội TDTT toàn tỉnh. Từ đó đến năm 2018, trải qua thêm 2 kỳ Đại hội TDTT toàn tỉnh, tay vợt này luôn thống trị nội dung đơn nam môn cầu lông. Ngoài ra, anh còn giành huy chương vàng đôi nam cầu lông vào các kỳ Đại hội TDTT toàn tỉnh năm 2014 và 2018.

Năm 2010, giấc mơ theo đuổi con đường thể thao chuyên nghiệp của Lê Ngọc Toàn thêm một lần dang dở. Trong kỳ tuyển sinh năm đó, Toàn trúng tuyển vào Trường Đại học TDTT TP. Hồ Chí Minh với số điểm cao nhất ở môn thi năng khiếu cầu lông, đồng thời trúng tuyển vào Trường Đại học Tài chính-Marketing (TP. Hồ Chí Minh). Sau nhiều đắn đo, cuối cùng, gia đình quyết định để Toàn theo học Trường Đại học Tài chính-Marketing.

Giữ “lửa” đam mê

Dù không theo con đường thể thao chuyên nghiệp nhưng trong suốt 4 năm đại học, tối nào Lê Ngọc Toàn cũng tìm đến một số câu lạc bộ cầu lông  ở TP. Hồ Chí Minh để rèn luyện sức khỏe, trau dồi tay nghề. Có đêm, anh chơi cầu lông đến gần 2 giờ sáng mới trở về nhà trọ. Từ trải nghiệm của bản thân, Toàn đúc kết: “Muốn giỏi cầu lông phải chơi với các tay vợt giỏi; muốn giữ lửa đam mê với môn thể thao này thì hãy thường xuyên gần gũi với những người cùng sở thích. Trong suốt thời gian học tập và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, tôi thường ở chung xóm trọ với những người cùng đam mê cầu lông. Sau giờ học, giờ làm, chỉ cần hú nhau một tiếng là cả xóm cùng xách vợt đi, rồi cùng nhau về, rất tiện lợi”.

Nhờ có năng khiếu, đam mê lại thường xuyên được tôi luyện trong môi trường có nhiều tay vợt giỏi của TP. Hồ Chí Minh và cả nước, Lê Ngọc Toàn đã từng giành giải nhì đôi nam, hạng ba đơn nam tại giải cầu lông sinh viên TP. Hồ Chí Minh. Tay vợt này cũng đã từng khoác áo đội tuyển cầu lông quận Phú Nhuận thi đấu một thời gian… Cách đây chưa lâu, Toàn đã nhận bằng tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Tài chính-Marketing. Hiện nay, anh đang làm nhân viên của Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex tại TP. Hồ Chí Minh.

Nói về cầu lông, Toàn cho biết thêm: “Cảm ơn bố mẹ vì đã định hướng, giúp đỡ tôi theo đuổi cầu lông ngay từ nhỏ. Môn thể thao này đã giúp tôi có được sức khỏe tốt, giải tỏa được nhiều áp lực trong học tập và công việc. Cầu lông đã cho tôi thêm nhiều người bạn tốt và công việc ưng ý như hiện nay. Một thời gian nữa, tôi sẽ quay trở về Gia Lai làm việc, sinh sống và cũng mong muốn được truyền thêm cảm hứng chơi cầu lông cho nhiều người”.

Minh Vỹ

Có thể bạn quan tâm